Theo kết quả kiểm tra của liên ngành TP Hà Nội năm 2015, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng đã được cấp. Theo đó, công trình được cấp phép xây dựng cao 53m nhưng chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69m (vượt 16m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000m2, tăng trên 6.000m2 so với giấy phép.
Bên cạnh đó, từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái. Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.
Mặc dù sai phạm tại công trình 8B Lê Trực đã được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý từ tháng 10.2015, tuy nhiên, đã 3 năm trôi qua, sai phạm tại công trình này mới thực hiện xong giai đoạn 1 (cắt tầng 19). Còn lại, việc xử lý sai phạm giai đoạn 2 đã “dậm chân tại chỗ” 2 năm nay và chưa có hướng xử lý, gây mất mỹ quan đô thị ngay trên tuyến phố Trung tâm Thủ đô và bức xúc trong dư luận.
Sai phạm tại công trình 8B Lê Trực vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Mới đây, tại Hội thảo “Quản lý phát triển công trình cao tầng khu vực nội đô lịch sử mở rộng TP Hà Nội”, ông Trần Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết việc xử lý sai phạm tại công trình 8B Lê Trực đã nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và nhiều đơn vị chức năng liên quan. Công trình có mấy sai phạm gồm: chiều cao, diện tích sàn, số tầng.
Theo ông Trung, nguyên nhân dẫn để xảy ra sai phạm tại công trình 8B Lê Trực là do giai đoạn đầu khi cơ quan chức năng cấp phép công trình được cao 70m và chủ đầu tư đã thiết kế ở một công trình khoảng 70m. Nhưng sau này, khi cơ quan chức năng xem xét lại vấn đề, thì mới thấy rằng công trình này cao 70m là không ổn, phải giảm xuống 53m.
"Khi giảm tới 53m thì chủ đầu tư lại không sửa thiết kế mà chỉ sửa kích thước để làm sao cho chiều cao công trình giảm xuống nhưng số tầng vẫn thế. Thế nhưng, vì không thể giảm xuống dc 53m, chủ đầu tư phải làm cho tầng 1 âm đi…, chiều cao công trình sai với giấy phép”, ông Trung cho biết.
Việc cắt giật cấp toà nhà theo đúng giấy phép xây dựng sẽ không được thực hiện?
Cũng theo phó Giám đốc Sở Xây dựng, hiện nay, chủ đầu tư đang đưa ra cái cớ, là họ được cấp 18 tầng thì cơ quan chức năng cắt tầng tum và tầng 19 rồi, giờ phải trả cho họ công trình 18 tầng. Nhưng thực chất công trình này vẫn đang vượt chiều cao.
“Cái lúng túng ở chỗ là nếu xử lý đúng theo giấy phép là phải cắt giật cấp, nhưng cắt giật cấp thì kết cấu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì thế, vừa qua Hà Nội quyết định thống nhất cho phép tiếp tục cắt ngang và giảm chiều cao. Nếu cắt 2 tầng 17, 18 thì diện tích sàn mà chủ đầu tư vi phạm vẫn còn dư. Và dự kiến phần dư đó sẽ giải quyết nộp phạt”, ông Trung nói.
Chia sẻ thêm về việc xử lý công trình sai phạm 8B Lê Trực này, ông Trung cho biết, trong quá trình làm việc, chủ đầu tư không cung cấp được cho cơ quan chức năng được các hồ sơ thiết kế công trình. Nếu không có hồ sơ đó, thì các đơn vị không thể đưa ra được giải pháp xử lý.
“Vừa rồi, chúng tôi đã mời chủ đầu tư lên và giải thích cũng như các yếu tố để vận động. Đến thời điểm này, chủ đầu tư đang hợp tác với chúng tôi và chủ động làm việc với các cơ quan tư vấn, chuyên gia trường ĐH xây dựng để tìm ra phương án thực hiện xử lý sai phạm giai đoạn 2”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết.
Trước đó, Công ty CP Hạ tầng Phương Bắc, Tập đoàn Phương Bắc (viết tắt là Phương Bắc) là đơn vị thực hiện chỉ thị của Thành ủy, UBND TP Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ cắt ngọn giai đoạn 1 công trình sai phép 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) đã có công văn số 162/2018/CV-PB, Phúc đáp văn bản số 6994/SXD-TTr của Sở Xây dựng về việc thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội đề nghị xử lý dứt điểm giai đoạn 2 tòa nhà vi phạm tại số 8B Lê Trực.
Theo Phương Bắc, công trình 8B Lê Trực có kết cấu dầm treo (tương tự kết cấu cầu treo), cho nên không phải là một công trình kết cấu bình thường hay như một đống gạch cứ dỡ từ trên xuống là được. Muốn phá dỡ phải gia cố thêm 02 cột để thay cho dầm treo, việc gia cố 02 cột là hoàn toàn không khả thi.
“Do đó việc phá dỡ giai đoạn 2 nếu tiến hành thì phải phá bỏ cả tòa nhà rất lãng phí tài sản xã hội, chúng tôi được biết hiện nay chưa có văn bản, quy định nào của pháp luật cho phép phá bỏ tòa nhà”, Phương Bắc khẳng định.
Phản hồi lại ý kiến trên ngay, Phó Giám đốc Sở Xây Hà Nội Trần Việt Trung cho rằng, công trình được xây dựng từ dưới lên. “Quan điểm của chúng tôi dầm công trình này chỉ là dầm khoá, chứ không phải là dầm treo”.