Nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Công ty Alibaba) xin nhận hết trách nhiệm về mình, mong HĐXX giảm nhẹ cho thuộc cấp. Bị cáo Luyện cho biết “khối tài sản hiện tại hơn 4.300 tỉ đồng”, có khả năng đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Cảnh sát dẫn giải Nguyễn Thái Luyện vào phòng xử (hình: Tiền Phong)

“Khối tài sản của tôi hiện hơn 4.300 tỉ đồng”

Phiên xét xử bị cáo Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm liên quan đến công ty Alibaba kết thúc phần tranh tụng, các bị cáo được nói lời sau cùng.

Ghi nhận của báo Tiền Phong, bị cáo Nguyễn Thái Luyện nói rằng: “Sự việc xảy ra tại Alibaba không ai mong muốn, tôi khẳng định đến nay không ai bị mất tiền. Tôi không chối bỏ trách nhiệm, khối tài sản của tôi hiện hơn 4.300 tỉ đồng và có thể còn nhiều hơn nữa, vì sau 3 năm có nhiều lý do gia tăng”.

Giải thích về khối tài sản này, theo VTC News, bị cáo Luyện cho biết công ty đang sở hữu 430ha đất, nếu định giá 1 triệu đồng/m2 thì sẽ thu về được khoảng 4.300 tỉ đồng. Số tiền này đủ để chi trả cho khách hàng. Và với số đất này, đủ để giao cho khách hàng nào muốn nhận đất. Bị cáo khẳng định đây là tài sản hiện hữu.

Nguyễn Thái Luyện nêu nguyện vọng HĐXX không hình sự hóa vụ án mà giải quyết theo hướng dân sự để khách hàng không bị thiệt hại và nhận lại quyền lợi chính đáng.

Bị cáo này khẳng định sẽ nhận hết trách nhiệm về mặt dân sự, mong HĐXX xem giảm nhẹ mức hình phạt cho các đồng phạm. Nguyễn Thái Luyện giải thích các hành vi của các đồng phạm xuất phát từ việc quá tin tưởng vào người đứng đầu công ty.

"Có thể HĐXX vẫn cứ xem xét rằng tôi có tội thì trách nhiệm đó tôi nhận. Bản thân tôi không xin xỏ gì về chuyện của tôi, trách nhiệm dân sự tôi xin nhận hết... mong Chủ tọa xem xét cho các bị cáo, để họ có thể làm lại cuộc đơi", Nguyễn Thái Luyện nói.

Các bị cáo khẳng định chỉ làm công ăn lương

Các bị cáo tại phiên tòa (hình: Nguyệt Nhi/PLO)

Báo Người lao đông thông tin, lần lượt nói lời sau cùng, các đồng phạm của Nguyễn Thái Luyện liên tục khóc cho rằng bản thân không có ý thức lừa đảo, không hiểu biết nhiều về pháp luật, đồng thời cũng là bị hại khi số tiền đầu tư vào các dự án của Công ty Alibaba nhiều hơn rất nhiều so với số tiền lương được nhận trong thời gian làm việc tại đây. Các bị cáo dốc hết tài sản của cha mẹ, họ hàng vào đầu tư để đẩy chính gia đình mình vào cảnh khó khăn, khánh kiệt.

Các bị cáo thừa nhận hành vi như VKSND TP.HCM truy tố nhưng khẳng định với vai trò là người làm công ăn lương, họ bị lệ thuộc và chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên, vô tình giúp sức cho Nguyễn Thái Luyện thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình.

Các bị cáo bày tỏ đau xót khi từ những người là trụ cột kinh tế cho gia đình là trở thành gánh nặng cho gia đình. Cùng với đó, gửi lời xin lỗi đến khách hàng của mình.

Kết thúc phần tranh tụng, VKSND TP.HCM bảo lưu quan điểm truy tố và các mức án đề nghị đối với các bị cáo. Theo đó, bị cáo Nguyễn Thái Luyện bị đề nghị mức án tù chung thân với hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khi rao bán cái mình không có, lừa dối người mua hàng bằng thủ đoạn lập hệ thống các tổ chức công ty để che giấu hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt số tiền hơn 2.400 tỉ đồng của hơn 4.550 bị hại. Cùng tội danh trên, các đồng phạm của Luyện bị đề nghị mức án từ 12-20 năm tù.

Bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) và bị cáo Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) bị đề nghị mức án 30 năm tù với các tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Rửa tiền”. Bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng bị đề nghị 5 - 6 năm tù về tội rửa tiền.

VKSND cũng đề nghị HĐXX tuyên buộc Nguyễn Thái Luyện và Võ Thị Thanh Mai có trách nhiệm trả cho 4.550 bị hại hơn 2.400 tỉ đồng. Buộc Võ Thị Thanh Mai nộp lại 13 tỉ đồng đã thu lợi bất chính.

Bá Di
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.