12/09/2011 2:49 PM
Sau khi tân thống đốc Nguyễn Văn Bình nhậm chức, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra một số thông điệp chính sách mới rất được chú ý: hạ lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh trong tháng 9 xuống 17 – 19%/năm và duy trì trần lãi suất huy động vốn bằng VND 14%/năm.

Dư luận tập trung chú ý nhiều tới quan điểm về lãi suất của NHNN vì hiện tại có nhiều ý kiến cho rằng lãi suất cho vay hiện nay quá cao khiến cho kinh tế trì trệ, doanh nghiệp gặp khó khăn. Thông điệp về lãi suất của NHNN rõ ràng và dứt khoát là phải kéo lãi suất cho vay xuống và thực hiện nghiêm túc lãi suất trần 14%. Công cụ để điều hành chính sách lãi suất hoàn toàn nằm trong tay NHNN nên đây không phải là mục tiêu khó thực hiện. Thứ nhất, việc sử dụng biện pháp hành chính như “cảnh cáo” sẽ kiểm tra và phạt nặng các ngân hàng nhận gửi tiết kiệm với lãi suất vượt trần đủ khiến các ngân hàng này phải cảnh giác trong ngắn hạn. Thứ hai, và quan trọng hơn, là công cụ thị trường. NHNN hoàn toàn có thể thông qua thị trường mở để bơm tiền cho hệ thống ngân hàng, thậm chí có thể tái cấp vốn cho các ngân hàng nhỏ. Thời gian gần đây có thông tin cho rằng NHNN có thể cấp từ 10.000 – 15.000 tỉ đồng cho các ngân hàng nhỏ.


Nói chung, với tư cách là người nắm quyền bơm và rút tiền trong nền kinh tế, đồng thời cũng là người giám sát hệ thống ngân hàng, việc NHNN muốn ngân hàng thương mại (NHTM) có được vốn rẻ là không khó, và muốn kiểm soát lãi suất đầu ra trong một giai đoạn nhất định cũng là khả thi. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là mức lãi suất 17 – 19% đầu ra này có thể duy trì bao lâu và số tín dụng lãi suất rẻ này sẽ chảy về đâu?


Thông tin từ báo Doanh nhân Sài Gòn cho biết đã có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp nông thôn và xuất nhập khẩu chỉ có thể chấp nhận nổi mức lãi suất 15 – 16%/năm, và nhiều gói cho vay mà NHTM dành riêng cho nhóm các doanh nghiệp này không thể giải ngân. Ngoài ra, số liệu trên nhiều tờ báo từ tháng 6 đến nay cũng liên tục cho thấy gánh nặng hàng tồn kho ngày càng lớn với các doanh nghiệp (số liệu của bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy có những ngành hàng tồn kho tăng tới hơn 90%). Cần nhận thấy một điều rằng dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, từ Mỹ tới châu Âu, Trung Quốc đều đang được điều chỉnh giảm, nghĩa là nhu cầu đối với hàng hoá từ Việt Nam cũng khó tránh khỏi bị ảnh hưởng giảm. Bên cạnh đó, sức cầu kinh tế trong nước cũng bị tác động xấu từ yếu tố lạm phát cao, siết chặt tiền tệ và tài khoá trong thời gian qua. Có những ngành như ngành thép thì sức cầu được cho là giảm từ 30 – 50% do tình hình đóng băng của thị trường bất động sản. Những con số trên cho thấy trong một góc của nền kinh tế đang tồn tại những doanh nghiệp sản xuất ra hàng nhưng không bán được và muốn vay tiền để “cầm cự” hơn là mở rộng sản xuất. Cho các doanh nghiệp này vay tiền với lãi suất 17 – 19% mà họ bán không được hàng thì nguy cơ nợ xấu của ngân hàng sẽ gia tăng.


Còn nếu lượng vốn giá rẻ này lại lách quy định của NHNN để cho vay những lĩnh vực phi sản xuất (đang có thông tin là NHNN sẽ xem xét điều chỉnh lại phân loại các đối tượng thuộc diện phi sản xuất) thì có thể sẽ làm bùng phát lại cơn sốt đầu cơ nhà đất, chứng khoán. Có một điều cần chú ý là cho đến hết tháng 8, trong khi tín dụng phi sản xuất nói chung giảm 16,95% thì tín dụng bất động sản chỉ giảm 10,1%, chậm hơn nhiều so với mức giảm tín dụng chứng khoán và cho vay tiêu dùng. Liệu có phải các con số này đang nói lên rằng, các NHTM miễn cưỡng trong việc giảm tín dụng cho lĩnh vực bất động sản và chỉ chờ cơ hội tận dụng khe hở chính sách để gia tăng cho vay trở lại vào lĩnh vực này?


Những phân tích trên khiến người viết băn khoăn: liệu với chính sách giảm lãi suất cho vay lần này, mục tiêu kiểm soát lạm phát có thật sự được giữ vững? Hay là sẽ bị biến tướng thành mục tiêu cứu thị trường bất động sản? Và cho dù chính sách này không bị lợi dụng để cứu thị trường bất động sản mà hy sinh mục tiêu kiểm soát lạm phát, nó có thể giúp ích gì cho doanh nghiệp sản xuất khi mà vấn đề của nhiều doanh nghiệp hiện tại, xem ra, nằm ở khâu tiêu thụ hàng hoá nhiều hơn khâu không vay được vốn và cần phải hạ chi phí lãi vay.


Một bài học với chuyện bơm vốn giá rẻ ra nền kinh tế có thể rút ra từ tình trạng của Mỹ hiện nay: chính sách bơm tiền của cục Dự trữ Liên bang Mỹ không kích thích thêm nhiều việc làm. Cho dù lãi suất ở mức thấp trong lịch sử nhưng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn không vay được vốn, doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh lớn (không phải các ngân hàng và công ty tài chính) thì lời nhiều nhưng vẫn cắt giảm nhân viên và không mở rộng sản xuất (mà ôm tới 1.100 tỉ USD dưới dạng tiền mặt và tài sản ngắn hạn). Tiền thưởng của nhóm lãnh đạo ngân hàng vẫn cao cho dù phúc lợi xã hội đang có nguy cơ bị cắt giảm.


Như vậy, bơm vốn giá rẻ ra nền kinh tế, rất có thể chỉ làm lợi cho một số ít người, nhưng lại làm tổn hại số đông (chẳng hạn như tạo ra kỳ vọng lạm phát cao hoặc làm bùng phát lại bong bóng tài sản).

Theo Hồ Quốc Anh (SGTT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.