128 khách hàng nộp tiền mua căn hộ chung cư dự án Tricon Towers tại khu đô thị Bắc An Khánh, Hoài Đức (Hà Nội) do công ty CP đầu tư Minh Việt làm chủ đầu tư hiện đang gặp phải một tình huống rất trớ trêu: Đó là, tiền thì đã đóng lên đến 50% - 70%, thậm chí 90%, nhưng dự án 2 năm nay không xây dựng, trụ sở của chủ đầu tư đã đóng cửa, còn Tổng Giám đốc là người Mỹ gốc Hoa không thể liên lạc được.
Theo thống kê chưa đầy đủ, số tiền mà nhóm khách hàng này đã đóng lên tới 400 tỷ đồng. Quan trọng hơn, họ đã cầu cứu các cơ quan chức năng cả 1 năm nay nhưng không nhận được sự bảo vệ quyền lợi nào.
Chủ đầu tư biến mất còn lại nền móng dự án Tricon Towers hoen gỉ. |
Qua khảo sát thực trạng dự án Tricon Towers cho thấy, công trình hiện không một động tĩnh, cỏ mọc um tùm, hầm ngập nước, các cột sắt hoen gỉ, không còn cả bảo vệ hay biển hiệu…
Theo các khách hàng, 2 năm nay không còn thấy công trình này hoạt động. Vì thế, họ đã rất nhiều lần đến làm việc với công ty Minh Việt đặt văn phòng tại Dịch Vọng, Cầu Giấy (Hà Nội) để tìm câu trả lời. Nhưng hoặc là họ bị “mời” ra khỏi công ty, hoặc bị khất lần, trốn tránh, tìm cách ly gián khách hàng.
Đã nhiều lần, ông Edward Chi – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của công ty này hứa hẹn về mặt tiến độ, cam kết triển khai lại công trình. Song những lời hứa này đều không được thực hiện.
Lần cuối cùng các khách hàng còn nhìn thấy ông Edward Chi là ngày 12/7/2013. Đến thời điểm này, trụ sở của công ty đã không còn một bóng người, ông Edward Chi thì không liên lạc được.
Không biết số tiền của mình đang ở đâu, liên hệ với chủ đầu tư bằng cách nào, anh Lê Hoàng Long, một khách hàng bức xúc: “Khi 1 dự án được công bố khởi công, đưa lên thông tin đại chúng rầm rộ như vậy thì đương nhiên các cơ quan ban ngành phải biết. Dự án này chúng tôi đã rất tin tưởng bởi vì được cấp phép của Sở Kế hoạch và đầu tư, Bộ Xây dựng, tất cả các cơ quan thì mới làm được dự án hoành tráng như vậy. Chúng tôi giao dịch thì chuyển tiền qua ngân hàng, và được biết là công ty này được Ngân hàng Nông nghiệp tài trợ vốn, Ngân hàng Techcombank liên kết 3 bên để kêu gọi chúng tôi mua nhà của dự án này. Đến khi mà xảy ra vấn đề thì tất cả lại đều im lặng”.
Hầu hết các khách hàng mua căn hộ của dự án này từ năm 2009 - 2010, đã đóng 50-70% thậm chí 90% tổng số tiền, tương đương khoảng 4-5 tỷ đồng mỗi căn. Công ty Minh Việt còn đưa ra chiêu sách ép khách hàng đóng tiền, nếu không sẽ tính lãi suất cao, giảm 5% nếu như khách hàng đóng ngay từ đầu 70% và giảm 7% nếu đóng 100% tổng số tiền.
Thời điểm bàn giao nhà được ra cho mỗi khách hàng khác nhau, nhưng cơ bản là vào cuối năm 2011. Có những gia đình đã phải bán nhà để trả tiền, hiện vừa phải trả tiền vay ngân hàng, vừa phải đi ở nhờ, ở thuê để đợi căn hộ này.
Quá lo lắng trước những dấu hiệu bất thường của chủ đầu tư và công trình này, cách đây 1 năm, các khách hàng đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị nhờ đến cơ quan chức năng để được bảo vệ quyền lợi.
