Theo ghi nhận của đại biểu Quốc hội, lần đầu tiên Chính phủ thẳng thắn về nợ xấu, qua đánh giá trong báo cáo ngày 29/7 vừa qua. Nhìn theo quan điểm thẳng thắn đó, nợ xấu đang có áp lực gia tăng một cách thực chất.

Trước đây, chính sách cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm đã đẩy một phần lẽ ra là nợ xấu về tương lai, mà nay đang phải nhận về và là một trong những nguyên nhân phản ánh ở xu hướng nợ xấu tăng lên.

Chỉ trong vòng 6 ngày cuối tháng 6 vừa qua, con số tăng trưởng tín dụng đã có thay đổi rất lớn. Tính đến 24/6 tăng 6,82%, nhưng chốt lại đến cuối tháng 6, tức chỉ sau 6 ngày, mức tăng trưởng lên tới 8,16% so với cuối 2015.

Thay đổi lớn chỉ trong những ngày rất ngắn đó gợi lên một giả thiết: có hay không mục đích làm đẹp sổ sách chốt quý? Vì, mẫu số tín dụng lớn lên sẽ giúp co hẹp tỷ lệ nợ xấu.

Giả thiết chỉ là giả thiết. Còn nợ xấu đang có áp lực gia tăng trở lại, khi xét đến hai yếu tố tác động đáng chú ý.

Sức chứa VAMC có hạn

Báo cáo tài chính vừa công bố cho thấy, nợ xấu đã gia tăng tại một loạt ngân hàng lớn trong nửa đầu năm nay.

Điển hình như tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ khoảng 1,6% cuối 2015 lên 2% vào 30/6/2016, tương ứng với hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu đội thêm.

Tại một số ngân hàng thương mại lớn khác, nợ xấu tính theo giá trị tuyệt đối tăng lên trong nửa đầu năm nay, nhưng với tốc độ tăng trưởng tín dụng khá cao, tỷ lệ nợ xấu không nhiều thay đổi, thậm chí giảm nhẹ.

Cập nhật đến thời điểm này, mức tăng đột biến thể hiện ở Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), từ 1,86% cuối 2015 lên tới 5,3% cuối quý 2/2016.

Tại thành viên có quy mô tổng tài sản lớn nhất trong khối ngân hàng thương mại cổ phần không có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối - Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - tỷ lệ nợ xấu cũng tăng mạnh trong nửa đầu năm nay, lên 2,83% so với mức 1,85% cuối 2015…

Về tình hình chung, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống mới chỉ cập nhật đến cuối tháng 3/2016 với 2,62%, tăng nhẹ so với cuối 2015. Nhưng với diễn biến trên, nếu có sự gia tăng tiếp tục đến tháng 6/2016 thì cũng không nhiều bất ngờ.

Bởi lẽ, ngoài diễn biến tại nhiều thành viên nói trên, một yếu tố từng can thiệp rất lớn đến tỷ lệ nợ xấu các ngân hàng đã trở nên hạn chế trong nửa đầu năm nay. Đó là phần nợ xấu được chuyển sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016, VAMC đã mua 241.000 tỷ đồng nợ xấu. Con số gần như thay đổi không đáng kể so với quy mô đã mua lũy kế đến cuối 2015. Điều này có nghĩa, trong nửa đầu năm nay lượng nợ xấu được bán/bán được sang VAMC rất hạn chế. Theo đó, nợ xấu gia tăng tại các ngân hàng như trên là sự ghi nhận thực chất hơn, thay vì tiếp tục chuyển phần lớn sang đây.

Vì sao VAMC hạn chế mua lại nợ xấu như vậy trong nửa đầu năm nay?

Về lý thuyết và thực tế đã triển khai, dù vốn chỉ 2.000 tỷ đồng nhưng công ty này có thể tiếp tục mua được nhiều nợ xấu nữa, chỉ qua việc phát hành trái phiếu đặc biệt mà không phải bằng tiền. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành sứ mệnh giúp giảm nợ xấu trên sổ sách các ngân hàng xuống dưới 3% với tốc độ mua lại cấp tập trong năm 2015, từ 2016 họ đã hạn chế mua để chuyển sang tập trung công tác xử lý.

