06/01/2021 1:30 PM
CafeLand - Dữ liệu của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, giá bất động sản đang có xu hướng tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, bất chấp tình hình dịch Covid-19. Riêng thị trường căn hộ ở các đô thị lớn bị đẩy lên ngưỡng trần. Thực tế này được lý giải khi giá của một căn hộ phải “cõng” theo nhiều chi phí phát sinh.

Giá bất động sản đang có xu hướng ngày càng tăng.

Năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ và gây ra nhiều biến động đối với nhiều lĩnh vực kinh tế. Bất động sản cũng không nằm ngoài guồng quay này. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất của thị trường địa ốc với nhiều lĩnh vực khác chính là việc đã lấy lại đà phục hồi nhanh chóng ngay từ quý 3.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, trong quý 3-2020 đã ghi nhận 36.884 giao dịch địa ốc thành công. Trong khi đó, dữ liệu của nhóm phân tích FiinPro cho thấy, lượng tiền người mua nhà trả trước cuối quý 3-2020 tại nhiều doanh nghiệp tăng cao ở mức kỷ lục 5 năm qua.

Bất chấp những khó khăn do dịch bệnh gây ra, giá nhà đất vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng. Trong đó, TP.HCM, Hà Nội cùng các vệ tinh của hai đô thị này chứng kiến hiện tượng tăng giá nhà đất xuyên mùa dịch.

Theo thống kê của batdongsan.com.vn, từ 2002-2020, giá bất động sản Hà Nội tăng 33 lần, TP.HCM tăng 16 lần. Dù vậy, mặt bằng giá nhà tại Việt Nam vẫn thấp hơn so với khu vực. Cụ thể, trong khi giá nhà ở Hà Nội là 2.000 USD/m2 thì Singopre lên đến 26.000-27.000 USD/m2.

Báo cáo "Sẵn sàng cho chu kỳ mới từ 2021" vừa được Công ty Chứng khoán VNDirect phát hành, cho thấy xu hướng tăng giá bán sẽ tiếp tục duy trì nhờ nhu cầu nhà ở tăng. Nguyên nhân do thúc đẩy phát triển các cơ sở hạ tầng có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản và lãi suất vay mua nhà giảm sẽ hỗ trợ quyết định mua nhà.

Theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC, để có đất thực hiện dự án, tất cả chủ đầu tư đều phải đấu thầu, đấu giá theo quy định của pháp luật. Nhà nước thu tiền thuế sử dụng đất nên nếu tiền thuế thấp, giá bất động sản mới thấp.

Lấy ví dụ về dự án FLC Sầm Sơn, ông Quyết tính toán, một mét vuông chịu thuế sử dụng đất là 4 triệu đồng nên mỗi năm, doanh nghiệp chi hàng nghìn tỉ đồng nộp thuế.

Ngoài ra, giá nhà còn cộng thêm khoảng 4 triệu đồng phí xây dựng hạ tầng và khoảng trên dưới 20% cho đại lý bất động sản làm truyền thông, phí và các lệ phí khác.

Bên cạnh đó, giá nhà đất phụ thuộc vào sự điều phối của cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan thuế. Chủ đầu tư không có nguồn cung bên ngoài, lên xuống do cung cầu thị trường. Khi du lịch phát triển, giá đất tại Sầm Sơn mới tăng lên được 20 triệu đồng/m2. Như vậy, nhà đầu tư sẽ hưởng lợi chứ không phải chủ đầu tư.

Chủ tịch FLC cũng nhận định, trong bối cảnh hiện nay, không nhiều chủ đầu tư có lãi nếu tính thuế, tiền đền bù, thuế, chi phí vốn vay... "Nếu thị trường biến động mới có lãi. Còn không, trong vài năm là không thể", ông Quyết cho biết.

Ông Quyết cũng đặt vấn đề, với mức phí như vậy, làm thế nào để đầu tư vào nhà ở xã hội? Trong khi nhu cầu nhà ở xã hội mới tập trung ở hai thành phố Hà Nội và TP.HCM nhưng các thủ tục pháp lý mất rất nhiều thời gian. Nhiều doanh nghiệp như FLC muốn đầu tư vào phân khúc này nhưng thủ tục, quỹ đất lại không quyết định được.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group, cho rằng giá nhà là cuộc kết hôn giữa cung và cầu. “Cầu lên thì giá tăng, mà cung lên thì giá giảm. Trong những năm tới, nguồn cung bất động sản sẽ không ra ồ ạt nên mặt bằng chung là (giá) sẽ đi lên", ông Tuyển nhận định.

  • Bất động sản vùng ven sẽ lên ngôi trong năm 2021

    Bất động sản vùng ven sẽ lên ngôi trong năm 2021

    CafeLand - Tại buổi tọa đàm "Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới" diễn ra ngày 5/1, những người trong ngành dự báo thị trường bất động sản vùng ven sẽ tiếp tục thu hút nhà đầu tư, một phần là nhờ cơ sở hạ tầng phát triển giúp việc đi lại thuận tiên hơn.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.