11/01/2017 9:49 AM
Lúc nào thì nên làm, làm khi nào hợp lý nhất, cũng không hẳn bây giờ phải làm ngay, tất cả những câu hỏi trên đều phải được cân nhắc.
Đã nên làm hay chưa?
Trước đề xuất làm dự án hầm chui vượt sông Hàn có nhiều ý kiến phản đối và lần đầu tiên hai vị cựu Chủ tịch thành phố cùng lên tiếng phản đối một dự án, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng cho biết: "Qua cách phản biện của 2 vị cựu chủ tịch, theo tôi hiểu ý của 2 vị không phải phản đối việc làm hầm chui, mà họ băn khoăn nhiều vấn đề.
Đầu tiên, đó là Đà Nẵng bây giờ đã cần làm hầm chui chưa, nên làm lúc này chưa, cân đối nguồn lực từ đâu trong khi đang khó khăn. Tiếp nữa, phương án kỹ thuật như thế nào sao cho phù hợp với cảnh quan Đà Nẵng, những điều kiện thực tế về thời tiết, khí hậu, giao thông, con người được tính toán ra sao. Theo tôi, họ lo lắng, băn khoăn nhiều hơn là phản đối.
Có một điều lạ là từ trước đến nay từ khi Đà Nẵng tách ra làm đơn vị hành chính độc lập của Trung ương luôn nhận được sự quan tâm của bè bạn khắp nơi đối với tất cả các dự án lớn, kể cả người dân tỉnh thành khác. Trong đó, có ý kiến phản bác, ủng hộ, tranh luận, phân tích sâu sắc, tất cả đều được lắng nghe, thảo luận kỹ.
Ý kiến của 2 vị cựu chủ tịch đều là đáng quý, tất cả những gì thuộc về kinh nghiệm, tri thức, hiểu biết, đúc kết trong quá trình lãnh đạo thành phố 20 năm qua, được nêu ra cần cân nhắc và không thể bỏ qua.
Tuy nhiên, yêu cầu sắp tới yêu cầu đặt ra như thế nào cũng phải được trả lời đầy đủ, cụ thể cho dân yên tâm".
Mô phỏng hầm chui Sông Hàn
Theo ông Sơn, câu chuyện về việc làm hầm chui vượt sông Hàn lần này cũng giống như ngày xưa khi thời ông Nguyễn Bá Thanh, ông Trần Văn Minh ra quyết định xây dựng cầu Rồng, cũng có nhiều ý kiến phản đối, thậm chí gay gắt, nhưng giờ khi đưa vào hoạt động nó đã trở thành biểu tượng sự phát triển của thành phố.
Cho nên, với các ý kiến không nên xây hầm hoặc nên làm cầu, đây cũng là một ý kiến mà lãnh đạo thành phố phải nghiên cứu, cân nhắc.
"Tôi chỉ nhắc rằng, tài sản quý giá nhất của Đà Nẵng đó chính là dòng sông Hàn, bây giờ chúng ta đã có 9 cây cầu trên mặt sông, mỗi cây cầu là một dáng vẻ tạo nên điểm nhấn phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của thành phố, đặc biệt, phát triển du lịch.
Nhưng không thể làm cầu mãi trên mặt sông được, phải dành không gian còn lại cho con cháu, nếu xây cầu dày đặc có nên không, cần phải cân nhắc kỹ. Còn phương án làm hầm chui thì đó cũng là một phương án được đưa ra, lãnh đạo thành phố lựa chọn, tất nhiên nó không phải của cá nhân ai, cần được tham vấn của các nhà quy hoạch, các nhà kiến trúc; tất nhiên vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều khác nhau. Nhưng nổi lên việc lo lắng nhiều nhất là chính nguồn lực, phương án kỹ thuật sao cho phù hợp.
Tôi quan tâm nhất là câu hỏi lúc nào thì nên làm, làm khi nào hợp lý nhất, cũng không hẳn bây giờ phải làm ngay. Tất cả mới chỉ đang là chủ trương, đang cân nhắc về lựa chọn, định hướng, phương án kỹ thuật, nguồn lực, sau khi xác định hết thì bắt tay vào xây dựng dự án", ông Sơn phân tích.
Riêng về việc có nhiều ý kiến nhà quy hoạch cho rằng, nhiều cây cầu trước đây Đà Nẵng xây nhưng sử dụng chưa hiệu quả, ông Sơn không đồng tình, ông cho rằng nhận định đó chưa hoàn toàn đúng.
Theo ông Sơn, không phải những cây cầu trước đây, thời các cựu chủ tịch xây dựng là kém hiệu quả, dọc sông Hàn có 9 cây cầu, trong đó, có 3 cây cầu bắt đầu từ trung tâm thành phố qua bên kia sông, còn 6 cây cầu còn lại ở mỗi vị trí khác nhau, mỗi vị trí có đặc điểm về quá trình phát triển của các địa phương xung quanh đó.
Như cây cầu Thuận Phước nói không hiệu quả cũng chưa hẳn, đầu tiên khi TP Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính độc lập, điều lãnh đạo nghĩ đến là phải có 1-2 cây cầu bắc qua khu vực bán đảo Sơn Trà, vì đó là tiềm năng phát triển của thành phố, những năm qua đã chứng minh hướng đi đó đúng đắn.
Lưu lượng giao thông qua cầu Thuận Phước nó ít hơn so với trung tâm là lẽ đương nhiên, nhưng trong tương lai quận Liên Chiểu cũng là một trong những kinh tế trọng điểm của thành phố, nên nói xây dựng không hiệu quả cũng chưa hẳn hoàn toàn chính xác.
Hay những khu vực khác như khu vực Hòa Cường, phía trên cầu Thiên Sơn, khu đó trước đây là vùng ven đô, khi có cầu thì cũng phát triển đông lên, tất nhiên, mật độ dân cư có tăng. Rõ ràng, mỗi cây cầy ở một vị trí khác nhau, nhưng đều đảm nhận công việc chung phục vụ cho sự phát triển, nên đánh giá không hiệu quả lúc này là chưa toàn diện.
Phải hài hòa lợi ích người dân - doanh nghiệp - thành phố
Trước những ý kiến băn khoăn, xây hầm chui có phải mục tiêu cho dân hay là vì các doanh nghiệp bất động sản, vì biệt thự ven biển mọc lên như "nấm", ông Sơn nhận định: "Bất cứ lợi ích nào hướng tới mục tiêu của sự phát triển thì mục tiêu đó đều tốt, nhưng trong mục tiêu phát triển phải bao gồm lợi ích hài hòa giữa người dân, du khách và doanh nghiệp.
