Ông Richard Courey, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn VTG đã đưa ra lời đề nghị trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hà Nội hôm 22/11.
Theo nghiên cứu của VTG, đây sẽ là tuyến đường sắt đô thị hoàn toàn khả thi về công nghệ và khả năng thu hồi vốn, bảo đảm lợi ích hài hòa cho nhà đầu tư.
VTG đã báo cáo sơ bộ với Phó Thủ tướng về ý tưởng, phương thức, công nghệ, tiến độ đầu tư dự án, đồng thời đề xuất một số kiến nghị với Chính phủ.
Trước đề xuất này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị VTG làm việc cụ thể với thành phố Hà Nội, các bộ, ngành của Việt Nam trước khi có báo cáo chi tiết trình Chính phủ.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị VTG nghiên cứu thêm các dự án đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng khác, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường sắt, trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang chủ trương huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, Chính phủ luôn hoan nghênh và đánh giá cao quyết tâm của các đối tác quốc tế có tiềm lực, nhiều kinh nghiệm tham gia các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Theo quy hoạch về đường sắt đô thị Hà Nội đến 2030, thành phố sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt với tổng chiều dài 417,8km. Trong đó có 342,2 km cầu cạn và 75,6km đi ngầm. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có tuyến số 2A (Cát Linh-Hà Đông) sử dụng vốn ODA của Nhật và nhà thầu Trung Quốc đã hoàn thành, chạy thử nhưng lùi thời gian vận hành chính thức sang đầu năm 2018.