Nằng nặc xin bằng được suất ngoại giao mua giá ưu đãi thời địa ốc lên cơn sốt để lướt sóng kiếm lời, khi thị trường đóng băng, nhiều khách lại cậy nhờ các mối quen xin rút tiền về.

Những ngày cuối năm, văn phòng của một vị quan chức ngành tấp nập khách hẹn, bàn chuyện công tư đủ cả. Cả núi công văn giấy tờ cần giải quyết, ông không thể bỏ qua email, thư từ của một số người quen nhờ quan hệ xin trả lại suất ngoại giao.

"Trước thì năn nỉ cậy nhờ, nay không bán được lại xin rút, câu chuyện bi hài ở chỗ đó", ông chia sẻ.

Suất ngoại giao mua rẻ thời địa ốc sôi động rồi bán như cho trong bối cảnh thị trường ảm đạm là câu chuyện dở khóc dở cười của hàng loạt chủ đầu tư cũng như khách hàng. Chị Kỳ Phương, một khách VIP cỡ lớn từng mua lô liền kề suất ngoại giao hàng chục tỷ đồng tại dự án ở Hà Đông với mức chiết khấu lên tới 20% đang đau đầu tìm cách đối phó với suất ưu đãi tỷ lệ cực cao này. Ôm suốt hai năm, muốn chờ thời địa ốc lên cao để "bắt sóng", bỏ qua mọi lời khuyên bán lúa non, giờ chị lãnh đủ. Không bán được, chị xin trả lại suất ngoại giao cho chủ đầu tư song nhân viên kinh doanh vẫn dùng dằng chưa giải quyết vì không thể hoàn tiền đến 60% cho khách hàng.

Địa ốc vẫn tiếp tục trầm lắng. Ảnh: Hoàng Lan.

Anh Nguyễn Cảnh cũng được mua một suất ngoại giao với giá 30 triệu đồng mỗi m2, ưu đãi giảm 15%. Như vậy, mỗi căn hộ rộng khoảng 104 m2, anh chỉ phải chi hơn 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, nộp 30% giá trị nhà thì thị trường đi xuống, rao bán mãi không ai mua, anh đã huy động tất cả các quan hệ để xin... trả lại.

Trên các diễn đàn mạng, không thiếu thông tin rao bán suất ngoại giao với giá rẻ bằng 2 phần 3 thị trường. Một lô biệt thự đơn lập rộng 325m2 thuộc một dự án ở Hoài Đức (Hà Nội) được chính chủ rao bán bằng 70% giá thị trường. Quảng cáo nêu rõ là một trong những "suất ngoại giao, hướng Đông Nam, VIP nhất khu đô thị, không gian rộng rãi với giá 25 triệu đồng mỗi m2". Ttrong khi thị trường đang bán loại căn hộ này giá trên 35 triệu đồng mỗi m2.

Một dự án ở khu vực Mỹ Đình (Hà Nội), chưa triển khai xây dựng nhưng ban đầu chủ đầu tư tính toán dành hẳn 4 tầng trong tổng số hơn 30 tầng để bán cho các mối quen. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường ảm đạm, chủ đầu tư đã phải điều chỉnh lại cả số tầng và suất bán cho đối tượng ngoại giao.

Đại diện một doanh nghiệp thừa nhận, bản thân bà cũng nhận được nhiều lời đề nghị xin trả lại suất ngoại giao sau khi khách hàng năn nỉ mua bằng được. Vì mối quan hệ và tùy độ VIP, chủ đầu tư sẽ ưu tiên giải quyết. "Khách VIP nhỏ phải đề xuất qua nhiều phòng ban, còn "thượng khách" thì có thể alo trực tiếp cho những lãnh đạo cao nhất để xin trả lại", nguồn tin này tiết lộ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc khách VIP xin trả lại suất ngoại giao cũng giống như câu chuyện bi hài về cổ phần hóa năm nào. Suất ngoại giao địa ốc cũng như cổ phiếu ưu đãi trong thời điểm thị trường hưng thịnh bỗng trở thành "ngược đãi" khi thị trường lao dốc. Cả người cho và người nhận suất ưu đãi đều không ngờ có ngày thị trường bất động sản èo uột thậm chí đóng băng như hiện nay.

"Chuyện người được ưu đãi từ chối nhận phần ưu đãi nghe có vẻ nghịch lý nhưng lại là một tình huống rất thực tế. Thị trường địa ốc phát triển quá nóng với cơn sốt đất Ba Vì năm xưa và và bị siết tín dụng từ những tháng đầu năm 2011 nên nay cả khách VIP và doanh nghiệp lãnh đủ", bà nói.

  • Hà Nội: thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng

    Hà Nội: thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng

    Thực hiện kế hoạch lập quy hoạch xây dựng sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 được Thủ tướng chí phủ phê duyệt tại quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, UBND thành phố Hà Nội vừa quyết định thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng trên địa bàn do Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội làm Chủ tịch. <br/br>

  • Trú đậu ở văn phòng

    Trú đậu ở văn phòng

    So với sự đóng băng của phân khúc chung cư và sự èo uột của bán lẻ, thị trường văn phòng đang là nơi neo đậu khá yên ổn của các nhà đầu tư, dù kỳ vọng lợi nhuận vẫn đi xuống. <br/br>

  • Lấy lại lòng tin về nhà tái định cư

    Lấy lại lòng tin về nhà tái định cư

    Theo báo cáo của các địa phương, từ nay đến năm 2015, cả nước cần khoảng 17,9 triệu m2 nhà ở để bố trí tái định cư (TĐC) cho các hộ gia đình, cá nhân phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hồi đất xây dựng công trình. <br/br>

Theo Hoàng Lan (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.