03/02/2021 10:20 AM
Nhiều loại cổ phiếu thuộc diện thoái vốn nhà nước do Bộ Xây dựng đại diện sở hữu đang được thị trường quan tâm bởi doanh nghiệp có quỹ đất lớn và vị thế tốt trong ngành.

Năm 2021, cổ phần hóa HUD và VICEM là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Xây dựng trong công tác sắp xếp, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc .

Sắp có Lilama

Theo Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020, Bộ Xây dựng có 5 doanh nghiệp cần thoái vốn.

Trong đó, 4 tổng công ty: Xây dựng số 1 - CTCP (CC1), IDICO - CTCP (IDICO), Xây dựng Hà Nội - CTCP (HANCORP), Xây dựng Sông Hồng sẽ phải thoái 100% vốn nhà nước; 1 doanh nghiệp thoái giảm vốn nhà nước về 51% là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP.

Trong 6 tháng cuối năm 2020, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo và triển khai công tác thoái vốn tại 5 tổng công ty trên. Tính đến 31/12/2020, Bộ này đã thoái vốn thành công tại CC1 và IDICO, thu về cho Nhà nước 3.935 tỷ đồng (CC1: giá đấu thành công bình quân là 23.030 đồng/cổ phần, thu về 1.026,84 tỷ đồng; IDICO: giá đấu thành công bình quân là 26.936 đồng/cổ phần, thu về 2.909,1 tỷ đồng).

Đối với HANCORP, Bộ Xây dựng đã phê duyệt phương án thoái vốn và chuyển hồ sơ tới Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội để đấu giá cổ phần. Tuy nhiên, đến thời hạn đăng ký và đặt cọc (15h30 ngày 9/12/2020), HANCORP không có nhà đầu tư đăng ký tham dự đấu giá.

Theo Quyết định của Thủ tướng, trường hợp HANCORP - thoái vốn không thành công, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Bộ đã có văn bản thông báo cho SCIC để phối hợp triển khai thực hiện.

Đối với Tổng công ty cổ phần Sông Hồng, Bộ Xây dựng đã phê duyệt phương án thoái vốn và chuyển hồ sơ tới Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội để đấu giá cổ phần.

Tuy nhiên, ngày 30/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 140/2020/NĐ-CP không quy định điều khoản chuyển tiếp đối với trường hợp đã phê duyệt phương án thoái vốn trước ngày 30/11/2020. Do vậy, để có cơ sở tổ chức cuộc đấu giá, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị cho phép tiếp tục thực hiện theo phương án đã phê duyệt. Hiện tại, Bộ đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Tình trạng tương tự diễn ra đối với LILAMA, Bộ Xây dựng đã hoàn thành công tác thẩm định phương án thoái vốn do người đại diện trình, dự kiến phê duyệt phương án thoái vốn và thực hiện bán đấu giá cổ phần trong tháng 12/2020.

Nhưng Nghị định số 140/2020/NĐ-CP có nhiều nội dung công việc liên quan đến công tác thoái vốn nhà nước, không có điều khoản chuyển tiếp để thực hiện.

Dự kiến, sau khi có ý kiến của Thủ tướng trong quý I/2021, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục thực hiện bán đấu giá cổ phần nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Sông Hồng; thoái giảm vốn nhà nước về 51% tại Tổng công ty LILAMA.

Do vậy, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị cho phép cập nhật lại phương án thoái vốn theo Nghị định 140/2020/NĐ-CP để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Hiện tại, Bộ đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ (dự kiến trong quý I/2021), Bộ sẽ tiếp tục thực hiện bán đấu giá cổ phần nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Sông Hồng; rà soát, cập nhật để phê duyệt và tổ chức thoái giảm vốn nhà nước về 51% tại Tổng công ty LILAMA; thực hiện chuyển giao sở hữu vốn nhà nước tại HAN CORP sang SCIC.

Để dành Viglacera

Về kế hoạch thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Viglacera - CTCP, cổ phiếu được mong chờ hiện nay, Bộ Xây dựng cho hay, Bộ là cơ quan đại diện chủ sở hữu, Nhà nước nắm giữ 172.985.262 cổ phần, tương đương 38,58% vốn điều lệ. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Viglacera thuộc danh mục thực hiện sắp xếp, thoái vốn theo phương án cụ thể, phải báo cáo Thủ tướng cho ý kiến trước khi thực hiện.

Bộ Xây dựng đã có báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận giao Bộ tiếp tục quản lý phần vốn nhà nước tại Viglacera và thực hiện việc thoái vốn, hoàn thành trong năm 2022.

Về tiến độ cổ phần hóa Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD) và Tổng công ty Xi măng (VICEM), lãnh đạo Bộ Xây dựng chia sẻ, theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, HUD và VICEM phải hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp trong năm 2020.

Tuy nhiên, đến thời điểm 31/12/2020, việc cổ phần hóa hai tổng công ty này chưa đạt kế hoạch theo Quyết định của Thủ tướng và kế hoạch của Bộ đặt ra.

Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc, lúng túng trong việc thực hiện sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất đối với tài sản công, đặc biệt đối với các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản (Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017); xác định phương án sử dụng đất và giá đất (Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017).

Về nội dung này, Bộ Xây dựng có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó trình bày các công việc đã thực hiện, các công việc đang thực hiện còn có vướng mắc cần được được tháo gỡ; nêu rõ nguyên nhân, đề xuất các giải pháp và kế hoạch thực hiện trong thời gian tới.

Bộ Xây dựng xác định, trong năm 2021, cổ phần hóa HUD và VICEM là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác sắp xếp, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, khi Nhà nước thực hiện thoái vốn tại doanh nghiệp, đợt chào bán cổ phần dễ thành công khi bản thân doanh nghiệp thực sự có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Giá trị doanh nghiệp được thể hiện trên các giá trị tài sản (cả hữu hình và vô hình), doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả, minh bạch, thể hiện được sức mạnh, tiềm năng phát triển trong tương lai.

Bên cạnh đó, việc triển khai quá trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần được tiến hành một cách công khai, minh bạch từ khâu thẩm định giá trị doanh nghiệp, lựa chọn phương án đấu giá, công bố thông tin và quá trình triển khai; đảm bảo nguyên tắc tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, không để xảy ra thất thoát, tham nhũng, tiêu cực, tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật.

Thủy Anh (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.