29/11/2014 8:02 AM
Chỉ với bản quy hoạch đã được phê duyệt từ năm 2001, UBND xã Vân Côn đã cho người dân thuê đất tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng. Do vậy, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã thành nhà ở, hàng quán... Thậm chí, chính Chủ tịch UBND xã (thời điểm năm 2004) còn xác nhận để người dân “bán” đất đang thuê của UBND xã. Cũng chính từ đây, nhiều bất cập, tranh chấp đã nảy sinh…

Người dân chuyển nhượng cả đất… thuê!

Phản ánh với Đường dây nóng Báo Hànộimới (0438247615 và 0984316316), ông Nguyễn Văn Khoa, thôn Quyết Tiến cho biết, năm 2010 ông đã nhận chuyển nhượng thửa đất rộng 50,4m2 tại khu Khoảnh 1, thôn Quyết Tiến của ông Nguyễn Thiên Sơn, thôn Cát Thuế. Những tưởng sau khi hoàn thành việc thanh toán tiền, ông Sơn sẽ làm thủ tục, sang tên thửa đất cho ông Khoa. Nhưng suốt 4 năm qua, mặc cho ông Khoa liên tục đề nghị sang tên thửa đất nhưng ông Sơn vẫn "bình chân như vại" và cuối cùng trả lời "sổ đỏ" đã bị thu hồi. Hơn nữa, thửa đất mà ông Sơn bán cho ông Khoa đã có chủ mới và người đứng tên thửa đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng là ông Nguyễn Thiên Hoàng (em trai ông Sơn)? Với hành vi này, ông Khoa đã làm đơn tố cáo ông Sơn về hành vi lợi dụng tín nhiệm lừa đảo để chiếm đoạt tài sản đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, suốt từ tháng 5-2014 đến nay vụ việc này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Nhiều diện tích đất nông nghiệp và đất kinh doanh dịch vụ đã biến thành nhà ở.

Tìm hiểu tranh chấp nêu trên được biết, năm 2003, ông Sơn có đơn xin được thuê phần đất lưu không nằm giáp đường liên thôn từ trụ sở UBND xã đến điểm tiếp giáp với đường gom Đại lộ Thăng Long (địa phương gọi đây là đất kinh doanh dịch vụ (KDDV)). Căn cứ vào đơn xin thuê đất, đầu năm 2004, ông Nguyễn Viết Chiến, Chủ tịch UBND xã Vân Côn thời điểm đó đã đồng ý cho ông Sơn thuê 210m2 đất lưu không để sử dụng vào mục đích KDDV. Theo đó, ông Sơn tự nguyện đóng góp cho thôn Quyết Tiến 7 triệu đồng để xây dựng công trình phúc lợi. Do diện tích đất KDDV nằm giáp đường liên thôn và bao quanh diện tích đất nông nghiệp của gia đình, nên ông Sơn đã lần lượt "xẻ" thành từng mảnh để chuyển nhượng cho nhiều hộ dân. Chính vì vậy, trong 50,4m2 mà ông Sơn bán cho ông Khoa bao gồm có 33,6m2 đất nông nghiệp và 16,8m2 đất KDDV thuê của UBND xã Vân Côn. Đáng nói, theo một tài liệu mà ông Nguyễn Văn Khoa cung cấp, thì năm 2010 chính ông Đỗ Xuân Quang, nguyên Chủ tịch UBND xã Vân Côn đã ký xác nhận vào đơn xin chuyển nhượng đất KDDV của ông Sơn. Cụ thể, ông Đỗ Xuân Quang xác nhận: "Ông Nguyễn Thiên Sơn, thôn Cát Thuế đã được UBND xã Vân Côn cho thuê một số diện tích đất KDDV từ năm 2004, nay có chuyển nhượng lại một phần cho ông Nguyễn Văn Khoa thôn Quyết Tiến là thực".

Về tranh chấp giữa ông Khoa và ông Sơn, sau khi ông Khoa có đơn tố cáo, UBND xã Vân Côn đã tổ chức hòa giải hai lần. Qua một số biên bản hòa giải, ông Sơn thừa nhận có bán đất và đã nhận tiền của ông Khoa, nhưng đến nay ông Sơn không còn đất để trả ông Khoa. Đại diện chính quyền thôn Quyết Tiến cho rằng, nếu ông Sơn không sử dụng phần đất đã thuê thì phải trả lại cho UBND xã quản lý, không được chuyển nhượng cho người khác…

Vi phạm không được xử lý dứt điểm

Qua tìm hiểu tại địa phương được biết, theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã Vân Côn (giai đoạn 2001-2010) dải đất lưu không ven trục đường liên thôn được xã quy hoạch làm khu đất KDDV (được UBND huyện Hoài Đức phê duyệt). Theo quy hoạch, từ mép đường liên thôn tính sâu vào đất nông nghiệp 4m được xác định là đất KDDV. Theo quy định của pháp luật, để diện tích đất nông nghiệp này được chuyển đổi thành đất KDDV thì chính quyền sở tại còn phải thực hiện hàng loạt các thủ tục để cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Song trên thực tế thủ tục này chưa được tiến hành, nhưng từ trước năm 2004, UBND xã và cơ sở thôn đã cho một số hộ có đất nông nghiệp liền kề với dải đất lưu không này thuê để KDDV. Do buông lỏng quản lý nên rất nhiều hộ dân thuê đất KDDV đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, xây dựng công trình và việc chuyển nhượng cũng khá nhộn nhịp.

Năm 2010, theo một số văn bản chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Hoài Đức, số công trình đã xây dựng trên đất nông nghiệp, đất KDDV nêu trên được giao cho UBND xã Vân Côn xử lý. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc nên các công trình vi phạm vẫn tồn tại. Được biết, khi các hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp, xã Vân Côn đều lập biên bản, ban hành quyết định xử phạt hành chính. Theo thống kê của UBND xã Vân Côn, chỉ tính trong 3 năm (2010-2013) trên địa bàn xã có 16 trường hợp xây nhà trên đất nông nghiệp, song đến nay chưa xử lý được trường hợp nào?

Với những tồn tại đã nêu, đề nghị UBND huyện Hoài Đức kiểm tra thực trạng, nguồn gốc sử dụng đất của các hộ và làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân đã buông lỏng công tác quản lý đất đai trong suốt một thời gian dài ở xã Vân Côn.
Đỗ Hà - Thiện Mỹ (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.