31/10/2016 10:20 AM
Cả nước có 324 khu công nghiệp (KCN) với gần 92.000 ha. Hiện nay, tồn tại nhiều lỗ hổng trong quản lý KCN như tình trạng ôm đất vàng rồi bỏ hoang, gây ô nhiễm môi trường…
Hàng chục héc-ta đất vàng KCN Hà Nội - Đài Tư bị bỏ hoang gần 20 năm.
Địa phương chạy đua cấp phép thành lập KCN, thiếu thẩm định, nên xảy ra tình trạng thành lập xong không thu hút được DN, tỷ lệ lấp đầy chỉ 10-15%. Thủ tướng đã ra công văn “bêu tên” địa phương có tỷ lệ lấp đầy thấp và “trảm” hàng loạt KCN trên cả nước.
Hơn 30.000 ha đất bỏ hoang nằm chờ DN
Nằm trên vị trí “vàng” tại quận Long Biên (Hà Nội), cạnh Quốc lộ 5, KCN Hà Nội – Đài Tư được cấp phép từ năm 1995. Dù đã xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống điện nước, thoát nước, xử lý nước thải nhưng sau gần 20 năm hoạt động, phần lớn diện tích đất thuộc khu công nghiệp vẫn bỏ hoang. Qua cổng KCN chừng vài trăm mét, đập vào mắt chúng tôi là những bãi lau sậy cao quá đầu người. Bốt điện của từng khu đất đầy rêu đen, mốc meo. Nhà điều hành KCN lọt thỏm giữa những bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm.
Do không thu hút được doanh nghiệp (DN) phát triển theo hướng công nghiệp sạch và công nghệ cao, tỷ lệ lấp đầy của KCN đến nay gần 40%. Vừa qua, Chính phủ đã đồng ý cho UBND TP Hà Nội chuyển đổi chức năng KCN Hà Nội- Đài Tư thành khu đô thị.
Đất Hà Nội – Đài Tư chỉ là một phần trong hàng chục nghìn ha đất vàng đưa vào xây dựng KCN trên cả nước rồi bỏ hoang lãng phí. Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê (đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, hệ thống điện, nước, xử lý nước thải…) gần 62.000 ha nhưng diện tích đất đã cho thuê chỉ đạt một nửa. Số này đang bỏ hoang, chờ đợi nhà đầu tư.
Trước thực trạng này, năm 2014, Thủ tướng có công văn về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN và hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong đó, bêu tên 10 tỉnh có diện tích lấp đầy KCN thấp nhất cả nước. Dẫn đầu danh sách này là tỉnh Bình Thuận với diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê lên tới gần 1.600 ha (trong đó 700 ha đất sạch, đã đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng đường, điện, nước) nhưng chỉ lấp đầy hơn 10%.
Theo ông Châu Thủy Cảnh, Phó Trưởng ban quản lý KCN tỉnh Bình Thuận, tỉnh này rất ưu tiên thu hút đầu tư. Tỉnh chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất KCN với mong muốn tăng giá trị sử dụng, tạo việc làm trong các nhà máy cho người dân.
“Chúng tôi định hướng thu hút các DN chế biến nông sản xuất khẩu, vật liệu xây dựng và cơ khí. Khi quy hoạch 1.600 ha đất, chúng tôi hy vọng cảng biển Kê Gà được xây dựng sẽ tạo hệ thống giao thông thuận lợi thu hút nhà đầu tư. Nhưng năm 2013, Kê Gà bị loại ra khỏi quy hoạch cảng biển. Nay không có cảng biển rất khó thu hút DN”, ông Cảnh nói.
Bảng danh sách các tỉnh bị bêu tên tiếp theo có tỷ lệ lấp đầy 11%-30% gồm Ninh Thuận, Cà Mau, Hoà Bình, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Cao Bằng, Hưng Yên, Thanh Hóa.
Theo ông Vũ Quốc Huy, Vụ phó Quản lý Khu kinh tế (Bộ KH&ĐT), chúng ta chưa có quy định về tỷ lệ lấp đầy trong các KCN. Việc thành lập mới KCN chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn sẽ được cấp phép. Riêng với KCN xin mở rộng diện tích, cần đáp ứng tỷ lệ lấp đầy từ 60% trở lên mới được cấp phép dự án mới.
“Việc ra công văn thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong loại bỏ KCN kém hiệu quả. Nhà nước khuyến khích cho DN xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư nhưng kiên quyết loại bỏ DN yếu kém, rút giấy phép các KCN sau 12 tháng không xây dựng”, ông Huy nói.
“Trảm” hàng loạt KCN
Trong phê duyệt tổng thể phát triển các KCN đến năm 2015, tầm nhìn 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cả nước sẽ có 463 KCN với diện tích khoảng 140.000 ha. Để bắt kịp xu hướng này, nhiều tỉnh cấp phép lập KCN ồ ạt, chưa căn cứ vào tình hình thực tế. Vào cuối 2014, Thủ tướng đã ra công văn yêu cầu điều chỉnh quy hoạch phát triển KCN của 31 tỉnh thành trên cả nước. Loại bỏ và giảm diện tích hàng loạt KCN.
Các tỉnh bị bêu tên, loại bỏ và giảm diện tích các KCN chưa thành lập gồm Tây Ninh, Vĩnh Phúc, Tiền Giang, Hà Giang và Bến Tre. Tổng diện tích bị loại bỏ và giảm diện tích lên tới gần 2.000 ha. Tỉnh Vĩnh Phúc phải loại khỏi quy hoạch 2 KCN Vĩnh Tường và Hội Hợp. Tỉnh Bến Tre giảm diện tích 4 KCN gồm Giao Hoà, Thanh Tân, Phước Long, An Hiệp. Tỉnh Tây Ninh loại khỏi quy hoạch 2 KCN (Bàu Hai Năm, Gia Bình) và giảm diện tích KCN Thanh Điền.
“UBND các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN. 10 tỉnh có tỷ lệ lấp đầy KCN thấp nhất, định kỳ 6 tháng phải có báo cáo về tình hình thu hút đầu tư gửi Bộ KH&ĐT để tổng hợp, báo cáo Chính phủ”, công văn của Thủ tướng nêu rõ.
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (ĐH Kinh tế, ĐH QG Hà Nội) cho rằng, việc thành lập KCN rồi bỏ hoang do nhà đầu tư thiếu kế hoạch, tầm nhìn. Sau thời gian hoạt động không hiệu quả hoặc bỏ hoang phí, nhà nước nên thu hồi dự án, tránh việc chiếm giữ đất gây lãng phí cho xã hội.
“Bài học ở đây là chính quyền các địa phương không nên ảo tưởng quá về KCN. Có KCN lấp đầy rất nhanh vì vị trí, hạ tầng tốt. Nhiều địa phương không được như thế nhưng cứ ảo tưởng sẽ làm mất đất sản xuất nông nghiệp của người dân”, ông Thành nói.
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, vốn đăng ký ảo vào các KCN trên 50%. Số vốn do nhà đầu tư trong nước thực hiện mới đạt 40% vốn đăng ký (tương đương 93,5 nghìn tỷ đồng) và vốn do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 44%.
Quỳnh Nga (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.