14/10/2022 9:26 AM
Sử dụng vật liệu xanh trong thi công xây dựng để thay thế các loại vật liệu truyền thống gây ô nhiễm môi trường đang trở thành xu hướng phát triển của ngành xây dựng hiện nay.

Xanh hóa vật liệu xây dựng

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới ngày càng chú trọng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Tại Việt Nam, ngành xây dựng cũng có sự chuyển mình mạnh mẽ để phát triển bền vững, với làn sóng vật liệu xanh, thân thiện môi trường.

Trước đó, ngày 18.8.2020, tại Quyết định 1266/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

Chiến lược được xây dựng trên 6 quan điểm, trong đó quan điểm phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) hiệu quả, bền vững, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học công nghệ trên thế giới; quản lý vật liệu và sử dụng hiệu quả tài nguyên năng lượng, nhiên liệu, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường là điều quan trọng.

Ngành xây dựng hướng tới phát triển bền vững, với làn sóng vật liệu xanh, thân thiện môi trường

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều loại vật liệu xanh được ra đời và ứng dụng nhiều hơn trong xây dựng, không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, thân thiện với môi trường, mà còn mang lại kết cấu xây dựng bền vững hơn.

Thị trường xây dựng Việt Nam đang ngày càng khó khăn và khắt khe hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm xây dựng. Theo đó, để các loại vật liệu xây dựng truyền thống như sắt thép, xi măng, gạch xây “xanh” hơn, cần phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất.

Mặc khác, cần có các tiêu chuẩn quốc gia dựa trên các tiêu chuẩn xây dựng xanh có sẵn trên thị trường để nâng cao chất lượng xây dựng và tiêu chuẩn xây dựng.

Các loại vật liệu xanh trong xây dựng

Sơn nước

Sơn gồm có bốn thành phần chính là chất tạo màng, bột màu, dung môi và phụ gia. Trong đó, dung môi và phụ gia là hai thành phần chính thải ra VOCs (hợp chất hữu cơ dễ bay hơi). Chì và thủy ngân giúp sơn bền màu và không bị rửa trôi bởi các yếu tố thời tiết nên đã có không ít loại sơn hiện nay vẫn còn sử dụng hai thành phần độc hại này.

Đối với sơn và chất phủ, việc áp dụng chặt chẽ tiêu chuẩn về VOC và phát thải khí sẽ giúp cải thiện sức khỏe người dùng

Đối với sơn và chất phủ, việc áp dụng chặt chẽ tiêu chuẩn về VOC và phát thải khí sẽ giúp cải thiện sức khỏe người dùng trong không gian sống và thợ thầu trong quá trình thi công.

Một trong những sản phẩm tiêu biểu hiện nay là sơn sinh thái, loại sơn sử dụng nguồn nguyên liệu và kết hợp với ngành công nghiệp xanh hướng tới sự thân thiện môi trường.

Cụ thể, công nghệ mới này nhằm tạo ra các sản phẩm sơn không mùi, sơn có mùi tự nhiên hoặc hạn chế tối ra vấn đề mùi hóa chất trong sơn. Đặc biệt, các loại sơn sinh thái không chứa hoá chất gây hại cho sức khoẻ như Apeo, Phoóc môn, kim loại nặng, lượng hợp chất hữu cơ bay hơi rất thấp.

Thép xanh

Trong xu hướng phát triển của ngành xây dựng, công nghệ chế tạo ra thép xanh góp phần không nhỏ trong việc cắt giảm lượng khí thải carbon từ ngành công nghiệp này.

Công nghệ chế tạo ra thép xanh góp phần không nhỏ trong việc cắt giảm lượng khí thải carbon

Thép xanh là sản phẩm thép được sản xuất bằng công nghệ thân thiện với môi trường, nhưng không thực sự khác biệt mấy với thép thông thường. Loại thép này được sản xuất dựa trên công nghệ HYBRIT (Hydrogen Breakthrough Ironmaking Technology) – Công nghệ sản xuất sắt đột phá bằng hydro.

Công nghệ này cho phép thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng hydro xanh, giúp giảm ít nhất 90% lượng khí thải carbon khi so với sản xuất thép truyền thống.

