29/11/2015 6:55 PM
Trong quá trình giải quyết nợ xấu, các tổ chức tín dụng (TCTD) phải tiến hành phát mại tài sản được dùng để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ cho các khoản tín dụng được cấp. Tuy các TCTD “nắm đằng chuôi”, nhưng thực tế cho thấy, việc xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) không hề đơn giản.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Trường hợp khách hàng không hỗ trợ, hoặc có những hành vi làm cản trở quá trình xử lý TSBĐ, hoặc có sự xuất hiện của bên thứ ba có quyền đối với TSBĐ, mà chính TCTD cũng không lường trước hết được khi ký kết hợp đồng tín dụng với khách hàng, thì các TCTD không tiến hành phát mại ngay TSBĐ được.

Có thể kể đến một số trường hợp như: TSBĐ tuy thuộc sở hữu của bên bảo đảm, nhưng lại là tài sản đang thuộc diện di sản thừa kế, đang bị kê biên để thi hành án, hoặc tài sản đang trong quá trình giải quyết tranh chấp với một bên thứ ba phát sinh sau khi ký kết hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp.

Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm có quy định, bên giữ TSBĐ phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ TSBĐ không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ TSBĐ, hoặc yêu cầu tòa án giải quyết. Nhưng trong thực tế, các TCTD (người xử lý tài sản) không dễ thực hiện các quyền này.

Chẳng hạn, nếu TCTD có các hành vi như cưỡng chế, sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực yêu cầu người vay ra khỏi nơi cư trú để thu giữ tài sản thì có thể vi phạm pháp luật hình sự về một trong các tội về chiếm đoạt tài sản trái phép, hoặc tội xâm phạm chỗ ở của công dân.

Trong một số trường hợp, các hành vi này không cấu thành tội phạm hình sự thì những hệ lụy của sự việc cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và hình ảnh của TCTD. Mặt khác, nếu chọn phương án an toàn là khởi kiện ra tòa án thì TCTD phải trải qua quá trình tố tụng kéo dài nhiều tháng để nhận được phán quyết lần thứ nhất của tòa án, nhưng vẫn chưa thể thu giữ, xử lý được TSBĐ nếu người vay không hợp tác.

Nghị định 163/2006/NĐ-CP có quy định về chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng TSBĐ, nhưng Bộ luật Dân sự cũng có quy định: “Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật. Người được chủ sở hữu ủy quyền định đoạt tài sản phải thực hiện việc định đoạt phù hợp với ý chí, lợi ích của chủ sở hữu.” Như vậy, khi xử lý TSBĐ, TCTD phải trông chờ vào sự hợp tác của chủ sở hữu (người vay hoặc bên bảo lãnh).

Đối với TSBĐ là quyền sử dụng đất, các quy định hiện hành cho phép TCTD xử lý TSBĐ theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp, hợp đồng bảo lãnh. Trường hợp không xử lý được theo thỏa thuận thì TCTD có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được thế chấp, bảo lãnh cho người khác để thu hồi nợ, hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bán đấu giá quyền sử dụng đất, mà không cần có sự đồng ý của khách hàng hoặc bên bảo lãnh. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định đối với trường hợp TSBĐ khác không phải là quyền sử dụng đất khi mà TCTD không có quyền chuyển nhượng hoặc bán đấu giá khi chưa có sự chấp thuận của khách hàng.

Kỳ vọng vào thị trường mua bán nợ

Dù chưa có được giải pháp xử lý dứt điểm khó khăn trên, nhưng hiện có một phương thức xử lý nợ đang nhận được nhiều sự quan tâm, đó là bán những khoản nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). VAMC sẽ mua nợ xấu theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt mà Công ty phát hành, hoặc mua theo giá trị thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt.

Việc bán nợ xấu cho VAMC mang lại nhiều lợi ích cho các TCTD. Thay vì phải trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ xấu ở mức 20%, 50% hay 100%, tùy theo từng nhóm nợ, thì TCTD được kéo dài thời gian trích lập đến 5 năm khi bán nợ xấu cho VAMC. Ngoài ra, TCTD có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành để được tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước và tham gia nghiệp vụ thị trường mở, tạo nguồn vốn đưa vào hoạt động kinh doanh.

Đáng chú ý, ngày 17/7/2015, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 09/2015/TT-NHNN quy định về hoạt động mua, bán nợ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ 1/9/2015. Theo đó, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua nợ khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Đối tượng được thực hiện hoạt động mua bán nợ được mở rộng với nhiều tổ chức, cá nhân.

Sự tham gia của những đối tượng này sẽ giúp xã hội hóa nguồn lực xử lý nợ xấu, bởi VAMC, Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) và hơn 20 công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc các ngân hàng thương mại hiện tại vẫn không đủ nguồn lực so với nguồn cung rất lớn trên thị trường.

Do đó, Nhà nước cần tạo khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua bán nợ phát triển với các yếu tố cấu thành thiết yếu như thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp, nền tảng tài chính, thanh toán và các dịch vụ tư vấn hỗ trợ thị trường...

Luật sư Trần Gia Thế, Công ty Luật TNHH ATS

Đối với TSBĐ là quyền sử dụng đất, các quy định hiện hành cho phép TCTD xử lý TSBĐ theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp, hợp đồng bảo lãnh. Trường hợp không xử lý được theo thỏa thuận thì TCTD có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được thế chấp, bảo lãnh cho người khác để thu hồi nợ, hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bán đấu giá quyền sử dụng đất, mà không cần có sự đồng ý của khách hàng hoặc bên bảo lãnh.

Đầu tư chứng khoán
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.