Ảnh minh hoạ.
Nhu cầu ngày càng tăng
Tại buổi tọa đàm "Bất động sản nghỉ dưỡng và Homestay - Tâm điểm đầu tư mới" do Tạp chí The LEADER tổ chức mới đây, các chuyên gia đã chỉ ra một thực tế đáng chú ý là ngày càng nhiều ông lớn bất động sản đổ về khu vực ven đô.
Đơn cử như FLC với kế hoạch đầu tư phát triển dự án tại phía bắc và phía tây Hòa Bình; Phú Mỹ Hưng đã “Bắc tiến” với mục tiêu xây dựng một khu đô thị sinh thái và du lịch hấp dẫn cũng tại Hòa Bình, Geleximco khai trương sân golf 27 lỗ tại huyện Kỳ Sơn…
Sự hiện diện của các ông lớn tại thị trường ven đô được các chuyên gia đánh giá trong ngắn hạn sẽ làm thị trường này trở nên sôi động. Hiện nay, khu vực ven đô mới chỉ chiếm một dung lượng nhỏ của thị trường bất động sản, nhưng về lâu dài, cuộc đổ vốn của các ông lớn sẽ tạo nên một thị trường thực sự với sự cạnh tranh về cơ sở lưu trú, tiện ích, dịch vụ…
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Thản, Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, cho hay nhu cầu nghỉ dưỡng homestay và du lịch nghỉ dưỡng ven đô của người Hà Nội ngày càng tăng. Hàng ngày đối mặt với áp lực công việc và ô nhiễm môi trường, người dân đô thị cần được nghỉ ngơi, và đó cũng là lý do tại sao người Việt đi du lịch ngày càng đông.
Tại Hà Nội, những khu nghỉ dưỡng ở vùng ven đô sẽ là lời giải cho bài toán du lịch thuận tiện với chi phí thấp. Ông Thản cho rằng trong tương lai du lịch nghỉ dưỡng ven đô sẽ phát triển mạnh.
Ông Lê Kiên Trung, nhà sáng lập Urban Getaway, cũng đồng quan điểm, cho rằng thị trường nghỉ dưỡng homestay hiện có tiềm năng rất lớn. Khách hàng bây giờ cần trải nghiệm ở những mô hình du lịch mới lạ, thay vì những mô hình đã hiện hữu với mô típ lặp đi lặp lại.
Theo ông Trung, thị trường Việt Nam bây giờ cần những loại hình sản phẩm phức tạp và đa dạng hơn, nắm bắt các xu hướng đang thay đổi trên toàn cầu. Công nghệ hiện đang chuyển hóa cách thức cũng như các hoạt động du lịch.
Ông Trung cũng cho biết, riêng tại Hà Nội, nhu cầu nghỉ dưỡng ven đô đang ngày càng tăng cao. Bởi theo ông, không phải ai cũng có điều kiện mua một khu nghỉ dưỡng đắt tiền, nhưng chỉ cần bỏ ra từ 3 – 5 triệu đồng chia cho vài ba gia đình trong một nhóm để thuê được một khu nghỉ dưỡng homestay thì chi phí này không phải nhiều.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Ngoại ô, lượng khách hàng quan tâm đến khu vực ngoại ô đang tăng vọt là bởi lực đẩy nội ô với áp lực về môi trường, cuộc sống. Trong khi đó, thị trường ven đô có lợi thế về môi trường sống trong lành, khoảng cách di chuyển ngắn và chi phí thấp.
Cùng với đó, hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, số người sở hữu xe hơi gia tăng là những cơ sở phát triển của thị trường ven đô.
Ông Trung đưa ra nhận định về 4 xu hướng chính của thị trường ngoại ô trong tương lai gần.
Thứ nhất là sự bùng nổ của phong trào homestay, các cụm homestay với sự hỗ trợ của các đơn vị trong quản lý, vận hành và bán phòng sẽ khiến thị trường này trở nên chuyên nghiệp.
Thứ hai là sự phát triển nghỉ dưỡng ven đô theo hướng trải nghiệm nông trại, giáo dục, bắt nguồn từ xu hướng các bậc phụ huynh mong muốn con mình có những trải nghiệm mới, được ra ngoài vui chơi, hòa vào thiên nhiên, phát triển trí não và thể lực cho trẻ nhỏ.
Thứ ba, các dự án nghỉ dưỡng cao cấp ở thị trường ven đô sẽ ra hàng vào năm 2020. Những khu resort 5 sao sẽ xuất hiện ngày càng đông đảo, thúc đẩy sự tăng trưởng chất lượng về cơ sở lưu trú, dịch vụ, tiện ích.
Thứ tư, sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu với việc sở hữu xe hơi dễ dàng hơn, cùng với hạ tầng hoàn thiện, tạo nên xu hướng di chuyển từ nội ô ra ngoại ô để sinh sống của người dân.