Xi măng

Với ngành xi măng, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn không những giúp các doanh nghiệp xi măng đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn tiết kiệm chi phí, giảm phát thải CO2.

Nhiều doanh nghiệp trong nước đã chú trọng các biện pháp sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hợp lý như thử nghiệm sử dụng bùn thải, rác thải công nghiệp để tiết kiệm nhiên liệu; sử dụng xỉ, tro bay và thạch cao nhân tạo để làm phụ gia cho sản xuất xi măng; tăng cường sử dụng các nguyên liệu thay thế, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch…

Ngoài ra, ngành xi măng còn nghiên cứu và tung ra thị trường các loại xi măng đặc biệt sử dụng trong môi trường xâm thực, hải đảo như xi măng bền sun phát.

Kính tiết kiệm năng lượng

Kính tiết kiệm năng lượng là loại vật liệu xây dựng mới, được gia công từ kính phẳng với lớp phủ siêu mỏng trên bề mặt, có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tính năng sử dụng, yêu cầu về độ trong suốt và màu sắc của kính.

Solar Control và Low E là 2 loại kính tiết kiệm năng đặc biệt phù hợp với vùng khí hậu ở Việt Nam

Trong đó, kính tiết kiệm năng lượng Solar Control và Low E là 2 loại kính tiết kiệm năng đặc biệt phù hợp với vùng khí hậu ở Việt Nam.

Cụ thể, kính Low E sản xuất dựa trên phương pháp phủ offline trong môi trường chân không, giúp tối ưu khả năng cách nhiệt và cản nhiệt hiệu quả. Theo đó, kính Low E có khả năng chặn hơi ấm bên trong tòa nhà truyền ra ngoài, giúp tiết kiệm năng lượng hiệu quả.

Mặc khác, các lớp phủ Low E đã được phát triển để ngăn cản tia UV truyền qua kính, giúp ngăn chặn tác động xấu đến sức khỏe của người sử dụng, cũng như bảo vệ nội thất bên trong nhà bền bỉ, tránh bị phai màu bởi ánh sáng mặt trời.

Tương tự, với kính Solar Control, đây là kính cản nhiệt cao cấp, với nhiều lớp metallic siêu mỏng trên bề mặt giúp cản đến 99% tia UV và 65% năng lượng mặt trời. Từ đó giúp không gian bên trong ngôi nhà luôn dễ chịu, tiết kiệm điện cho hệ thống điều hòa lên đến 57%.

Trong xây dựng, kính Solar Control sử dụng đơn lớp tấm nên có thể dùng thay thế các vật liệu kính xây dựng thông thường, cho cả công trình thương mại và dân dụng.

Vật liệu xây dựng không nung

Việc phát triển các loại vật liệu xanh, đặc biệt là vật liệu không nung dường như đã trở thành xu thế tất yếu của ngành xây dựng.

Vật liệu xây dựng không nung có nhiều ưu điểm như nhẹ, bền, dễ thi công và khả năng cách âm, cách nhiệt tốt

Các loại vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN) được tạo từ những phụ phẩm, phế thải hoặc các loại cốt liệu thông qua quá trình tạo hình, đóng rắn mà không cần sử dụng đến nhiệt.

Trên thị trường, hiện có khá nhiều loại vật liệu xây dựng không nung được sử dụng như gạch bê tông khí chưng áp (AAC), gạch xi măng cốt liệu (gạch block), tấm tường gạch bê tông nhẹ đến tường thạch cao.

Các sản phẩm VLXDKN có nhiều ưu điểm như nhẹ, bền, dễ thi công và khả năng cách âm, cách nhiệt tốt nên đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn các loại vật liệu nung truyền thống.

Loại vật liệu mới này còn giúp tăng tuổi thọ công trình vì có độ bền cao, bề mặt nhẵn, mịn nên không cần tốn quá nhiều vữa khi thi công, giúp tiết kiệm chi phí.

Ngoài ra, với kích thước lớn nên tiến độ thi công sẽ nhanh, lượng vữa chuyên dụng cần dùng giảm nhiều lần so với gạch nung nên giảm được chi phí xây dựng.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.