Có thể hiện tại chúng ta chỉ nhìn thấy lợi ích của doanh nghiệp, nhưng không nhìn thấy việc tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp hoạt động, phục vụ cho các nhóm lợi ích, cho nhu cầu của người dân.
Đương nhiên, có một câu chuyện tất cả các dự án phát triển, doanh nghiệp phải đi đầu, tạo tiền đề sau đó các dịch vụ phát triển lên thì người dân sẽ đi đến địa điểm đó, nghĩa là hưởng lợi gián tiếp. Vấn đề ở chỗ lợi ích có hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích của thành phố, của người dân hay không?.
Nếu mà thành phố phát triển chung cư bên bán đảo Sơn Trà mà đường giao thông khó khăn thì sẽ rất khó xử lý, nên tôi luôn nhấn mạnh lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp - thành phố - người dân phải cân đối. Nhưng không phải vì muốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển mà đánh đổi mọi thứ, đặc biệt là cảnh quan một tài sản vô giá như sông Hàn".
Đà Nẵng: 20 năm phát triển, những mất mát lớn
Riêng về việc, Đà Nẵng đối diện nguy cơ bị phá vỡ quy hoạch, theo ông Sơn, chuyện ách tắc giao thông, nạn kẹt xe đã xảy ra, ai cũng nhìn thấy, dân thấy rõ nhất. Nên nếu chúng ta nói rằng Đà Nẵng chỉ phân bổ mật dân số người đi lại, trên số người dân khoảng 1 triệu là phải cân nhắc lại.
Ở Đà Nẵng hàng năm lượng du khách, những người đến thành phố tham gia các hoạt động khoảng 5 triệu người và 1 triệu dân Đà Nẵng, thì trung bình cũng đến 6 triệu dân. Cho nên nếu nói chỉ có 1 triệu dân đi lại thôi thì cũng phải suy nghĩ lại, ở trong nhà chỉ có 1 người, nhưng đi ra ngoài đường lại nhiều người tham giao thông, nó hoàn toàn khác.
Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu trở thành Singapore thứ hai, thành một đô thị của châu Á, ông Sơn phân tích: "Đạt hay không thì còn là quyết tâm của lãnh đạo, nhân dân thành phố và quyết tâm đó có đi đúng hướng hay không, có thể nói, sau 20 năm ĐN tách ra thành đơn vị hành chính, thì có những cái lợi thế của 20 năm trước đã bắt đầu giảm xuống, thậm chí mất đi.
Tôi nói đơn giản như lâu nay chúng ta có Cảng Đà Nẵng, sân bay Đà Nẵng, đó là lợi thế quan trọng cho sự phát triển, nhưng rõ ràng tương lai, sắp tới, 10 - 15 năm nữa thì khi đó sân bay Đà Nẵng sẽ khó còn lợi thế. Chưa chắc 20 năm sau sân bay Đà Nẵng vẫn vận hành theo cách hiện nay theo tư cách sân bay quốc tế. Khi đó, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi phát triển lên, không gian sân bay Chu Lai phát triển tốt, khi đó nó sẽ vượt lên bỏ xa lại Đà Nẵng.
Cho nên tương lai cần phải tìm hướng đi khác, không phải tôi không nói định hướng vì tất cả định hướng đều nằm hết trong Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị, giải quyết vấn đề định hướng trên thực tiễn của đời sống thành phố là câu chuyện lãnh đạo thành phố phải chịu trách nhiệm trước người dân.
Tôi cho rằng, câu chuyện trở thành một đô thị của châu Á là quá trình ở phía trước, không chỉ nằm ở tốc độ tăng trưởng của chúng ta sẽ thu được nhiều hơn các địa phương khác, cái quan trọng là chất lượng cuộc sống, dịch vụ của toàn bộ thành phố như thế nào, đó là điều đáng quan tâm.
Mỗi một địa phương, mỗi một quốc gia đều có đặc trưng khác nhau, chúng ta nói muốn trở thành Singapore thứ hai thì không có nghĩa chúng ta là mô hình dập khuôn của họ, mà chúng ta phải có mô hình phát triển như vừa qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong Hội nghị Tổng kết 20 năm phát triển của TP Đà Nẵng, nó phải có nét riêng đặc biệt, cá biệt thể hiện nét riêng của nó".
Vì thế, nếu không nhìn lại hệ thống quy hoạch, theo vị ĐBQH trên, lãnh đạo thành phố phải là những người chịu trách nhiệm trước nhân dân và Đảng, Chính phủ về phát triển thành phố trong giai đoạn sắp tới.
"Trong 20 năm qua chúng ta chỉ nghĩ đến một số tuyến giao thông công cộng, suy nghĩ phát triển lên ý tưởng kế thừa cao hơn, như vậy có hạ tầng tốt hơn để đáp ứng, chứ không thể hôm nay xây một chút, ngày mai lại đập bỏ đi, như vậy vô cùng đáng tiếc.
Còn riêng với dự án hầm chui qua sông Hàn, chúng ta không thể nhằm vào dòng sông Hàn mãi được, vì nó là tài sản quý giá phải giữ lại để dành cho sự phát triển lâu dài, đặc biệt lĩnh vực du lịch với định hướng Đảng bộ thành phố vạch ra, tức là phải tổng thể.
Hoặc tiếp tục xây dựng thêm các cây cầu trên mặt sông Hàn đó không phải quyết định tốt và sáng suốt, vì nó làm nhỏ không gian còn lại.
Vấn đề còn lại, làm hầm chui thì cần phải đặt ra phương án kỹ thuật ra sao, nguồn lực, đáp ứng yêu cầu gì còn đang bàn cãi, chưa có dự án cụ thể. Tất cả mới chỉ là định hướng, nên việc có làm hay không còn phải cân nhắc nhiều", ông Sơn khẳng định.
  • Xây hầm chui vượt sông Hàn: "Đừng cực đoan phản đối..."

