Chấp nhận bàn giao đất cho dự án, 3.022 hộ dân (huyện Tương Dương, Nghệ An) phải chuyển đến sinh sống ở khu tái định cư xa xôi. Những tưởng họ sẽ sớm an cư lạc nghiệp ở vùng đất mới, nhưng sau 8 năm cuộc sống của người dân tái định cư nơi đây vẫn thiếu thốn mọi mặt.

Thiếu thốn đủ bề, không sống nổi ở khu TĐC, đã có cả trăm hộ rời khỏi khu TĐC về nơi cũ hoặc đi sinh sống ở nơi khác

Thiếu đất sản xuất

Trước kia, khi còn sinh sống ở nơi cũ, bà con phát nương làm rẫy nên không thiếu đất canh tác, nhà ít cũng có vài héc-ta đất SX. Nhưng chuyển về nơi ở mới, quỹ đất SX có hạn nên nhà nào cũng cảm thấy thiếu đất làm ăn. Đó là chưa kể những hộ đến sau chẳng có thước đất SX nào.

Để hiểu rõ hơn thực tế này, chúng tôi tìm đến nhà trưởng bản Ốc Văn Thắng (bản Cao Sơn, xã Thanh Sơn): “Toàn bản có 39 hộ với hơn 180 nhân khẩu, tất cả đều là hộ nghèo, việc thiếu đất canh tác là thực trạng chung, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên xã nhưng không thấy hồi âm. Thanh niên đi làm ăn xa hết rồi, giờ chỉ còn người già và trẻ nhỏ ở lại mà thôi”, ông thở dài.

Theo lời ông Thắng, cuộc sống trước kia dù vất vả nhưng dễ thở hơn bây giờ nhiều, quanh năm suốt tháng đốt nương làm rẫy nhưng cái bụng của bà con không bị đói. Khi mới chuyển về đây, gia đình ông có 15 con bò, nhưng do thiếu đất, làm mãi không đủ ăn nên lần lượt phải đem bán hết lấy tiền chi tiêu.

Lý giải về tình trạng khó khăn trên, ông Vy Thanh Nghệ, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết, sở dĩ còn nhiều bất cập là do Ban quản lý dự án (BQLDA) chưa quy hoạch xong đất SX để bàn giao cho người dân, những hộ có đất thì gần như 100% chưa được cấp sổ đỏ. Thêm vào đó là, bà con quen với phương thức SX cũ, phát nương làm rẫy nên cần rất nhiều diện tích đất canh tác.

Dù đã tiến hành phân chia đất rõ ràng, song việc tranh giành đất vẫn diễn ra thường xuyên, người đến trước chiếm đất của người đến sau. Ở xã này, tỉ lệ hộ thiếu đất SX chưa phải quá cao, nhiều nhất là các bản Xốp Lằm, Cao Sơn, Thanh Bình và Nhạn Cán.

Thực trạng trên cũng đang diễn ra phổ biến ở xã Ngọc Lâm. Do thiếu đất SX nên trong tổng số 1.362 hộ có đến 1.125 hộ nằm trong danh sách hộ nghèo (chiếm đến 82%). Có trên 100 gia đình không sống nổi ở khu TĐC đã quay về chốn cũ để “thoả sức” canh tác.

Theo ông Lương Quảng Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bà con bỏ khu TĐC, nhưng sâu xa nhất vẫn là do thiếu đất SX. Ở khu TĐC, cái gì cũng khác biệt nơi cũ nên đa phần các hộ đều gặp khó khăn từ sinh hoạt đến lao động SX, do đó quá trình hoà nhập diễn ra rất chậm.

“Vì công trình thuỷ điện, chúng tôi phải di dời nhà cửa, từ bỏ quê cha đất tổ đến lập nghiệp ở nơi hoàn toàn xa lạ. Ở Tương Dương, nhà tôi có đến 7 ha, nay về đây đất đã ít lại cằn cỗi, thử hỏi chúng tôi dựa vào đâu mà sống”, ông Lô Xuân Tiến, 75 tuổi, trú tại bản Chà Luôn buồn rầu nói.

Khi mới đến, ông Tiến cũng trồng sắn, nhưng thấy không hiệu quả lại chuyển qua trồng keo, dự kiến sau 5 năm, 3.000 gốc keo của ông có thể khai thác được. Nhưng trong khoảng thời gian đó, vợ chồng ông lấy đâu ra tiền để sinh sống? Thế là, trâu bò đã lần lượt đội nón ra đi. Ông Tiến khẳng định, nếu tình hình không có gì tiến triển, gia đình ông sẽ rời khỏi khu TĐC.

Video liên quan về tái định cư

Thiếu nước sinh hoạt...

Ngay sau khi tiến hành di dời các hộ dân về nơi ở mới vào năm 2006, BQL dự án đã đầu tư kinh phí xây dựng các bể chứa nước phục vụ đời sống dân sinh. Thế nhưng do hệ thống đường ống có vấn đề, giếng nước có dấu hiệu bị nhiễm phèn nên bà con chỉ sử dụng được vài tháng đầu rồi “đắp chiếu” suốt từ đó đến nay.

Thực trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng đẩy nhiều gia đình ở bản Kim Hồng, Xốp Pe, Nhão Pà, Muồng… của xã Ngọc Lâm vào thế khó. Cực chẳng đã, họ đành phải cuốc bộ cả kilômet ra suối lấy nước về dùng tạm, dẫu biết rằng nguy cơ mất vệ sinh là khó tránh khỏi.

Được biết, tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở khu TĐC đã diễn ra từ nhiều năm nay, dù nhân dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết. Khi trao đổi về vấn đề này, ông Lô Hoàng Dung - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm cho biết: “BQL dự án thủy điện Bản Vẽ chỉ đầu tư kinh phí đào, khoan giếng duy nhất 1 lần, còn trong quá trình sử dụng hư hỏng thì người dân phải tự túc, trong khi đó dân chưa quen vận hành hệ thống nước”.

Trong số 14 bản của khu TĐC thì bản Kim Hồng khó khăn hơn cả: Tỷ lệ hộ nghèo lên đến 93%, giao thông đi lại cực kì khó khăn và gần như biệt lập với phần còn lại. Cây cầu nối trung tâm xã là phương tiện độc nhất để người dân giao thương, trao đổi hàng hoá với “thế giới bên ngoài”. Ấy vậy mà từ khi xây dựng đến nay, cây cầu đã năm lần bảy lượt hư hỏng và hiện giờ không còn hoạt động, người dân chỉ còn cách lội suối mỗi khi ra ngoài.

*Bài được CafeLand biên tập lại

Việt Khánh (Nông nghiệp VN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.