16/01/2023 5:50 PM
Trước tình hình Trung Quốc mở cửa lại, nhiều chuyên gia nhận định ngành gỗ Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng từ 7-9% trong năm 2023, tương đương kim ngạch xuất khẩu 18 tỷ USD. Tuy nhiên phía Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng khó khăn sẽ còn “đeo bám” ngành sản xuất và xuất khẩu gỗ đến giữa năm 2023.

Tại Hội nghị Tổng kết năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, năm 2022 là năm khó khăn nhất từ trước đến nay đối với ngành gỗ.

Năm 2023, xuất khẩu gỗ hướng tới mục tiêu 18 tỷ USD trong nhiều thách thức

Cụ thể, kim ngạch toàn ngành trong năm nay đạt 16,928 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng ngành gỗ ở mức 7,1%, tăng trưởng của ngành chủ yếu nhờ vào các thị trường như Đông Bắc Á, Châu Đại Dương, Hàn Quốc, Nhật Bản… còn lại các thị trường như Bắc Mỹ và EU không tăng do tác động của suy thoái.

Bước sang năm 2023, ngành gỗ dự báo những tháng đầu năm sẽ còn nhiều khó khăn, dự tính phải hết quý 2/2023 mới có thể phục hồi sản xuất khoảng 85% và kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7-9%, tương đương 18 tỷ USD trở lên.

Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, để đạt được mục tiêu xuất khẩu vượt mức 18 tỷ USD, ngành gỗ Việt Nam cần phải tiếp tục tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp bằng việc áp dụng đồng loạt các giải pháp như đẩy mạnh sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, giảm sử dụng gỗ nhập khẩu; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm chi phí sản xuất; đẩy mạnh sản xuất phát thải thấp.

Thời gian tới, ngành gỗ cần phối hợp các địa phương xây dựng các khu công nghiệp chế biến tập trung; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ quốc tế lớn, phấn đấu từ năm 2024 sẽ đều đặn tổ chức 4 hội chợ lớn/năm. Doanh nghiệp kinh doanh gỗ cũng cần áp dụng công nghệ khoa học và chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, phát thải duy trì ở mức thấp.

Bên cạnh đó, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cũng đã kiến nghị đến cơ quan liên quan về xem xét việc cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài; tăng cường kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài vào trồng rừng, thuận lợi hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi giải ngân vốn vay cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi giải ngân vốn vay cho doanh nghiệp.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.