Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy năm ngoái, 266 triệu lao động nước ngoài đã gửi về các nước đang phát triển số tiền kỷ lục 466 tỷ USD, sau hai năm liên tiếp đi xuống. Còn lượng kiều hối toàn cầu, tính cả các nước thu nhập cao, là 613 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2016. Năm nay, con số này được dự báo lên 485 tỷ USD.
Các nước nhận kiều hối lớn nhất năm ngoái là Ấn Độ (69 tỷ USD), Trung Quốc (64 tỷ USD) và Philippines (31 tỷ USD). Việt Nam đứng chốt top 10, với 13,8 tỷ USD.
10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới năm 2017.
“Nhìn tổng thể, kiều hối hồi phục tốt hơn chúng tôi kỳ vọng. Nó được thúc đẩy nhờ tăng trưởng mạnh lên tại Liên minh châu Âu, Nga và Mỹ”, WB lý giải, “Khi đổi sang USD, nó còn được hỗ trợ nhờ giá dầu, euro và rouble tăng”.
Lao động tại Mỹ và Saudi Arabia đóng góp lượng kiều hối lớn nhất, với lần lượt 67 tỷ USD và 38 tỷ USD. Tính riêng tại Mỹ - nước dẫn đầu về kiều hối suốt 35 năm qua, lao động tại đây gửi tiền nhiều nhất về Mexico, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và Việt Nam.
WB cho biết các rào cản lớn với chi phí chuyển tiền về hiện tại là các ngân hàng ngại hoạt động rủi ro, mối quan hệ độc quyền giữa các công ty chuyển tiền và hệ thống bưu điện của các quốc gia. Việc này đang kìm hãm sự áp dụng công nghệ mới để tăng hiệu suất, như Internet, smartphone, tiền kỹ thuật số và công nghệ khối chuỗi.
Dilip Ratha - người đứng đầu nhóm nghiên cứu báo cáo cho biết: “Dù kiều hối đang tăng, các quốc gia, tổ chức vẫn phải tiếp tục giải quyết vấn đề chi phí chuyển tiền cao, để các gia đình nhận được nhiều hơn. Ưu tiên hiện tại là loại bỏ các hợp đồng độc quyền để cải thiện sự cạnh tranh trên thị trường và đưa vào nhiều công nghệ hiệu suất cao hơn”.