11/10/2018 7:20 AM
Cafeland – Nhiều người cho rằng, việc xây dựng nhà hát ở khu đô thị mới Thủ Thiêm là cần thiết để nâng tầm chất lượng sống của TP.HCM. Song nhiều người khác lại cho rằng, dự án này không cần gấp. Trước mắt, thành phồ cần tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách hơn như chống ngập, kẹt xe, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông.

Thay vì xây dựng nhà hát 1.500 tỉ, TP.HCM nên tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết hơn như kẹt xe, ngập úng, quá tải bệnh viện, trường học

Trong kỳ họp bất thường mới đây của HĐND TP HCM đã bàn đến chủ trương xây dựng công trình Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP HCM, cho biết dự án có kinh phí dự kiến 1.508 tỉ đồng lấy từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1). Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ ngồi, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018-2022.

Xung quanh chủ trương xây dựng nhà hát ngàn tỉ này đang có những ý kiến trái chiều của cả người dân lẫn giới chuyên gia.

Chỉ phục vụ người giàu

Anh Hùng (ngụ Thủ Đức, TP.HCM) cho rằng, số tiền để xây dựng nhà hát lên đến 1.500 tỉ đồng là quá lớn. Nhà hát này hoàn thành cũng chỉ phục vụ cho một bộ phận nhỏ những người có tiền, có am hiểu âm nhạc còn phần đông người dân thành phố sẽ không thấy nó có ý nghĩa.

Anh Hùng cho rằng, thay vì xây dựng nhà hát thì số tiền đó nên dùng để nâng cấp đường sá, hạ tầng giao thông, đặc biệt là tình trạng ngập úng, kẹt xe đang ngày càng trầm trọng trên địa bàn.

Chị Vinh (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) thì cho rằng, hệ thống trường học, bệnh viện của thành phố luôn trong tình trạng quá tải. Nhiều bệnh viện vẫn có tình trạng 2 – 3 bệnh nhân phải nằm chung một giường, thậm chí nằm dọc hành lang. Các trường học thì cũng không đáp ứng được nhu cầu, mỗi mùa tuyển sinh phụ huynh phải xếp hàng dài cả đêm để nộp hồ sơ cho con gây hỗn loạn. Vậy nên, thành phố cần tập trung giải quyết những vấn đề này trước rồi xây dựng nhà hát sau.

Có cái nhìn xa hơn, một người dân khác cho rằng, hiện nay mặc dù không nhiều nhưng các nhà hát, trung tâm sân khấu tại TP.HCM vẫn thưa vắng khán giả, nhiều trung tâm phải đóng cửa vì không có người xem. Nếu xây một công trình lớn, lại kén khán giả thì liệu có duy trì được lâu dài hay chỉ một vài năm lại để không thì rất lãng phí.

Mặt khác, nhiều người dân nêu quan điểm, xây nhà hát 1.500 tỉ đồng ngay Thủ Thiêm thời điểm này là không thích hợp. Thủ Thiêm sau hàng chục năm biến cố khiến hàng trăm gia đình phải tan tác, chịu nhiều mất mát vì những sai phạm liên quan đến việc quy hoạch xây dựng dự án khu đô thị Thủ Thiêm. Do đó, lúc này thành phố cần quan tâm giải quyết các quyền lợi của người dân Thủ Thiêm để họ ổn định cuộc sống.

Cần nhưng không vội

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM, trong một lần trả lời báo chí mới đây cho biết, ông ủng hộ chủ trương xây dựng nhà hát. Theo ông Lịch, hàng chục năm qua thành phố đã ưu tiên tập trung làm các dự án về hạ tầng, bệnh viện, trường học mà bỏ hoàn toàn mảng văn hóa.

“Quan điểm của tôi là ủng hộ, vì vấn đề này đặt ra hàng chục năm rồi. Một thành phố cả chục triệu dân mà một công trình văn hóa đề ra cả chục năm mà chưa làm được”, ông nói.

Trả lời báo Infonet, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cũng đồng tình với chủ trương xây dựng dự án nhà hát của thành phố. Theo ông, dự án này đã được đề xuất từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.

“Chủ trương này rất đúng vì lâu nay thành phố chỉ lo phát triển kinh tế. Người dân thành phố đi quốc gia khác thấy nhà hát của người ta như thế mới thấy mình thiệt thòi. Tại sao thành phố đóng góp 1/4 ngân sách, tốc độ phát triển gấp rưỡi cả nước từ mấy chục năm nay cuối cùng lại không có một nhà hát xứng tầm?” ông Nghĩa nhận định.

Nêu quan điểm cá nhân, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, thành phố cần xây dựng nhà hát để phục vụ đời sống tinh thần của người dân và cũng là một biểu tượng mới của thành phố hiện đại. Tuy nhiên, dự án này nên dành cho tương lai trung và xa chứ không phải ngay lập tức.

Ông Sơn cho rằng, sau khi chính quyền đã giải quyết xong những nhu cầu cơ bản và cấp bách hơn của người dân. Đó là vấn đề tắc đường, ngập nước, an ninh an toàn, nhu cầu cơ bản về y tế, trường học... thì người dân mới có thời gian quan tâm đến nghệ thuật.

Cũng theo vị kiến trúc sư này, với những dự án lớn có nhiều ảnh hưởng thì lãnh đạo TP.HCM nên nghiên cứu kỹ và tổ chức trưng cầu dân ý một cách công khai để người dân đóng góp ý kiến. Thông qua đó, thành phố sẽ biết được nên và không nên thực hiện dự án nào để hợp lòng dân.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.