Nguyên nhân khiến Dự án đường sắt đô thị TP HCM chậm tiến độ, tăng giá là do quy trình thủ tục dự án và việc bồi thường giải phóng mặt bằng.

Ông Hoàng Như Cương – Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM báo cáo tiến độ thực hiện các tuyến đường sắt đô thị.

Nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ, tăng giá dự án

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, sáng ngày 3/11 thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã có buổi làm việc với đại diện các bộ, ngành, UBND TP HCM và các đơn vị liên quan với mục tiêu kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của Dự án đường sắt đô thị TP HCM.

Báo cáo về Dự án đường sắt đô thị TP HCM ông Hoàng Như Cương – Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM cho biết: “Đối với tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) hiện nay công tác giải tỏa mặt bằng đã xong, có 3 gói thầu đang triển khai và kiểm soát tốt về tiến độ cũng như chất lượng được hội đồng nghiệm thu nhà nước thường xuyên kiểm tra theo định kỳ”.

Về tuyến đường sắt đô thị số 1 ông Cương kiến nghị Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khuyến khích các nhà thầu mua hồ sơ để tránh tình trạng chậm tiến độ. Vấn đề các gói thầu đang triển khai hiện nay đang rất cần hướng dẫn về chứng nhận an toàn hệ thống để chuẩn bị đưa vào thiết kế và sau này vận hành tàu.

Về vấn đề này Thứ trưởng Đông đề nghị TP HCM mời tư vấn, thẩm tra về an toàn hệ thống đối với những hạng mục cần thiết như: thông tin tín hiệu, điều hành chạy tàu và đầu máy toa xe. Sau đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đại diện Bộ GTVT sẽ cấp chứng chỉ an toàn đưa vào khai thác. Thứ trưởng Đông cũng đề nghị JICA tiếp tục thúc đẩy nhà thầu Nhật Bản quan tâm đấu thầu để không kéo dài thời gian ảnh hưởng đến dự án.

Theo ông Cương hiện nay tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành – Tham Lương) đang khảo sát để lập hồ sơ giải tỏa mặt bằng và trình phương án cho Thủ tướng phê duyệt tổng thầu thiết kế thi công. Tuyến đường sắt đô thị số 5 hiện đã thẩm tra xong và trình vào cuối năm 2014 nhưng do phần vốn tăng chưa được duyệt, nên Ban quản lý đường sắt đã trình lên Bộ Kế hoạch Đầu tư để Thủ tướng xem xét, phê duyệt điều chỉnh đầu tư dự án.

Ông Nguyễn Hữu Tín - Phó Chủ tịch UBND TP HCM nêu nguyên nhân làm trậm tiến độ và tăng vốn Dự án đường sắt đô thị là GPMB và quy trình thủ tục

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín cho rằng: “Có 2 nguyên nhân làm cho dự án đường sắt đô thị TP HCM chậm tiến độ và dẫn đến tăng giá dự án là quy trình thủ tục dự án và việc bồi thường giải phóng mặt bằng. Việc điều chỉnh dự án gần như làm lại thủ tục từ đầu, cứ vậy kéo dài hết năm này qua năm khác. Từ đó dẫn đến một câu chuyện lâu nay tại sao nguồn tại trợ lúc nào cũng có nhưng việc tổ chức thực hiện bao giờ cũng chậm trễ”.

Việc bồi thường giải phóng mặt bằng là trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương tuy nhiên ở đây phải thống nhất về chính sách, đặc biệt về chính sách bồi thường bởi vì trên thực tế có sự khác nhau giữa chính sách bồi thường do quy định của pháp luật Việt Nam và chính sách của nhà tài trợ. Từ đó dẫn đến việc khiếu nại gay gắt của người dân dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án. Tôi đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Giao thông vận tải , Sở Tài chính thành phố và Ban Quản lý đường sắt phải thống kê lại và làm rõ những nội dung này không chỉ Dự án đường sắt mà tất cả các dự án khác để báo cáo lên các bộ, ngành trung ương tham mưu cho Chính phủ, ông Tín cho hay.

Rút kinh nghiệm để không kéo dài thời gian và tăng vốn

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết : “Nhìn chung các dự án đường sắt đô thị TP HCM đang gặp khó khăn nhưng cũng có những bước tiến bộ trong thời gian gần đây. Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ GTVT sẽ cùng làm việc với các bên để cùng nhau tháo gỡ những khó khăn đặc biệt là nguồn vốn. Qua việc thực hiện tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) chúng ta phải rút ra những kinh nghiệm phối hợp chặt chẽ hơn về trình tự thủ tục để ăn khớp và hài hòa giữa các bên để thực hiện tốt hơn và tránh tình trạng chậm trễ tiến độ”.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá, chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc của Dự án đường sắt đô thị TP HCM.

Tôi cho rằng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM phải chủ động, gặp khó khăn phải có hướng giải quyết ngay. Đặc biệt khi thực hiện tuyến số 5 là phải rút ra kinh nghiệm từ tuyến số 1 và số 2. Trước khi thực hiện phải nghiên cứu dự án kĩ lưỡng hơn và lên kế hoạch thực hiện sát để không kéo dài thời gian và tăng vốn”, Thứ trưởng Đông nhận định.

Văn Quyết (Tạp chí Giao Thông)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.