“Các biên bản cơ quan chức năng thể hiện rõ nhà tôi bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng bởi công trình Công ty TM> Thăng Long (19 Cao Thắng). Thay vì đình chỉ thi công để tránh thiệt hại, họ đề nghị tôi di dời ra khỏi nhà trước tết. Nhiều tháng qua, chúng tôi phải sống trong lo sợ căn nhà sụp đổ bất cứ lúc nào” - bà Huỳnh Thị Minh Thư, chủ căn nhà 16/93/4B Nguyễn Thiện Thuật (phường 2, quận 3, TP.HCM), cho biết.
Nhà ngày càng nghiêng nặng
Tại buổi hòa giải ngày 6-11-2013 do UBND phường 2 chủ trì, bà Thư đã đề nghị mời một đơn vị giám định xác định phần thiệt hại. Khi có kết quả, chủ đầu tư phải bồi thường, đồng thời trả tiền thuê nhà, chi phí di dời, thuê bảo vệ trông coi căn nhà sau khi chủ nhà dời đi. Các yêu cầu này đã được phía chủ đầu tư đồng ý.
Nhưng sau đó, căn nhà bà Thư bị ảnh hưởng ngày càng nặng theo tiến độ thi công. Trong biên bản ngày 6-12-2013, Phòng Quản lý đô thị quận 3 đề nghị: Chủ nhà tạm thời di dời ra khỏi công trình. Sở Xây dựng căn cứ kết quả kiểm định cũng đồng tình căn nhà này không thể tiếp tục ở.
Công trình cao ốc 19 Cao Thắng và căn nhà bị nghiêng lún phải chằng chống. Ảnh: TRUNG DUNG
Ngày 16-12-2013, ông Hà Phước Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận 3, đã yêu cầu chủ đầu tư chằng chống căn nhà bà Thư để bảo đảm an toàn. Đồng thời, tổ chức di dời người và tài sản cho chủ nhà, xử lý sự cố tầng hầm. Chủ đầu tư phải có phương án thi công an toàn, do một đơn vị tư vấn có chức năng hành nghề thẩm tra, quan trắc mức độ nghiêng lún và báo cáo hằng tuần cho phường.
Hai bên chưa thương lượng được
Do tình trạng nghiêng lún ngày càng nghiêm trọng, ngày 2-1, UBND phường 2, quận 3 vận động gia đình bà Thư ra khỏi nhà để bảo đảm an toàn tính mạng tài sản. Ngày 7-1, UBND phường mời các bên đến hòa giải nhưng vẫn không đạt kết quả. Phía đơn vị thi công trước mắt đồng ý khắc phục, chằng chống lại căn nhà.
“Tôi không hiểu vì sao công trình tiếp tục thi công trong khi nhà tôi đã nghiêng lún đến mức phải di dời. Tôi đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết thấu đáo” - bà Thư đặt vấn đề.
Ông Lê Việt Hùng, đại diện chủ đầu tư, giải thích: “Theo văn bản UBND quận 3 yêu cầu, chúng tôi phải xử lý sự cố lún nứt đến cốt +0,00 lên bằng mặt đất thì các hộ xung quanh không bị sạt lở. Về phía bà Thư, do sau này bà yêu cầu phải xây mới căn nhà (tổng chi phí 3 tỉ đồng) nên hai bên thương lượng chưa thành”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Mỹ Hương, Phó Chủ tịch UBND phường 2, cho biết phường đã có văn bản báo cáo gửi UBND quận 3 và Sở Xây dựng về trường hợp này. Hiện Ban Giám đốc Sở Xây dựng đang xem xét sự cố công trình 19 Cao Thắng gây ảnh hưởng công trình lân cận để có biện pháp xử lý theo đúng quy định.
Ngày 20-12-2013, một đoạn tường rào của Tòa Kinh tế, Tòa Lao động thuộc TAND TP.HCM bất ngờ đổ sập. Trước đó, căn nhà ba tầng này đã bị nghiêng và một khoảng sân lớn bị sụt sâu. Nguyên nhân dẫn đến sự cố có thể do trong quá trình xây dựng công trình Sài Gòn Plaza gần đó, đơn vị thi công đào đất làm tầng hầm dẫn đến tình trạng sạt lở đất xung quanh. Trường hợp công trình xây dựng gây lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ làm sụp đổ các công trình lân cận thì phải ngừng thi công xây dựng để thực hiện bồi thường thiệt hại… Nếu chủ đầu tư, nhà thầu thi công không thực hiện theo quy định trên thì phải bị đình chỉ thi công xây dựng cho đến khi chủ đầu tư, nhà thầu hoàn thành việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại. (Trích Điều 15 NĐ 180/2007 hướng dẫn Luật Xây dựng |