Ông Serge Devieux |
Ông đánh giá thế nào về hệ thống ngân hàng Việt Nam?
Chúng tôi không thấy hệ thống ngân hàng ở Việt Nam khác biệt với bất kỳ hệ thống ngân hàng nào mà chúng tôi đang làm việc cùng. Nhìn chung, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang theo một sự phát triển tự nhiên như chúng tôi đã thấy ở những nước khác.
Tuy vậy, hiện hệ thống ngân hàng ở Việt Nam có một số điểm đáng lưu ý. Thứ nhất, khối nhà nước vẫn đang giữ vị trí quan trọng, nhìn từ góc độ cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng, vì còn khá nhiều DNNN, NHTM Nhà nước. Thứ hai, Việt Nam hiện có quá nhiều ngân hàng, trong đó có những ngân hàng còn nhiều yếu kém về năng lực tài chính, quản trị. Và thứ ba là vấn đề nợ xấu.
Theo tôi, quá trình mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng là tất yếu để giảm bớt số lượng ngân hàng và để đáp ứng các quy định được siết chặt.
Về nợ xấu, tôi hy vọng, với sự minh bạch và công khai, tình trạng này sẽ được cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, quá trình này sẽ mất nhiều thời gian. Tôi ủng hộ việc NHNN siết chặt công tác thanh, kiểm tra, cũng như phân loại, xác định rõ ràng những ngân hàng cần phát triển nhanh hơn. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao năng lực quản trị, quản lý ở các ngân hàng.
Trước tiên, minh bạch, phân loại nợ xấu, sau đó tái cấu trúc nợ xấu, tách nợ xấu ra khỏi bảng cân đối của các ngân hàng
Việt Nam nên bắt đầu giải quyết nợ xấu từ đâu, thưa ông?
Để xử lý được nợ xấu, việc đầu tiên cần làm là minh bạch về tình trạng nợ xấu, đồng thời phân loại nợ xấu, để có giải pháp xử lý riêng, phù hợp với mỗi loại. Tiếp đó, cần tái cấu trúc nợ xấu, tách nợ xấu ra khỏi bảng cân đối của các ngân hàng. Trong một số trường hợp, cần tái cơ cấu vốn ngân hàng, bởi có nợ xấu thì ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng cho nợ xấu và vốn sẽ bị giảm.
Bên cạnh đó, NHNN cũng cần đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc vỡ nợ. Ở cấp quốc gia, cũng cần cải thiện khung pháp lý để giải quyết vỡ nợ. Điều này sẽ giúp ích cho hệ thống ngân hàng vượt qua khó khăn hiện nay.
IFC có kinh nghiệm gì để hỗ trợ các ngân hàng giải quyết nợ xấu?
Chúng tôi cũng có đánh giá về vấn đề này. Nhưng do không thể xác định được lượng nợ xấu, nên đánh giá của chúng tôi bị giới hạn. Mặc dù vậy, chúng vẫn giúp chúng tôi xác định vấn đề nằm ở đâu. Chúng tôi có thể giúp các ngân hàng xác định nợ xấu và khối lượng nợ xấu, cũng như các vấn đề ngân hàng phải theo dõi để tìm giải pháp. Chúng tôi cũng đã làm việc với nhiều ngân hàng tại Việt Nam về việc cải thiện hệ thống quản lý rủi ro, bao gồm quản lý tín dụng và đặc biệt là đảm bảo việc quản lý nợ xấu được thực hiện một cách hợp lý.
Vậy còn vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay thế nào, thưa ông?
Tôi nghĩ vấn đề này không chỉ có ở Việt Nam, mà đã và đang tồn tại ở nhiều nền kinh tế khác. Nó là hệ quả của rất nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, sở hữu chéo trở nên nguy hiểm khi thiếu các công cụ quản lý hữu hiệu và vấn đề là sở hữu chéo không minh bạch. Điều đó khiến cho lượng vốn tại nhiều tổ chức tài chính không phải là vốn thực. Cần phải kiểm soát và hạn chế được vấn đề này.
Tình trạng trên có thể gây ra hệ luỵ gì?
Về trung hạn và dài hạn sẽ ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư. Bởi các nhà đầu tư luôn mong muốn một môi trường minh bạch, có luật pháp, quy định rõ ràng, quản lý kinh tế vĩ mô tốt để giảm thiểu rủi ro. Môi trường đầu tư càng minh bạch, càng chiếm được nhiều niềm tin từ nhà đầu tư để họ mang vốn vào.
Columbia là một ví dụ tốt về việc giải quyết vấn đề sở hữu chéo. Sau khi vấn đề này được giải quyết, ngành ngân hàng nước này đã trở thành một trong những hệ thống tốt nhất trong thị trường mới nổi, trong đó sự minh bạch là nền tảng.
IFC sẽ giúp Việt Nam giải quyết vấn đề sở hữu chéo?
Chúng tôi là những nhà đầu tư, chúng tôi đã đầu tư vào VietinBank, Sacombank, ACB, một số trường hợp chúng tôi đã thoái vốn, bán cổ phần. Là nhà đầu tư dài hạn, chúng tôi lưu tâm tới các biến động, nhưng điều này không ngăn cản chúng tôi đầu tư nền tảng an toàn vào Việt Nam. Bên cạnh việc đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, chúng tôi cũng có nhiều khuyến nghị hữu ích với cơ quan quản lý nhà nước, với Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng ngày càng minh bạch hơn.