Nhìn vào những công trình như tòa nhà VICEM TOWER “xác khô”, hay khu đất vàng 122 Vĩnh Tuy hoang tàn sẽ hé lộ một phần cung cách làm ăn của VICEM.

Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) đã đổ hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án như Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM (VICEM TOWER), Dự án xây dựng Khu tổng hợp Vĩnh Tuy, Dự án khu cảng Đông Hồi… Nhưng bao năm qua, trái với kỳ vọng, loạt công trình này vẫn nằm “đắp chiếu” khiến những người có trách nhiệm không khỏi xót xa.

Đổ tiền tỷ rồi “đắp chiếu”

Theo tài liệu, tính đến 30/6/2020, VICEM đã đổ vào Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM gần 774 tỷ đồng. Đây là công trình được xây dựng trên diện tích hơn 8.000m2, tại quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Tòa nhà VICEM TOWER như "vết chém" vào bộ mặt đô thị Hà Nội suốt hàng chục năm qua.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.744 tỷ đồng. Theo quyết định phê duyệt trước đó, công trình có quy mô 31 tầng nổi, 4 tầng hầm với tổng diện tích sàn 81.000 m2. Mục tiêu vừa làm trung tâm điều hành và giao dịch, kết hợp cho thuê văn phòng. Tuy vậy, sau hàng chục năm xây dựng, công trình vẫn chỉ là những khối bê tông xù xì, nhếch nhác, như một “xác khô” giữa Hà Nội.

Ngoài công trình trên, VICEM cũng đầu tư và sa lầy ở loạt dự án khác như Dự án xây dựng khu tổng hợp Vĩnh Tuy, Dự án Nhà máy kết cấu bê tông – Vật liệu xây dựng không nung, Dự án khu cảng Đông Hồi và một số dự án khác.

Trong số này, Dự án xây dựng khu tổng hợp Vĩnh Tuy được triển khai từ tháng 7/2012 với tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2015, nhưng đến nay do dự án có tổng mức đầu tư quá lớn, giá thuê văn phòng ngày càng giảm, khối lượng thực hiện chỉ đạt giá trị khoảng trên 60 tỷ đồng, và Vicembuộc phải xem xét chủ trương dừng thực hiện dự án.

Tháng 1/2019, VICEM có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng cho phép tiếp tục quản lý, sử dụng khu đất 122 Vĩnh Tuy để đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đảm bảo tiến độ cổ phần hóa. VICEM cho hay, sau cổ phần hóa, căn cứ yêu cầu sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, tái cấu trúc, VICEM sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền việc sử dụng diện tích đất trên. Tính đến 30/6/2020, VICEM đã rót vào dự án này hơn 60 tỷ đồng.

Trong khi đó Dự án Cảng VICEM tại Đông Hồi được thực hiện theo quyết định 659 do Hội đồng thành viên VICEM ban hành ngày 4/4/2016 với tổng mức đầu tư là 1.978 tỷ đồng.

Tuy vậy ngày 20/11/2018, Hội đồng thành viên VICEM có quyết định phê duyệt chấm dứt dự án từ 30/6/2018 với giá trị quyết toán hơn 2,6 tỷ đồng.

Trong năm 2019, VICEM có công văn đề nghị người đại diện quản lý phần vốn của Tổng công ty tại Công ty cổ phần VICEM Hoàng Mai có ý kiến để VICEM Hoàng Mai có văn bản gửi VICEM về việc nhận chuyển nhượng dự án Nhà máy Kết cấu bê tông – Vật liệu không nung và Cảng VICEM tại Đông Hồi theo hình thức thỏa thuận trước 15/3/2019. Đồng thời hoàn thiện các thủ tục pháp lý của bên chuyển nhượng, tiến hành thương thảo, hoàn thiện hợp đồng chuyển nhượng với VICEM.

Hiện VICEM vẫn đang trong quá trình làm việc với địa phương và VICEM Hoàng Mai để thực hiện các thủ tục nói trên.

Loay hoay chuyện nợ nần

Nhìn vào báo cáo tài chính có thể thấy tài sản “nổi bật” trong cơ cấu tài sản ngắn hạn của VICEM là các khoản phải thu ngắn hạn lên đến hơn 2.314 tỷ đồng, chiếm 58,4% tài sản ngắn hạn. Các khoản phải thu ngắn hạn theo đó lớn gấp 184.595 lần hàng tồn kho và gấp 3,8 lần tiền và tương đương tiền.

Trong những khoản phải thu của VICEM, đáng chú ý nhất là khoản phải thu về cho vay ngắn hạn gần 1.883 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ của Công ty TNHH MTV Xi măng VICEM Tam Điệp (VICEM Tam Điệp) lên đến 590 tỷ đồng. Trước đó, con số này còn là 700 tỷ đồng. Đây là đơn vị kinh doanh bết bát, lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý II/2020, VICEM đã phải dành 1.029 tỷ đồng để dự phòng cho khoản đầu tư tại VICEM Tam Điệp (gần bằng giá gốc 1.132 tỷ đồng).

Công ty TNHH MTV Xi măng VICEM Hải Phòng phải trả Vicem 120 tỷ đồng. Cũng giống như VICEM Tam Điệp, VICEM Hải Phòng đã khiến VICEM phải chi 139 tỷ đồng dự phòng cho khoản đầu tư 1.021 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long khiến VICEM phải trích lập dự phòng nhiều nhất. Con số này lên đến 1.606 tỷ đồng, đúng bằng giá gốc. Không chỉ có vậy, VICEM có khoản phải thu ngắn hạn lên đến 250 tỷ đồng.

Tương tự khoản phải thu về tại VICEM Sông Thao là hơn 222,7 tỷ đồng. VICEM cũng phải trích dự phòng hơn 300 tỷ đồng cho khoản đầu tư trên 516 tỷ đồng tại đây.

Ngoài ra, VICEM cũng còn khá nhiều khoản nợ xấu trên 3 năm với giá trị thu hồi bằng 0. Đơn cử khoản nợ của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình vật liệu xây dựng hơn 518 triệu đồng, Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long hơn 75 triệu đồng, Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Mai hơn 170,5 triệu đồng.

Chủ đề: Bỏ hoang,
Hoàng Hưng (VTC News)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
  • Dự án Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam - VICEM