Anh Trần Thanh Hải, khách hàng đã trả 50%, tương đương số tiền gần 4 tỷ đồng cho chủ đầu tư cho biết: Tất cả các nạn nhân của dự án này đã lần lượt gửi đơn khiếu nại đến Bộ Xây dựng, công an các cấp … nhưng không nhận được sự vào cuộc điều tra của bất cứ một đơn vị nào. Nếu như họ đã thanh tra, kiểm tra từ 1 năm trước, thì có lẽ sự việc đã không đến mức công ty không còn một ai để liên lạc như hiện nay:
“Chúng tôi có nhờ đến cơ quan chức năng nhiều lần. Chính tôi đã thay mặt khách hàng gửi đơn lên Bộ Xây dựng và được ông Chánh thanh tra Phạm Gia Yên có gửi văn bản trả lời vào ngày 4/9/2012 với nội dung đã gửi văn bản đến Minh Việt yêu cầu giải quyết và sẽ báo cáo lên Bộ trưởng. Nhưng từ đó đến nay gần 1 năm rồi không nhận được tin gì. 1 năm trước chúng tôi cũng gửi lên công an Hoài Đức cũng không nhận được hối âm. Sau Tết vừa qua, nhóm khách hàng đã phải kéo cả đoàn đến trụ sở công ty Minh Việt 2 lần. Chúng tôi cũng gửi đơn khiếu nại lên Công an TP Hà Nội nhưng đến giờ phút này vẫn bặt vô âm tín”, anh Hải bức xúc cho hay.
Từ niềm tin vào một dự án xây dựng lớn, được quảng bá rầm rộ, lại được các ngân hàng như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Techcom Bank cùng tham gia, được sự cấp phép của các cơ quan quản lí nhà nước, đến thời điểm hiện tại, 128 khách hàng này không còn biết trông chờ vào đâu để tìm lại được số tiền lớn của gia đình. Câu hỏi mà họ muốn được trả lời, là trách nhiệm của các cơ quan quản lí ở đâu?
Trao đổi với phóng viên VOV, Luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhận định: Chủ đầu tư chậm tiến độ, không thực hiện đúng cam kết rõ ràng là vi phạm về hợp đồng thỏa thuận với khách hàng. Nếu chủ đầu tư bỏ trốn thì thấy rõ dấu hiệu về lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản, nếu có thêm những hành vi gian dối nữa thì hoàn toàn nghĩ đến tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Trương Thanh Đức cũng nhấn mạnh: Bất cập hiện nay là không đảm bảo được quyền lợi cho người mua nhà. Trong trường hợp chậm tiến độ hay có rủi ro xảy ra thì khách hàng là đối tượng yếu thế và hoàn toàn phụ thuộc vào chủ đầu tư. Hơn nữa, quan trọng là việc thanh tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng sau khi đã cấp phép xây dựng. Trách nhiệm quản lý này dường như đang bị bỏ ngỏ.
“Cơ quan quản lí mà làm đúng thì việc đấy sẽ dừng lại cách đây 1 năm hoặc những hậu quả xấu hạn chế đi rất nhiều, thậm chí không xảy ra nếu như làm nghiêm túc. Trên thực tế rất lo ngại là họ không làm gì cả, thậm chí không loại trừ tình huống chủ đầu tư là những người nhiều tiền, có thể có những động thái này khác để cơ quan quản lí lờ đi, dung túng nên mới dẫn đến hậu quả như thế này”, Luật sư Phạm Thành Đức cho hay.
Rõ ràng, sự việc này đang rất cần sự vào cuộc khẩn trương của các cơ quan quản lí nhà nước. Việc thiếu trách nhiệm quản lý trong 3 - 4 năm vừa qua đã là lỗ hổng lớn cho chủ đầu tư thờ ơ với quyền lợi của khách hàng, chưa nói đến việc lợi dụng chiếm đoạt tài sản.
Hiện công an huyện Hoài Đức đã thụ lý hồ sơ vụ việc. Điều mà người dân cần là các cơ quan chức năng làm đúng chức trách, nhiệm vụ, chứ không phải cứ để người dân chờ đợi mãi theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.
VOV sẽ tiếp tục tìm hiểu, thông tin về sự việc này trong thời gian sớm nhất./.
-
Giám đốc phân lô bán hàng nghìn nền đất “ma" ở Phú Quốc
Công an Phú Quốc đã bắt giữ nhóm người phân lô, bán nền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
-
Bỏ 17 tỉ đồng mua nhà, nhưng khi nhận bàn giao chỉ biết “chết lặng”
Cách đây 2 năm, một người phụ nữ tên Zhang tại Trung Quốc đã chi 5 triệu nhân dân tệ (hơn 17 tỉ đồng) để mua một căn nhà ở Định Kiều, Hàng Châu. Tuy nhiên, cô đã “chết lặng” khi căn nhà quá khác xa quảng cáo....
-
Bất động sản và những cú lừa ngoạn mục
Thị trường bất động sản (BĐS) được xem là “mỏ vàng” cho các nhà đầu tư. Nhưng mặt trái của thị trường này là sự phức tạp, tính rủi ro cao và là miếng mồi béo bở cho những kẻ đầu cơ, trục lợi. Nhiều người chạy theo cơn sốt của thị trường BĐS, nhưng do...