Kết quả thanh tra xác suất 22 dự án phát triển nhà ở tại sáu tỉnh, thành phố trong năm 2015 cho thấy tình trạng vi phạm, tồn tại trong quản lý, sử dụng đất đai tại các dự án xây dựng nhà ở là rất phổ biến (dự án nào cũng có sai phạm) dưới nhiều hình thức khác nhau.
Một góc khu đô thị Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)


Từ kết quả thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất năm 2015, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề nghị trong năm 2016, các Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương cần đẩy mạnh thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thi hành Luật Đất đai đối với các cơ quan nhà nước có chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về đất đai ở các cấp nhằm phát hiện và có các biện pháp, kế hoạch cụ thể để khắc phục kịp thời các tồn tại, sai phạm nhằm chấn chỉnh việc thi hành Luật Đất đai ở địa phương.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến, trọng tâm là kiểm tra việc ban hành văn bản thi hành Luật Đất đai theo phân cấp và việc lập, quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc thực hiện các quy định trong giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận và việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.

Đây vừa là nhiệm vụ ưu tiên, vừa là biện pháp hàng đầu trong lĩnh vực đất đai cần được thực hiện trong suốt giai đoạn từ 2016-2020 để bảo đảm cho việc thi hành Luật Đất đai.

Để nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra thi hành Luật Đất đai, các địa phương cần tham khảo nội dung thanh tra, kiểm tra thi hành Luật Đất đai nêu trong tài liệu tập huấn của Tổng cục Quản lý đất đai đã cung cấp cho các địa phương trong tháng 10/2015, để nội dung thanh tra, kiểm tra được thực hiện đầy đủ, đánh giá đúng tình hình và có các biện pháp tổ chức, chỉ đạo phù hợp, kịp thời đối với việc thi hành luật đất đai ở địa phương.

Chỉ đạo sát sao việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra của các cấp theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của các cuộc thanh tra, kiểm tra; không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra mà không có kết luận, kiến nghị xử lý vi phạm hoặc có văn bản kết luận, kiến nghị xử lý vi phạm mà không được thực hiện.

Kết quả thanh tra xác suất 22 dự án phát triển nhà ở tại sáu tỉnh, thành phố trong năm 2015 cho thấy tình trạng vi phạm, tồn tại trong quản lý, sử dụng đất đai tại các dự án xây dựng nhà ở là rất phổ biến (dự án nào cũng có sai phạm) dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong đó có cả sai phạm của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai của các địa phương, thể hiện nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật đất đai trong việc giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án xây dựng nhà ở còn nhiều hạn chế, bất cập.

Cụ thể là cả 22 dự án được thanh tra đều vi phạm trong sử dụng đất; các hành vi vi phạm phổ biến là không và chậm đưa đất vào sử dụng có 13 dự án với diện tích hơn 347ha; còn nợ tiền sử dụng đất có tám dự án với số tiền hơn 137,5 tỷ đồng, trong đó có hai dự án được chậm nộp nhưng đã quá thời hạn quy định với số tiền gần 44,3 tỷ đồng; chuyển quyền sử dụng đất trái pháp luật có năm dự án với diện tích 4,75ha và một dự án cho thuê đất trái pháp luật 0,6ha.

Chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người mua nhà có năm dự án với 1.530 căn và 1.302 nền đất; chưa làm thủ tục pháp lý về đất đai (thủ tục thuê đất) có một dự án với diện tích 2,1ha; sử dụng đất không đúng mục đích có hai dự án với diện tích gần 35ha; huy động vốn của người mua nhà khi chưa đủ điều kiện có ba dự án với 1.493 hợp đồng, diện tích 34,15ha.

Vì vậy, Tổng cục Quản lý đất đai đề nghị các địa phương cần rút kinh nghiệm trong quản lý đất đai, nhất là việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận; tiếp tục rà soát, kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đối với các dự án nhà ở tại địa phương; tăng cường giám sát chặt chẽ việc thực hiện các dự án nhà ở sau khi được giao đất để phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm theo quy định của pháp luật đất đai.

Các Sở Tài nguyên và Môi trường cần chỉ đạo xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá quản lý, sử dụng đất đai ở địa phương theo các tiêu chí thống nhất, ổn định, có cán bộ thường xuyên cập nhật tình hình, bảo đảm chất lượng thông tin thi hành Luật Đất đai theo quy định tại Điều 200 của Luật Đất đai và Điều 95 của Nghị định số 43/2014.

Thực hiện báo cáo định kỳ kết quả theo dõi, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai hàng năm của địa phương gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước để tổng hợp, báo cáo Chính phủ và Quốc hội theo quy định./.

Văn Hào (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.