Cùng với việc lập quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp cũng cần đổi mới công nghệ, chuyển đổi sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn, bền vững.

Hiện nay, ngành vật liệu xây dựng đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh giá vật liệu tăng quá cao, nguồn cung hạn chế.

Để giải quyết vấn đề trên, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cần chú trọng đầu tư công nghệ, chuyển đổi mô hình phát triển theo xu hướng kinh tế tuần hoàn, vừa giảm tiêu hao năng lượng, vừa đảm bảo môi trường.

Việt Nam hướng tới “cách mạng xanh” trong sản xuất vật liệu xây dựng

Chia sẻ tại Hội thảo “Ngành vật liệu xây dựng Việt Nam với kinh tế tuần hoàn, hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 năm 2050”, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, việc ban hành các quy hoạch trong lĩnh vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng và khoáng sản làm xi măng thời gian qua cơ bản đáp ứng đủ nguồn cung cho thị trường.

Tuy nhiên, quá trình triển khai quy hoạch thời gian qua cũng đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập như thiếu thông tin điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; kỳ quy hoạch, diện tích, quy mô, công suất trong quy hoạch trước đây không còn phù hợp giữa giai đoạn thăm dò và khai thác.

Trước thực trạng trên, ông Phạm Văn Bắc đưa ra các giải pháp như rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách pháp luật về đầu tư trong lĩnh vực khai thác, chế biến các loại khoáng sản. Trong đó, có một số chính sách riêng đối với khoáng sản có tính đặc thù, quy mô lớn như đá vôi, cát trắng, đá ốp lát…

Cũng tại hội thảo, một số doanh nghiệp đã báo các kết quả bước đầu trong việc sử dụng chất thải công nghiệp và sinh hoạt làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng tại VICEM; hạt thủy tinh xốp, các tấm ốp trần, tường, sàn mái cách nhiệt, cách âm, tiêu âm và chống cháy...

Ngoài ra, để góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, việc tái sử dụng chất thải công nghiệp làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng cũng cần được quan tâm.

Đơn cử, trong sản xuất gạch tuynel, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng nhiều công nghệ sản xuất hiện đại có thể sử dụng xỉ nhiệt điện, tro bay, xít than, chất thải của các mỏ đất, chất thải tái chế, vật liệu thải bỏ của công trình xây dựng.

Bên cạnh đó, công nghệ nung lò tuynel và lò xoay đã giúp cho việc tăng công suất, nâng cao chất lượng, giảm ô nhiễm môi trường.

Đối với ngành xi măng, lãnh đạo Tổng Công ty Xi măng Việt Nam kiến nghị Nhà nước cần tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, hỗ trợ nguồn lực để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thu gom, phân loại và sơ chế chất thải; đồng xử lý chất thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất.

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.