Và xét ở góc độ cân đối, sức chứa của VAMC là có hạn. Trong cơ chế hoạt động, họ có thể ủy quyền cho các tổ chức tín dụng hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ… để giảm tải. Nhưng với tổng lượng đã mua quá lớn so với tỷ lệ đã xử lý được, đến nửa đầu năm nay mới chỉ đạt 13,4%, nếu càng gia tăng mua thì tỷ lệ xử lý được càng trở nên nhỏ bé, càng hạn chế trong thể hiện hiệu quả của công cụ xử lý nợ xấu này.

Ghi nhận thực chất hơn

Ngoài VAMC giảm bớt can thiệp, nợ xấu tại các ngân hàng thương mại cũng đang phải ghi nhận thực chất hơn một phần bị lẩn khuất trước đây. Nói cách khác, các nhà băng đang phải trả nợ cho phần tương lai từng được tạm ứng.

Trước hết, đó là từ cơ chế cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm, theo Quyết định 780 của Ngân hàng Nhà nước cho các tổ chức tín dụng được thực hiện từ ngày 23/4/2012.

Với cơ chế trên, một lượng lớn dư nợ lẽ ra đã là nợ xấu, nhưng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tức từ thời điểm đó đã đẩy về cho tương lai ghi nhận sau. Quy mô liên quan từng được báo cáo trước Quốc hội lên tới khoảng 300.000 tỷ đồng.

Tương lai đến gần, “khoản nợ” trên buộc phải trả. Những khoản vẫn không thể sống qua cơ hội được cơ cấu lại nói trên buộc phải ghi nhận là nợ xấu.

Điểm cần nhìn thẳng ở đây là: bao nhiêu khoản nợ là nợ xấu vẫn đang gửi ở tương lai như trên mà chưa được ghi nhận thực chất; quan trọng hơn, bao nhiêu là được cơ cấu lại thành nợ trung, dài hạn?

Câu hỏi trên gắn với một dữ kiện trong năm 2015. Cho đến nay người làm ngân hàng hẳn vẫn nhớ, tại ngày 1/2/2015 Ngân hàng Nhà nước đột ngột nâng mạnh giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 30% lên tới 60%. Dữ kiện này có trước thềm quyết định khép lại cơ chế cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm nói trên vài tháng (qua hiệu lực trong Thông tư 09, các ngân hàng chỉ còn cơ hội cơ cấu lại nợ một lần duy nhất trước ngày 1/4/2015).

Với giới hạn được nâng từ 30% lên tới 60% nói trên, liệu có bao nhiêu khoản nợ lẽ ra là nợ xấu đã từng được cơ cấu lại thành nợ trung dài hạn mà không phải chuyển nhóm? Nếu lớn thì nợ xấu thời gian tới của hệ thống sẽ phải tiếp tục ghi nhận yếu tố quá khứ này.

Tưu trung, chính sách cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm đã đẩy một phần lẽ ra là nợ xấu về tương lai, mà nay đang phải nhận về và là một trong những nguyên nhân/phản ánh ở xu hướng nợ xấu tăng lên. Hay, nợ xấu theo đó đang được ghi nhận thực chất hơn.

Như VnEconomy từng nhiều lần đề cập, kể từ ngày 23/4/2012 đến nay, khi cơ chế cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm được triển khai, chưa từng có dữ liệu nào được công bố để đánh giá là nó đã giúp bao nhiêu khoản nợ/doanh nghiệp hồi sinh - một phần ý nghĩa của chính sách, bao nhiêu là không thể qua khỏi mà vẫn buộc trở lại đúng tên gọi là nợ xấu, và mức độ nợ đã được cơ cấu lại vẫn đang treo ở tương lai.

Minh Đức (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.