Ảnh minh hoạ.
Lãnh đạo HHV cho biết sẽ triển khai chào bán riêng lẻ 41,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 9,6% vốn cổ phần) với giá 10.000 đồng/cổ phần, thấp hơn không nhiều so với mức 11.300 đồng/cổ phần đóng cửa phiên 8/11 của cổ phiếu này.
HHV dự thu khoảng 415 tỷ đồng và sẽ dồn toàn bộ tiền cho dự án cao tốc nói trên trong giai đoạn 2024 - 2025.
Người mua là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, "những người có năng lực tài chính cũng như mong muốn đồng hành và hỗ trợ Công ty trong tương lai", theo HHV. Vốn điều lệ sau khi phát hành thành công sẽ lên hơn 4,7 nghìn tỷ đồng.
Theo thứ tự ưu tiên, HHV sẽ góp 145 tỷ đồng Công ty Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh; 270 tỷ đồng còn lại dùng để thu xếp vốn cho dự án theo các hình thức như cho vay hoặc hợp tác kinh doanh với Công ty Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh hoặc hình thức khác.
Cổ phần được chào bán thành công sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại HHV đang là 8,07% (tính đến 30/9/2024) nên trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua toàn bộ số lượng cổ phiếu vẫn đảm bảo tỷ lệ sở hữu tối đa dưới 49% theo quy định.
Theo cam kết ký giữa HHV, Tập đoàn Đèo Cả, Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam và Xây dựng Công trình 568 thì HHV sẽ góp 15% tổng vốn điều lệ của Công ty Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, tương đương số tiền hơn 216 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/09/2024, vốn điều lệ thực góp vào Công ty Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là 50 tỷ đồng; riêng HHV góp 15%, tương đương số tiền 7m5 tỷ đồng.
Về phạm vi hợp tác, HHV và Công ty Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh cùng nhau hợp tác thực hiện dự án cao tốc; chia sẻ lợi nhuận/lợi ích/sản phẩm đạt được từ việc hợp tác; vận hành dự án trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các bên và cùng chia sẻ trách nhiệm, phân chia rủi ro đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật và hợp đồng BOT đã ký.
Cụ thể, HHV được hưởng lợi nhuận tối đa, tương đương tỷ suất lợi nhuận của nguồn vốn huy động hợp pháp khác quy định trong hợp đồng BOT nhân với giá trị thực góp của HHV tại thời điểm phân chia, tương ứng thời gian dự án sử dụng khoản đóng góp hợp tác của HHV.