27/05/2025 7:37 AM
Mặc dù đưa ra mức giá thấp nhất, tiết kiệm hơn 148 tỷ đồng cho nhà nước, nhưng Tập đoàn Sơn Hải lại trượt gói thầu Xây dựng đường cao tốc TP.HCM- Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước vừa có kết quả phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước, với giá trị hơn 880 tỷ đồng.

Theo đó, có 5 nhà thầu tham gia gói thầu trên, gồm: Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn – Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Xây dựng NTV Thành Phát; Liên danh CTCP Xây dựng hạ tầng Đại Phong – Vinaconex – CTCP Cơ khí điện Lữ Gia; Liên danh Công ty TNHH Đồng Thuận Hà – CTCP Xây dựng Đèo Cả – CTCP Hải Đăng; CTCP Tập đoàn Cienco4 (C4G) và Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải.

Hiện liên danh cao tốc HCM – TDM – CT (gồm Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn – Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Xây dựng NTV Thành Phát) đã trúng gói thầu trên với giá trị 886, 455 tỷ đồng, tỷ lệ giảm 1,62%, tiết kiệm cho nhà nước hơn 14,2 tỷ đồng.

Đáng chú ý rằng, trong số 5 nhà thầu tham gia gói thầu trên, Tập đoàn Sơn Hải dự thầu với giá 732,280 tỷ đồng, tỷ lệ giảm 16,85%, tiết kiệm được hơn 148 tỷ đồng là đơn vị giảm giá sâu nhất nhưng vẫn trượt thầu.

Phối cảnh cao tốc TP.HCM- Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Ảnh minh họa

Yếu tố kỹ thuật khiến Sơn Hải trượt thầu

Tại báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu của CTCP Tư vấn Văn Phú, thuộc tổ chuyên gia đấu thầu đã chỉ ra những nguyên nhân khiến Tập đoàn Sơn Hải trượt gói thầu nói trên.

Cụ thể, Sơn Hải không đáp ứng yêu cầu về vật tư và thiết bị cung cấp cho gói thầu. Hồ sơ mời thầu quy định rõ nhà thầu phải cung cấp bảng kê chi tiết từng loại vật tư, thiết bị kèm thông tin nhãn hiệu, mã hiệu, nguồn gốc xuất xứ và hồ sơ chứng minh tiêu chuẩn chất lượng. Tuy nhiên, nhiều nhà thầu chỉ cung cấp thông tin chung, thiếu minh bạch hoặc không đầy đủ, khiến tổ chuyên gia không có cơ sở để đánh giá.

Tập đoàn Sơn Hải không đáp ứng yêu cầu về tổ chức thực hiện mô hình thông tin công trình (BIM). Kể từ năm 2023, theo Quyết định 258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các gói thầu sử dụng vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng cấp I như cao tốc, bắt buộc phải áp dụng BIM trong tất cả các giai đoạn từ thiết kế, thi công đến vận hành.

Tuy nhiên, hồ sơ dự thầu của Tập đoàn Sơn Hải không đề cập quá trình thực hiện BIM, không đáp ứng một số nội dung trong bảng đánh giá về kỹ thuật. Vì vậy hồ sơ của đơn vị này bị đánh giá không đạt theo quy định của hồ sơ mời thầu.

Cuối cùng, Sơn Hải không đáp ứng yêu cầu về máy, thiết bị xây dựng phục vụ thi công gói thầu.

Hồ sơ mời thầu quy định cụ thể về từng loại thiết bị thi công trong gói thầu, yêu cầu có tài liệu chứng minh về máy móc, thiết bị phục vụ thi công. Tuy nhiên, hồ sơ dự thầu của Sơn Hải các thiết bị không có tài liệu kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc giấy chứng nhận kiểm định, phù hợp với theo quy định.

Sơn Hải nói gì về việc trượt thầu?

Ngày 26/5, sau khi gói thầu công bố kết quả mở thầu, Tập đoàn Sơn Hải đã có văn bản gửi Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước về việc phản đối kết quả lựa chọn nhà thầu.

Tập đoàn Sơn Hải đã phản đối quyết định lựa chọn nhà thầu tại dự án cao tốc TP.HCM- Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Ảnh: Hoàng Phúc

Ông Lê Thanh Hướng, Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải cho biết, đơn vị này rất ngạc nhiên khi chủ đầu tư lại chọn nhà thầu có giá dự thầu cao nhất để trúng thầu.

Những nhà thầu bị loại đều là doanh nghiệp có tiếng về xây dựng tại Việt Nam lại bị loại với lý do không đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật. Tập đoàn này cũng cam kết ở hồ sơ dự thầu bảo hành lên đến 10 năm.

Tập đoàn Sơn Hải cho rằng chủ đầu tư có dấu hiệu làm trái quy định pháp luật trong đấu thầu dẫn đến thất thoát, lãng phí rất lớn tiền của Nhà nước hơn 113 tỷ đồng, thiệt hại đến kinh tế, uy tín, danh dự của doanh nghiệp.

"Chúng tôi phản đối quyết định chọn thầu của chủ đầu tư, gửi kiến nghị đến UBND tỉnh Bình Phước để giải quyết theo quy định của Luật đấu thầu, gửi văn bản đến các cơ quan chức năng để xem xét, làm rõ", Giám đốc Tập đoàn Sơn Hải cho biết.

Được biết, Liên danh cao tốc HCM - TDM - CT gồm Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Xây dựng NTV Thành Phát.

Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thành lập vào năm 1996 có địa chỉ tại Hà Nội, do ông Nguyễn Hữu Ngọc làm Tổng giám đốc, kiêm đại diện pháp luật.

Đối tác của đơn vị này là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Xây dựng NTV Thành Phát thành lập vào năm 2010 có trụ sở tại Đồng Nai. Tại thời điểm tháng 7/2024, doanh nghiệp này có vốn điều lệ56 tỷ đồng với 2 cổ đông, gồm: Hà Ngọc Ninh, Chủ tịch HĐTV (68%), Nguyễn Châu Linh (32%).

Đình Duy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.