Bitexco giờ sẽ phải tham gia đấu thầu dự án Dầu Giây - Phan Thiết thay vì được chỉ định như trước.
Khởi động rầm rộ…
Cách đây 5 năm, sau khi Chính phủ ban hành Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về cơ chế thí điểm các dự án PPP tại Việt Nam, dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đã được lựa chọn là dự án thí điểm đầu tiên. Và Bitexco đã được chỉ định là nhà đầu tư thứ nhất của dự án.
Với vốn đầu tư dự kiến khoảng 757 triệu USD, dự án Dầu Giây - Phan Thiết là một kết nối quan trọng trên hệ thống đường cao tốc Bắc Nam, với điểm đầu dự kiến tiếp nối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc xã Mỹ Thạnh, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối nằm trên quốc lộ 1A đi Ba Bàu, tỉnh Bình Thuận. Tổng chiều dài dự án khoảng 100 km với 4 làn xe. Bitexco, với tư cách là nhà đầu tư thứ nhất của dự án, sẽ đóng góp 60% tổng mức đầu tư của dự án này.
Dự án Dầu Giây - Phan Thiết đã được các nhà đầu tư trong và ngoài nước kỳ vọng rất nhiều vì đây được cho là dự án thí điểm PPP (theo Quyết định 71) đầu tiên tại Việt Nam. Sự thành công hay thất bại của nó sẽ có tác động không nhỏ đến tiến trình thực hiện của các dự án PPP trong tương lai. Chính phủ thậm chí cũng đã đưa ra một cơ chế riêng cho dự án để nâng cao tính khả thi.
Nhằm tìm kiếm thêm nhà đầu tư cho dự án, Bitexco và Bộ Giao thông Vận tải (được sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới với tư cách là nhà tư vấn và tài trợ của dự án) - năm 2013 đã tổ chức rầm rộ một loạt sự kiện giới thiệu dự án tại các nước châu Á có tỉ lệ đầu tư cao vào thị trường Việt Nam, cụ thể là ở Ấn Độ, Hàn Quốc và Singapore. Một sự kiện tương tự cũng đã được tổ chức tại Hà Nội cùng năm đó.
Khi ấy, ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Tập đoàn Bitexco, hào hứng cho biết Bitexco rất hân hạnh được Ngân hàng Thế giới và Chính phủ lựa chọn trở thành nhà đầu tư thứ nhất cho dự án đường cao tốc tiêu biểu, hứa hẹn mang nhiều ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam. Ông Hội nhấn mạnh sự lựa chọn này mang ý nghĩa lớn đối với Tập đoàn, cũng như qua đó khẳng định được năng lực, tính cạnh tranh khác biệt và uy tín của Bitexco trên thị trường.
Ông Hội cũng tỏ ra tự tin khi nhận thấy mô hình hợp tác công - tư đang thu hút sự quan tâm sâu rộng của các nhà đầu tư nước ngoài và cho biết Tập đoàn của ông mong muốn được đồng hành với các đối tác cùng chung định hướng, tìm kiếm các cơ hội mang tính chiến lược lâu dài trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Nếu mọi chuyện thuận lợi, dự án dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2019, giúp giảm thời gian di chuyển từ TP.HCM đến các khu vực phát triển công nghiệp năng động lân cận, cũng như các khu du lịch tại duyên hải miền Trung.
Rồi im lìm….
Tuy nhiên, sau tất cả những sự kiện giới thiệu dự án ở cả trong và ngoài nước, cho đến nay đã gần 2 năm mà vẫn chưa có thêm một nhà đầu tư nào tham gia liên doanh cùng với Bitexco để đầu tư dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Tất cả mới chỉ dừng ở mức độ quan tâm mà thôi. Không có thêm nhà đầu tư có nghĩa là vẫn chưa thu xếp được nguồn vốn đầu tư cho dự án. Hay nói cách khác, Bitexco hiện vẫn là nhà đầu tư duy nhất của dự án. Chính điều này khiến cho dự án vẫn chưa được triển khai vào thời điểm hiện tại.
Trong thông báo gửi Bộ Giao thông Vận tải đầu tháng 3 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tính toán lại phương án thu xếp vốn của dự án Dầu Giây - Phan Thiết trong trường hợp thứ nhất là không thí điểm theo hình thức PPP nữa. Trường hợp thứ hai là tiếp tục nghiên cứu hình thức thí điểm trong khi mở rộng tuyến quốc lộ 1A đoạn Phan Thiết - Đồng Nai để đáp ứng nhu cầu giao thông trước mắt. Điều này cũng có nghĩa là dự án của Bitexco đang bị tắc lại và vẫn cần được nghiên cứu.
Vì sao lại không có thêm nhà đầu tư nào tham gia vào dự án được đánh giá là tiềm năng này? Nhiều người cho rằng vấn đề chính nằm ở chỗ đây được cho là dự án “thí điểm” của PPP. Đã là thí điểm thì chưa có gì rõ ràng, tức rủi ro về chính sách tương đối cao. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, chỉ riêng điều này đã không đủ hấp dẫn với họ.
Hơn nữa, nhà đầu tư nào quan tâm và muốn đầu tư vào dự án sẽ buộc phải liên doanh với Bitexco, với tỉ lệ vốn cố định sẵn là Bitexco sẽ chiếm 60%. Dù Bitexco là một doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực, nhưng trong trường hợp này, không phải ai cũng “háo hức” liên doanh với số vốn chỉ được góp tối đa là 40%.
Nhưng việc Bitexco được chỉ định làm nhà đầu tư của dự án Dầu Giây - Phan Thiết đã là chuyện quá khứ. Theo Nghị định mới hướng dẫn về việc thực hiện các dự án PPP, tất cả các nhà đầu tư sẽ phải qua đấu thầu lựa chọn và sẽ không còn chuyện chỉ định nhà đầu tư nữa.
Khi trả lời báo giới về số phận của Bitexco tại dự án Dầu Giây - Phan Thiết cách đây 2 tuần, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, người trực tiếp tham gia soạn thảo Nghị định về PPP và Nghị định hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu, đã khẳng định Bitexco cũng phải tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Như vậy, theo quy định mới, chưa có gì chắc chắn rằng Bitexco sẽ là nhà đầu tư của dự án Dầu Giây - Phan Thiết.
Nếu như Bitexco tiếp tục theo đuổi dự án và tiến hành lập nghiên cứu tiền khả thi, lợi thế duy nhất của Tập đoàn là sẽ được hưởng ưu đãi 5% theo quy định mới. Tức là Bitexco có thể bỏ thầu với giá cao hơn 5% với nhà đầu tư khác mà vẫn trúng thầu. Trong trường hợp Bitexco không được chọn là nhà đầu tư, nhà đầu tư mới sẽ phải hoàn trả lại cho Bitexco số tiền thực hiện nghiên cứu tiền khả thi của dự án.