15/11/2022 8:01 AM
Đó là đề xuất của đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) tại buổi thảo luận về dự án Luật Đất đai sửa đổi tại Quốc hội sáng 14.11.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh

Đóng góp vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh khẳng định việc quy định giá đất sát với thực tiễn là cần thiết. Tuy nhiên, cần tính đến nhu cầu mua nhà của người có thu nhập thấp.

Ngoài ra, theo đại biểu, việc định giá đất cần công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình trong trường hợp thu hồi đất. Phương pháp định giá đất dù theo cách nào cũng phải đồng bộ. Dự án Luật cũng nêu rõ quy định cơ quan nào có quyền giải quyết tranh chấp khi có phát sinh mâu thuẫn về giá đất giữa các bên…

Đại biểu này cũng cho rằng, việc bỏ khung giá đất chính là để đưa đất đai về giá trị thực. Xây dựng bảng giá đất, định giá đất sát với giá thị trường để tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên, nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo quốc phòng, an ninh, công bằng và ổn định xã hội, giải quyết hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch, lành mạnh, an toàn.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhận thấy một số quy định về giá đất chưa thật sự cụ thể. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng dự án Luật để thể chế hóa đầy đủ, chặt chẽ chủ trương của Đảng. Trong đó, cần nghiên cứu bổ sung các quy định để giải quyết thấu đáo một số vấn đề thực tiễn đặt ra.

Theo đó, khi bỏ khung giá đất thì bảng giá đất, giá đất cụ thể tăng thì người sử dụng đất sẽ phải trả tiền thuế, phí, tiền sử dụng đất nhiều hơn và sẽ làm cho giá bất động sản tăng lên, khả năng tiếp cận sở hữu nhà, đất của người có thu nhập thấp, yếu thế sẽ khó khăn. Do vậy, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị dự án Luật cần có quy định cụ thể về giảm tỷ suất thuế, có cơ chế để tiếp tục phát triển chính sách xã hội đối với người có thu nhập thấp và người yếu thế.

Ngoài ra, theo bà Thanh, khi giá đất tăng, nhà đầu tư có thể gặp khó khăn khi đàm phán với người sử dụng đất nếu dự án không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất và khó giải phóng mặt bằng hơn. Nếu không có tiềm lực về tài chính, nhà đầu tư sẽ phải tính toán lại phương án đầu tư khi thấy giá thành cao so với giá đất tăng. Nguồn cung về nhà đất cho thị trường có thể giảm, gây thiếu hụt nguồn cung nhà có thể làm chững thị trường bất động sản trong khi nhu cầu nhà ở lại bức thiết, nhất là khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, các thành phố lớn. Như vậy, cả nhà đầu tư và người dân có nhu cầu về nhà ở đều gặp khó khăn. Vấn đề đặt ra là cần có cơ chế như thế nào để thu hút được đầu tư và giải quyết được nhu cầu nhà ở cho người dân.

Bỏ khung giá đất để khơi thông quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, đất đai là vấn đề mà nhân dân và nhiều cử tri phản ánh, than phiền, khiếu kiện nhiều nhất. Ở Việt Nam, hầu hết tỷ phủ giàu lên rất nhanh là nhờ đất hoặc liên quan đến đất. Theo đại biểu, nhiều vụ tham ô lớn đều liên quan đến đất, qua đó đã nói lên sự cấp thiết phải sửa đổi Luật Đất đai.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí

Đại biểu cho rằng, “Đất quý hơn vàng” bởi đất không chỉ quý ở giá trị nội tại mà còn quý ở cả giá trị tài sản trên đất, cây cối, vật nuôi trên đất. Giá trị đó còn được gia tăng theo quy hoạch, qua làm đường xá, qua đô thị hóa, qua tổ chức dịch vụ trên đất… Dân số càng đông, đất càng tăng về giá trị. Kinh tế càng phát triển, đất càng lên giá.

Góp ý về vấn đề bỏ khung giá đất, bỏ khung giá quyền sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu rõ, đây là việc rất nên làm theo Nghị quyết số 18 của Trung ương để giải quyết những bất hợp lý, tồn tại lâu nay, làm tắc nghẽn quá trình đền bù giải tỏa. Để thực hiện dự án lớn nhỏ, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần có quy định cụ thể về thủ tục, quy trình thực hiện và phương pháp xác định giá quyền sử dụng đất để bỏ khung giá quyền sử dụng đất nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, tiện lợi và hiệu quả.

Đồng thời vị này cho rằng, cần quy định rõ chức năng, vai trò và nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định giá quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Điều 86 đề cập đến thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, đề nghị Luật sửa đổi phải sửa cho hợp lý nhất việc dự án tự thỏa thuận vì đây là điểm nghẽn, tắc nghẽn lớn trong thực tiễn khi triển khai các dự án hiện hiện nay, đặc biệt là các dự án vừa và nhỏ mang tính an sinh xã hội.

Đại biểu cho rằng, tốt nhất đề nghị chính quyền địa phương phải triển khai đền bù giải tỏa theo quy định của pháp luật để giao đất sạch cho chủ đầu tư thực hiện các dự án.

Đối với các thành phố lớn thì khi sửa đổi luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị cần lưu ý để nhằm thúc đẩy không chỉ 9 thành phố đó mà vùng lân cận của thành phố đó và thậm chí cả một miền, một vùng rộng lớn. Đồng thời cần lưu ý phối hợp với Luật Quy hoạch để có thêm đất không gian ngầm ngay dưới các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị sửa đổi Luật Đất đai lần này làm sao để đưa vùng đất đang bị bỏ rơi, bị hoang hóa, không quy hoạch, không được sử dụng vào sử dụng hiệu quả và hữu ích.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.