“Đến khi cán bộ ngân hàng đến xem xét nhà để thu hồi, chúng tôi mới biết mình bị lừa ký hợp đồng chuyển nhượng cho chị Y và chị Y đã sang tên đem thế chấp ngân hàng để vay tiền. Lạ một điều là từ trước tới nay, tôi không thấy bất kỳ một ai đến đo đạc, kiểm tra tài sản hay đề cập đến việc thẩm định để vay vốn ngân hàng”
Đó là câu chuyện của ông T (Hà Nội) trong những bị hại việc vay tín dụng đen và bị lừa ký vào hợp đồng bán nhà mà không hề hay biết nhà đất của mình đã bị sang tên và thế chấp vào ngân hàng.
Bỗng dưng mất nhà
Theo lời kể ông T: Năm 2013, do gia đình đang bí tiền kinh doanh lại không thể tiếp cận vay vốn ngân hàng nên tôi tìm tới Công ty C.N.P có trụ sở tại M3+M4 Nguyễn Chí Thanh để vay tiền. Chủ tịch HĐQT Công ty C.N.P là bà Nguyễn T.H.Y và Phó GĐ là anh H.P.Đ đã hướng dẫn tôi ký vào hợp đồng chuyển nhà và đất và tôi được công ty này cho vay 300 triệu với lãi ngày. Lý giải cho việc ký hợp đồng chuyển nhượng đất và giao sổ đỏ, bà Y cho biết là nhằm bảo đảm chúng tôi có nghĩa vụ trả lãi và gốc cho Công ty C.N.P”
“Chúng tôi tin là vậy, vì giữa chúng tôi và bà Y không bàn giao nhà và không nhận đủ tiền chuyển nhượng” – Ông T cho biết thêm.
Đến năm 2014, gia đình chúng tôi thấy một số cán bộ ngân hàng xuống xem xét và đề cập đến việc thu hồi nhà đất để phát mại tài sản thế chấp, khi hỏi những người này, tôi mới biết bà Y đã sang tên đem thế chấp cho ngân hàng để vay tiền. Lúc này, chúng tôi mới biết mình bị lừa ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho chị Y và anh H.P.Đ. Lạ một điều là từ trước tới nay, tôi không thấy bất kỳ một ai đến đo đạc, kiểm tra tài sản hay đề cập đến việc thẩm định tài sản để vay vốn ngân hàng”
..Và những câu chuyện cười ra nước mắt
Trường hợp của cô Th. (Cầu Giấy) thì nhiêu khê hơn: Năm 2013, khi gia đình đang có việc cần tiền để thanh toán khoản nợ xây nhà, cô có đến ngân hàng có PGD tại Duy Tân – Cầu Giấy để xin làm thủ tục vay vốn, nhưng năm lần bảy lượt ngân hàng từ chối với lý do không có phương án trả nợ khả thi. Đúng lúc này, lại có người của công ty C.N.P đến tư vấn và hứa sẽ làm thủ tục cho gia đình cô vay tiền. Đang túng quẫn lại có người đến giúp, cô như chết đuối vớ được cọc, người ta hướng dẫn sao thì mình làm vậy, miễn sao là vay được tiền để giải quyết nợ nần khi đó, đến khi tỉnh táo ra thì mới biết mình bị lừa.
Cô được hướng dẫn ký vào hợp đồng chuyển nhượng nhà đất với ông L và sau này cô được biết, ngân hàng mà cô đi vay trước đó đã giải ngân ngay lập tức cho trường hợp này với tài sản thế chấp là nhà và đất của cô đã sang tên. Qua một nhân viên trong công ty C.N.P, cô mới biết công ty này đã thuê ông L 30 triệu để đứng tên là người mua nhà cô và vay ngân hàng, nhưng đến nay Ông L vẫn khăng khăng khẳng định mình không hề biết chuyện vay ngân hàng. Không hiểu ngân hàng thẩm định thế nào mà lại cho vay với trường hợp người đi vay không hề biết mình vay tiền, trong khi đó trước đây cô lại không vay được dù chứng minh thu nhập bằng 5 phòng trọ cho thuê ở đường Cầu Giấy - Cô Th. (Cầu Giấy) bức xúc cho biết.
Đáng nói ở đây thông qua lời kể những người bị hại, bà chủ tịch Y của công ty C.N.P lại còn lừa chính… nhân viên của mình với số tiền 1,6 tỷ đồng, cũng với thủ đoạn tương tự, đến khi cơ quan điều tra triệu tập, bà này lại trình giấy chứng nhận… bị tâm thần.
