05/01/2013 7:50 AM
Theo báo cáo của các địa phương, từ nay đến năm 2015, cả nước cần khoảng 17,9 triệu m2 nhà ở để bố trí tái định cư (TĐC) cho các hộ gia đình, cá nhân phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hồi đất xây dựng công trình.

Khu tái định cư Đền Lừ (Hà Nội).

Để người dân yên tâm hợp tác trong các dự án GPMB, Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ đề nghị ban hành Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở TĐC. Những quy định cụ thể về việc lập quy hoạch, bố trí đất, giám sát chất lượng, quản lý vận hành... được ban hành kỳ vọng sẽ giúp xóa đi “tiếng xấu” và lấy lại lòng tin của người dân về nhà TĐC.

Tiếng xấu… đồn xa

Trên thực tế, một số dự án nhà ở TĐC, đặc biệt là chung cư TĐC đã gây mất lòng tin đối với người dân. Bởi chất lượng các chung cư TĐC này không chỉ xuống cấp nhanh mà các chủ đầu tư còn thiếu quan tâm đến công tác quản lý, bảo trì, bảo dưỡng nhà TĐC một cách bài bản.

Hiện nay, tại Hà Nội, khi các dự án GPMB lấy đất xây dựng các công trình hạ tầng, xã hội thì những hộ dân di dời sẽ được đền bù theo quy định của Nhà nước. Tùy theo tiêu chuẩn, các gia đình có thể được mua một căn hộ TĐC với mức giá rẻ hơn so với mặt bằng chung của thị trường. Tuy nhiên, khi chuyển về nơi ở mới, hầu hết các hộ dân đều bức xúc bởi chất lượng xây dựng kém, nhà xuống cấp nhanh và không được sửa chữa kịp thời. Sự bất hợp tác của người dân là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn về thực hiện công tác GPMB.

Trong khi đó, trách nhiệm về chất lượng cũng như sự xuống cấp của các chung cư TĐC sau khi bàn giao cho người dân vào ở lại luôn được “đá” từ đơn vị này sang đơn vị khác. Từ câu chuyện nhà TĐC tại các thành phố lớn, tiếng xấu của loại hình nhà TĐC không khỏi khiến dư luận xã hội bị ám ảnh. Thực tế, có nhiều dự án nhà TĐC ở các địa phương, dù đã đưa người dân vào ở nhưng vẫn chưa bảo đảm yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy, hệ thống điện, nước... nên đã gây bức xúc trong dân.

Bởi vậy, việc xây dựng Nghị định quy định về phát triển và quản lý nhà ở TĐC là rất cần thiết để thay đổi quan niệm của các chủ đầu tư khi tham gia xây dựng loại hình nhà ở này và xóa dần cách nhìn thiếu thiện cảm của xã hội về nhà TĐC.

Gỡ nút thắt

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: Đây là lần đầu tiên Nghị định quy định về phát triển và quản lý nhà ở TĐC được xây dựng. Tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt cũng đặt ra nhiệm vụ xây dựng đề án nhà ở TĐC. Đề án này được xác định là một trọng tâm rất quan trọng trong chương trình phát triển nhà ở nói chung.

Trước đây, do chưa có quy định thống nhất về phát triển và quản lý nhà ở TĐC nên các địa phương còn nhiều lúng túng trong thực hiện. Khi lập quy hoạch xây dựng, phần lớn các địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất cho nhà ở TĐC hoặc có bố trí nhưng không đáp ứng được yêu cầu về TĐC, nhất là đối với các hộ gia đình, cá nhân ở khu vực nông thôn có nhu cầu về đất sản xuất gắn với nhà ở TĐC. Việc lập kế hoạch đầu tư xây dựng nhà ở TĐC trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội chưa được các địa phương quan tâm nên nhiều dự án nhà ở TĐC chưa đáp ứng được nhu cầu trên địa bàn, dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu.