    Xây hầm chui vượt sông Hàn: "Đừng cực đoan phản đối..."

    Lợi ích của doanh nghiệp thì cũng là lợi ích phát triển kinh tế, không có gì xấu, nên cần phải nghĩ tổng thể ra.

  • Xây hầm qua sông Hàn: Ai được hưởng lợi?

    Xây hầm qua sông Hàn: Ai được hưởng lợi?

    Lãnh đạo Thành uỷ và UBND TP.Đà Nẵng đều khẳng định quyết tâm xây hầm vượt sông Hàn tại cuộc họp báo sáng 21.12 đã khiến “làn sóng” phản đối dự án này xôn xao trở lại. Ngoài những viện dẫn để chỉ rõ sự bất hợp lý, không khả thi cả phương án kỹ thuật lẫn luận chứng kinh tế, nhiều ý kiến còn phản biện rằng dự án xây dựng công trình vượt sông Hàn là phá vỡ quy hoạch của thành phố và chưa cần thiết trong bối cảnh hiện nay…

  • Đà Nẵng định xây hầm vượt sông Hàn hơn 4000 tỷ theo hợp đồng BT

    Đà Nẵng định xây hầm vượt sông Hàn hơn 4000 tỷ theo hợp đồng BT

    CafeLand - Công trình vượt sông Hàn theo phương án hầm với hướng tuyến từ nút giao đường Đống Đa – 3 tháng 2 – Trần Phú (phía quận Hải Châu) sang nút giao đường Vân Đồn – Lê Văn Duyệt – Trần Hưng Đạo (phía quận Sơn Trà) đã được Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng thống nhất.

Châu An (Đất việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.