Đó chỉ là 2 trong hàng chục câu chuyện “cười ra nước mắt” của người bị hại tại Hội thảo: Giải cứu người nghèo khỏi bẫy "tín dụng đen", do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) tổ chức vào chiều 7.9.
Lỗi do đâu và giải pháp thế nào?
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, ông Truyền cho biết: “Việc các hộ nghèo mất hoặc khả năng mất ngôi nhà duy nhất của mình đôi khi là do sự kém hiểu biết về pháp luật, nhiều gia đình chỉ có nhu cầu vay 30 đến 50 triệu đồng để phát triển kinh tế hoặc có việc đột xuất nhưng đã ký hợp đồng ủy quyền toàn bộ, thậm chí còn ký chuyển nhượng sang tên cho các tổ chức cá nhân khác để có tiền sử dụng. Các đối tượng này có bộ máy hết sức chuyên nghiệp để lập các phương án kinh doanh, đôi khi cấu kết trực tiếp với ngân hàng thực hiện các “thủ thuật” nâng khống giá trị tài sản đảm bảo để vay nhiều hơn và giữ lại phần lớn tiền vay để sử dụng mục đích khác. Vô hình chung, nhà ở của các gia đình này nghiễm nhiên trở thành tài sản đảm bảo của một loạt món vay tiền tỷ tại những ngân hàng mà thực chất họ không hay biết, có khi đến hạn thanh toán còn phải chi ra một khoản phí đáo hạn với lãi suất cắt cổ có thể lên đến 10.000đ/1triệu/1ngày, trường hợp này chuyên gia vẫn hay gọi là “uống thuốc độc để tồn tại”.
Ông Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: H.N
Còn ông Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty Luật Basico, Trọng tài viên VIAC lại cho rằng: Có nhiều yếu tố để các giao dịch vay tiền biến thành “tín dụng đen”; nhưng yếu tố chính yếu nhất lại là lãi suất ngất ngưởng, tưởng chừng như “cắt cổ”. Có nhiều nguyên nhân đẩy người ta trở thành thủ phạm và nạn nhân của bẫy “tín dụng đen”, nhưng không thể thiếu nguyên nhân do luật phát còn thiếu minh bạch, rõ ràng, hợp lý.
Thực tế qua những vụ vỡ nợ gần đây cho thấy, tình trạng cho vay nặng lãi đang biến tướng vô cùng phức tạp và có chiều hướng gia tăng, trong khi chế tài lại không đủ sức dăn đe. Để hạn chế tín dụng đen phát triển trách nhiệm từ phía các ngân hàng cũng không thể không nhắc đến, cụ thể ở đây là ngân hàng cần mở rộng các chương trình tín dụng ưu đãi với bộ phận dân cư nghèo, minh bạch hóa các điều kiện, trình tự thủ tục để đông đảo người dân có thể tiếp cận những nguồn tín dụng sạch, đồng thời xử lý nghiêm minh những cán bộ ngân hàng tiếp tay cho “tín dụng đen” . Ngoài ra, các cơ quan báo chí cần đưa tin, phản ánh chính xác, sâu rộng về hoạt động mang tính chất lừa đảo “tín dụng đen” để người dân có thể phòng tránh kịp thời. Nếu người dân gặp phải trường hợp tương tự cần thông báo đến cơ quan cảnh sát điều tra tại xã, phường, hay thành phố nơi cư trú cùng với những bằng chứng sát thực để cơ quan chức năng có thể xử lý.
Nhưng quan trọng hơn mỗi người dân cần tự trang bị, nâng cao những kiến thức tài chính cơ bản, nhất là về quản lý tài chính cá nhân để có thể tự nhân biết, tránh và đẩy lùi các hoạt động “tín dụng đen” đồng thời cũng để những câu chuyện “cười ra nước mắt” sẽ không còn tiếp diễn.
Theo thông kê của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm từ năm 2010 đến nay, cả nước đã có hơn 4.900 cụ việc liên quan đến “tín dụng đen”, trong đó, có gần 2.300 cụ liên quan đến lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản … với số tiền thiệt hại gần 5.500 tỷ đồng. Các vụ án về tín dụng đen, tín dụng ngân hàng ngày càng lớn cả về hành vi và hậu quả, giá trị tiền, tài sản thất thoát đặc biệt lớn, số người phạm tội cũng ngày càng gia tăng. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách nghiêm túc để tìm ra những biện pháp hữu hiệu để khắc phục và đẩy lùi tình trạng tín dụng đen hiện nay.
Hoàng Nguyên (ANTT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.