Chủ đầu tư lôi nhau ra tòa, cư dân bơ vơ
B6 Giảng Võ được khởi động từ năm 2004 với đơn vị được giao thực hiện ban đầu là CTCP ICT. Tuy nhiên, ICT không có đủ năng lực triển khai dự án nên năm 2007, hơn 100 hộ dân chung cư cũ B6 Giảng Võ đã tìm chủ đầu tư mới cho dự án là Tổng công ty 36 và được UBND TP Hà Nội chấp thuận. Năm 2009, 100% hộ dân đã di dời bàn giao mặt bằng cho Tổng công ty 36 triển khai xây dựng. Sau khi được giao làm chủ đầu tư, Tổng công ty 36 đã ký hợp đồng liên doanh với CTCP Đầu tư và Phát triển công nghệ (Mefrimex), trong đó Tổng công ty 36 chịu trách nhiệm thi công toàn bộ công trình, Mefrimex có nhiệm vụ thu xếp nguồn vốn cho dự án và mọi rắc rối bắt nguồn từ đây.
Tính đến hiện tại, Mefrimex còn nợ Tổng công ty 36 số tiền thi công công trình 103 tỷ đồng. Đến tháng 12-2013, UBND TP Hà Nội đã có quyết định cho phép Tổng công ty 36 được chuyển nhượng toàn bộ dự án nhà B6 cho Mefrimex với giá chuyển nhượng 192 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi chuyển nhượng, Mefrimex cũng không thực hiện chi trả tiền cho Tổng công ty 36. Tính đến thời điểm hiện tại, số nợ sau khi 2 bên đối trừ các khoản tổng cộng 259 tỷ đồng, cộng nợ và lãi phát sinh đến ngày 24-12-2014 là 68 tỷ đồng. Tổng công ty 36 đã kiện Mefrimex ra tòa và hiện Tòa án Nhân dân huyện Đông Anh đang thụ lý vụ án này.
Tình cảnh này khiến hơn 100 hộ dân với khoảng 500 nhân khẩu ở nhà B6 Giảng Võ phải tiếp tục gửi đơn kêu cứu lên các cơ quan chức năng vào cuối tháng 3 vừa qua. Theo đó, người dân không quan tâm việc tranh chấp công nợ giữa Tổng công ty 36 và Công ty Mefrimex như thế nào, họ chỉ biết Tổng công ty 36 đã trực tiếp ký thỏa thuận bố trí tái định cư với các hộ dân nhà B6 Giảng Võ trước công chúng - một văn bản có tính pháp lý duy nhất đến nay vẫn còn hiệu lực. Do vậy, Tổng công ty 36 phải có trách nhiệm tiến hành xây dựng ngay chung cư B6 để sớm trả nhà cho người dân ổn định đời sống, vì dự án đã kéo dài khá lâu so với thời hạn cam kết với dân…
Miếng ngon khó nhằn
Đầu tháng 4 này, UBND TP Hà Nội đã có công văn thúc tiến độ dự án này. Tuy nhiên, với tình hình thực tế của dự án, không nhiều người hy vọng vào sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới, đặc biệt khi TP Hà Nội không công bố thời hạn để Tổng công ty 36 và Mefrimex chốt vụ việc này.
Trên thực tế, trong việc đưa qua đẩy lại giữa Tổng công ty 36 và Mefrimex có nhiều lắt léo mà chỉ 2 bên mới hiểu rõ. B6 Giảng Võ là dự án có vị trí đắc địa, tuy nhiên sự đắc địa này không đủ tạo sức hấp dẫn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Còn nhớ khi dự án đang triển khai, Tổng công ty 36 đột ngột bỏ dở và xin chuyển nhượng. Những ai am hiểu chính sách đều biết rằng đúng thời điểm đó, TP Hà Nội có quy định mới về tầng cao của các khu vực.
Theo đó, khu vực Giảng Võ chỉ được xây tối đa 15 tầng. Việc bị giới hạn số tầng, không có lợi nhuận là một trong những lý do khiến Tổng công ty 36 bỏ của chạy người. Lý do này cũng có thể là nguyên nhân khiến Mefrimex cũng xin trả dự án sau đó không lâu với lý do không đủ năng lực triển khai, dù trước đó để được chấp thuận, Mefrimex phải trình ra cả xấp hồ sơ rất tốt: vốn chủ sở hữu liên tục tăng trong các năm. Năm 2010, vốn Mefrimex đạt 795 tỷ đồng; ngày 31-12-2011 tăng bất ngờ lên 1.762 tỷ đồng; ngày 30-9-2012 tiếp tục tăng lên 1.993 tỷ đồng…
Sau 6 năm dự án B6 Giảng Võ vẫn là mảnh đất bỏ không, thậm chí không biển tên.
Ảnh: H.TRÂM
Đến nay, cả Tổng công ty 36 và Mefrimex đều khăng khăng giữ vững quan điểm của mình trước tòa. Mefrimex chưa trả tiền chuyển nhượng vì lý do Tổng công ty 36 chưa khấu trừ các khoản nợ mình đã đầu tư vào dự án, đồng thời thi công không đúng chất lượng, tiến độ gây thiệt hại cho Mefrimex. Trong khi đó, phía Tổng công ty 36 cho rằng chưa bàn giao dự án trên thực địa vì Mefrimex chưa trả tiền, đồng thời tố cáo Mefrimex chiếm dụng vốn, làm chậm cổ phần hóa công ty.
Tranh chấp giữa đôi bên sẽ được giải quyết theo quy định về tranh chấp dân sự. Như vậy, nguy cơ dự án B6 Giảng Võ phải kéo dài thêm nhiều năm hoàn toàn có thể xảy ra. Theo cư dân của khu chung cư này, họ đã phải trả giá cho lòng tin bằng 6 năm sống trong cảnh tạm bợ và có khi phải thêm… 6 năm nữa.
Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều người dân như C8 Giảng Võ, P16A Thụy Khuê… quyết định cố thủ trong các căn chung cư cũ nát, xập xệ thay vì chấp nhận di dời, bởi di dời đồng nghĩa với đường về vô cùng mờ mịt. Chưa kể, nhiều người dân tiếp tục hoài nghi về vai trò của UBND TP Hà Nội trong việc kiểm định năng lực doanh nghiệp, cũng như khả năng giám sát, quản lý trong việc cải tạo, xây mới các dự án nhà chung cư cũ.