Theo ông Trung, Hà Nội có 4,5 triệu người trong nội đô. Hơn 4,5 triệu người trong một thành phố trẻ đang phát triển với sự căng thẳng của công việc, ô nhiễm, tắc đường, thì nhu cầu nghỉ dưỡng ven đô cũng như nhu cầu ăn uống hàng ngày.
Vẫn nhiều thách thức
Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của phân khúc nghỉ dưỡng ven đô và loại hình homestay trong bối cảnh hiện tại, nhưng phân khúc này đang phải đối mặt với thách thức chung của thị trường nghỉ dưỡng. Đó là sự hụt hơi của tiện ịch, dịch vụ, hạ tầng trong quá trình phát triển.
Ông Dương Đức Hiển, Giám đốc kinh doanh nhà ở Savills miền Bắc và miền Trung, cho biết thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam phát triển mạnh trong 15 năm trở lại đây. Đáng chú ý, tốc độ phát triển của thị trường nhanh nhưng các dịch vụ tiện ích đi kèm lại chưa đồng bộ.
Nhiều thành phố du lịch, nhiều khu nghỉ dưỡng bị khủng hoảng, thiếu trầm trọng không gian sinh hoạt chung, các không gian cộng đồng cho khách du lịch. Rất nhiều công trình dự án hình thành quá nhanh nhưng phải mất vài năm, thậm chí chục năm để tiện ích cộng đồng hoàn thiện.
Ông Hiển dẫn chứng thị trường Đà Nẵng là một ví dụ điển hình. Giai đoạn cao trào của bất động sản nghỉ dưỡng, các dự án xuất hiện ồ ạt đến mức không có đường đi xuống biển. Các tiện ích nhà hàng, vui chơi giải trí phải mất 2-3 năm sau mới hoàn thiện tại nhiều dự án ở Đà Nẵng.
“Một thực trạng của bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam là tiện ích phát triển chậm, có độ trễ rơi vào 3-5 năm sau đó”, ông Hiển nhấn mạnh,
Bà Trần Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản DTJ, cho rằng bất động sản nghỉ dưỡng muốn phát triển cần gắn với thiên nhiên, đặc trưng văn hóa của mỗi vùng miền. Khách nước ngoài đến với Việt Nam chính là đến với các nét riêng biệt của mỗi vùng miền. Do đó, trong phát triển bất động sản nghỉ dưỡng cần đặc biệt coi trọng yếu tố riêng biệt, nhằm gia tăng trải nghiệm nghỉ dưỡng – yếu tố quyết định đến thời gian lưu trú và khả năng chi trả của khách hàng.
Nhiều chuyên gia tại buổi tọa đàm đều đánh giá, mô hình kinh doanh nghỉ dưỡng ven đô, trong đó có loại hình homestay sẽ bùng nổ trong khoảng 3-5 năm tới. Tuy nhiên, tính tự phát trong khai thác, tính đồng bộ trong kết nối và sự hỗ trợ của chính sách là những thách thức lớn đối với mô hình kinh doanh này. Dù có tiềm năng nhưng hành lang pháp lý để phát triển và kinh doanh dự án còn rất khó khăn.
Các cơ quan nhà nước cần nhận thức được vấn đề và các giá trị mà bất động sản nghỉ dưỡng ven đô mang lại để tạo hành lang pháp lý cho các nhà đầu tư phát triển dự án tốt hơn, từ đó mang lại nhiều giá trị cho xã hội và ngân sách nhà nước.
-
VARS: Nhu cầu đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều
CafeLand - Các chuyên gia cho rằng, du lịch tăng trưởng sẽ tạo động lực thúc đẩy bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Mặc dù giai đoạn hiện nay phân khúc này có phần chững lại, nhưng nhu cầu thực tế vẫn còn nhiều.
-
Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phục hồi ra sao trong năm 2025?
Sau một khoảng thời gian trầm lắng tương đối dài, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng 2025 được dự báo có thêm nhiều tín hiệu tích cực, thúc đẩy tiến trình phục hồi. Trong đó là những dấu ấn nổi bật về tăng trưởng khách du lịch năm 2024 và những kỳ vọ...
-
Thanh khoản bất động sản nghỉ dưỡng nhiều nơi gần như đóng băng
Trong báo cáo thị trường tháng 11, DKRA cho biết phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng và các vùng lân cận tiếp tục duy trì trạng thái ảm đạm.
-
Bao giờ bất động sản nghỉ dưỡng mới “tan băng”?
Mặc dù nguồn cung ghi nhận có tăng nhẹ nhưng thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp. Lượng giao dịch tập trung ở những sản phẩm có giá bán dưới 10 tỷ đồng/căn.