Chỉ đầu tư qua... công ty con
Trả lời PV tại cuộc họp báo quý 1 của PVN hôm 6.4, ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐTV PVN cho biết, “Tập đoàn dầu khí không kinh doanh BĐS. Có một đơn vị thành viên là Tổng công ty CP xây lắp dầu khí (PVC) có kinh doanh BĐS nhưng PVN chỉ có 40% cổ phần trong PVC, sắp tới xây dựng phương án tăng vốn điều lệ của PVC, thì PVN chỉ còn nắm giữ 20%”. Cũng theo ông Thăng, “một vài công ty con của PVC kinh doanh BĐS, nhưng cổ phần của PVC tại các công này rất thấp, chỉ ở mức 10% - 20%, đều dưới 30% và không nắm giữ cổ phần chi phối”.
Dự án Nam Đàn Plaza trên đường Phạm Hùng, Hà Nội của Công ty cổ phần BĐS Điện lực dầu khí Việt Nam - Ảnh: L.Q.P
Trong cuộc gặp gỡ tại Tòa soạn Báo Thanh Niên chiều ngày 7.4, ông Lê Minh Hồng, Phó TGĐ PVN một lần nữa xác nhận: “Công ty mẹ - Tập đoàn dầu khí không tham gia, hoạt động BĐS, không đầu tư và có bất kỳ hoạt động nào thuộc BĐS. Tất cả nguồn thu, nguồn tiền có được từ hoạt động dầu khí không bao giờ đầu tư vào BĐS”.
Trong bài Dầu khí chảy vào bất động sản đăng ngày 7.4 có viết: “Công ty CP BĐS tài chính dầu khí - PVFC Land là công ty chuyên doanh của TCT tài chính cổ phần dầu khí - PVFC”. Do sơ suất của phóng viên, nay xin sửa lại là PVFC Land là công ty chuyên doanh BĐS của TCT cổ phần xây lắp dầu khí - PVC. |
Tuy nhiên trên thực tế, những TCT mà PVN nắm giữ 100% vốn như TCT điện lực dầu khí VN (PV Power) hay TCT Khí VN (PV Gas), TCT dầu (PV Oil) đều là cổ đông sáng lập của các công ty BĐS cháu, với tỷ lệ góp vốn xấp xỉ 10% - 20% như Công ty CP đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí - Petroland, hay Công ty CP đầu tư Tây Ninh - Petroland Tây Ninh (chủ đầu tư khách sạn Petroland Tây Ninh, gồm các cổ đông góp vốn với tỷ lệ Petroland 50,1%, Tổng công ty khí (PV Gas) là 29%, PVFC là 11%, Công ty cơ khí Tây Ninh khoảng 10%). Điều này cho thấy tuy không trực tiếp đầu tư BĐS nhưng thông qua các công ty con (vì PVN nắm 100% vốn), PVN đã gián tiếp tham gia vào lĩnh vực này, dù không phải là cổ đông chi phối các quyết định đầu tư.
Được xem là đơn vị đầu mối duy nhất của PVN kinh doanh BĐS hiện nay, tại buổi làm việc với đại diện Báo Thanh Niên chiều 7.4, ông Nguyễn Duyên Hải, Phó tổng giám đốc PVC cũng cho biết sẽ thống kê và báo cáo có bao nhiêu công ty con, liên kết kinh doanh BĐS, có bao nhiêu dự án BĐS TCT đang quản lý.
| Cần lập một sơ đồ bao nhiêu công ty BĐS là công ty cháu, chắt của PVN với tỷ lệ góp vốn trước đây và thoái vốn hiện nay. Vẫn tồn tại các công ty "con cháu" của PVN vẫn mang thương hiệu dầu khí VN, người dân dễ đặt câu hỏi vì sao dầu khí đầu tư vào BĐS nhiều thế? Số tiền, lợi nhuận là bao nhiêu, được sử dụng như thế nào, là một tập đoàn lớn của Nhà nước cần được công khai và minh bạch. |
| TS Lê Đăng Doanh , nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư |
Bắt đầu thoái vốn
Chính lãnh đạo PVN cũng đã nhận ra hậu quả tình trạng dàn trải công ty con, cháu tham gia kinh doanh BĐS trong thời kỳ "bung ra" bắt đầu từ năm 2006. Ông Lê Minh Hồng cho biết, trong năm 2010 và quý 1/2011, tập đoàn này đã chỉ đạo tái cấu trúc lại tập đoàn, trong đó có các công ty con. “Dầu khí không phải đang chảy vào, mà đang chảy ra khỏi BĐS. Tới thời điểm này, tất cả các công ty hoạt động trong lĩnh vực BĐS của dầu khí (gồm Petroland, PVFC Land… - PV) đều đã chuyển về PVC”, ông Hồng nói.
Một ví dụ được ông Hồng nêu ra là việc PVPower (công ty con 100% vốn của PVN) thành lập PVPower Land để kinh doanh BĐS: đến tháng 5.2010, PVPower đã rút khỏi PVPower Land. Tuy nhiên, vốn của PVPower Land thì chỉ chuyển về PVC, tức là vẫn do tập đoàn quản lý, trong khi chờ được thoái vốn.
Ông Nguyễn Duyên Hải, Phó tổng giám đốc PVC - đơn vị được xem là đầu mối duy nhất trực tiếp kinh doanh BĐS hiện nay của PVN cho biết, việc thoái vốn cũng đã hoàn thành đối với phần vốn của PVC tại CT CP xây lắp dầu khí Nghệ An (PVNC), Công ty CP thương mại dầu khí sông Đà - PVSD, Công ty CP quản lý và phát triển nhà dầu khí miền Nam - PVSBD. Định hướng lâu dài sẽ tìm cách cơ cấu lại, rút thương hiệu dầu khí tại các công ty này về, vì vốn chủ sở hữu không còn, không liên quan tới công ty mẹ là PVC.
Hiện tại, phần vốn của PVC tại một số công ty BĐS vẫn còn rất lớn, như tại PVFC Land, PVC vẫn nắm giữ 50% vốn điều lệ, Petroland, PVC nắm 31%...
Và một thực tế là, các dự án BĐS của các công ty cháu của PVN đã và đang tồn tại ở nhiều nơi. Trong số đó có các dự án golf như dự án sân golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh, Khánh Hòa, do Công ty CP đầu tư dầu khí Nha Trang làm chủ đầu tư, khu du lịch quốc tế Tản Viên (Ba Vì, Hà Nội) có sân golf 18 lỗ, do Công ty CP kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí VN làm chủ đầu tư…