Chất lượng công trình nhà TĐC cũng chịu ảnh hưởng nhiều bởi công tác quản lý, vận hành sau khi người dân đến ở, đặc biệt đối với nhà chung cư còn bất cập. Trước đây, do tổ chức quản lý nhà ở TĐC sau đầu tư chưa hiệu quả, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình quản lý sử dụng nhà ở chưa rõ ràng nên khi xảy ra những tranh chấp và vi phạm, nhất là về sử dụng phần diện tích chung, về phí dịch vụ giữa các cư dân với chủ đầu tư chưa được địa phương quan tâm giải quyết, xử lý dứt điểm...

Do đó, việc quản lý vận hành, khai thác nhà ở TĐC cần phải đảm bảo các nội dung theo quy định của pháp luật về quản lý sử dụng nhà chung cư thương mại, pháp luật về nhà ở; chủ đầu tư xây dựng nhà chung cư thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý vận hành nhà chung cư đó. Nhà TĐC khu vực nông thôn cũng được thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy; thực hiện các quy định về nếp sống văn hóa, văn minh của cộng đồng dân cư…

Nghị định này được ban hành nhằm thống nhất quản lý nhà ở TĐC, khắc phục những bất cập tồn tại trong đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng nhà TĐC từ trước tới nay. Trong đó, khâu chất lượng loại hình nhà ở TĐC được quan tâm hàng đầu, phải gỡ hết các “nút thắt” này mới mong lấy lại lòng tin của người dân tại khu vực có dự án GPMB.

Mua nhà thương mại để làm nhà TĐC

Đây là một đề xuất khá mới mẻ được đề cập đến tại dự thảo nghị định để trình Chính phủ. Theo đó, chủ đầu tư dự án TĐC có thể lập phương án mua nhà ở thương mại để làm nhà TĐC, trong đó nêu rõ địa điểm mua, số lượng, dự kiến giá mua, tiến độ bàn giao, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt...

Bộ Xây dựng khẳng định: Phát triển nhà TĐC phải bảo đảm đồng bộ công trình nhà ở, hạ tầng kỹ thuật - xã hội thiết yếu trong khu vực (trường học, bệnh viện, chợ...) để người dân có điều kiện ở, sinh hoạt, sản xuất tốt hơn hoặc tương đương nơi ở cũ. Tại khu vực đô thị cần hạn chế đầu tư xây dựng các dự án TĐC riêng lẻ mà giải quyết theo hướng tập trung đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội, mua các căn hộ trong các dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị mới để bố trí TĐC. Nhà TĐC phải bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, bảo đảm chất lượng và an toàn trong sử dụng, phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của địa phương…

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, chung cư TĐC phải đảm bảo tiêu chuẩn diện tích tối thiểu 30 m2/căn với cấu trúc khép kín. Khi thiết kế nhà ở TĐC là nhà chung cư, có thể bố trí một phần diện tích để tổ chức kinh doanh, dịch vụ phù hợp với điều kiện thực tế của từng dự án… Trong đó, phải ưu tiên các hộ gia đình, cá nhân TĐC được thuê một phần diện tích kinh doanh, dịch vụ trong nhà chung cư thông qua đấu giá theo nguyên tắc công khai, minh bạch nhằm tạo việc làm cho người dân TĐC.

  • Hà Nội: thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng

    Hà Nội: thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng

    Thực hiện kế hoạch lập quy hoạch xây dựng sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 được Thủ tướng chí phủ phê duyệt tại quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, UBND thành phố Hà Nội vừa quyết định thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng trên địa bàn do Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội làm Chủ tịch. <br/br>

  • Trú đậu ở văn phòng

    Trú đậu ở văn phòng

    So với sự đóng băng của phân khúc chung cư và sự èo uột của bán lẻ, thị trường văn phòng đang là nơi neo đậu khá yên ổn của các nhà đầu tư, dù kỳ vọng lợi nhuận vẫn đi xuống. <br/br>

  • Bán tháo nhà đất trả nợ, lấy tiền tiêu Tết

    Bán tháo nhà đất trả nợ, lấy tiền tiêu Tết

    Cận Tết, làn sóng ồ ạt giảm giá trên thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, hàng loạt nhà đầu tư đang rao bán cắt lỗ hàng trăm triệu đồng để đẩy hàng.

Theo Thu Hằng (Báo Tin tức)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.