Những cuộc đối đầu “không lối thoát”
Căng băng rôn, lập fanpage “tố cáo” chủ đầu tư, thậm chí diễu hành bằng xe chạy quanh Hà Nội hàng chục vòng hay gây sức ép bằng cách mời báo chí, truyền thông lên tiếng rầm rộ trên mặt báo đang là “phương pháp” chủ yếu cư dân hành động khi nhận nhà không như ý muốn hoặc quá trình “sống chung với chủ đầu tư” diễn ra không “cơm lành canh ngọt”.
Tuy rất ầm ĩ song “phong trào căng băng rôn” có vẻ như không mấy hiệu quả. Khảo sát tại một số dự án có tình trạng này cho thấy chủ đầu tư trước động thái mạnh của cư dân đã tiến hành khắc phục hoặc tìm cách đối thoại, giải quyết khiếu nại của cư dân song không phải mọi “yêu sách” đều được đáp ứng dẫn tới mối bức xúc của cư dân vẫn còn nguyên.
Đơn cử như dự án Home City, sau rất nhiều cuộc “xuống đường” của cư dân thì lối đi chính cho cư dân vẫn chưa có, chủ đầu tư chỉ có thể đáp ứng giải pháp tình thế là cho cư dân được đi lại bằng xe máy theo lối 177 Trung Kính. Còn lại rất nhiều khúc mắc, kiến nghị vẫn chưa được chủ đầu tư giải quyết như: thành lập ban quản trị, đơn vị quản lý tòa nhà, phí dịch vụ, trông giữ xe…
Dự án Golden West cư dân yêu cầu chủ đầu tư dỡ bỏ các ô thoáng đã xây dựng thành phòng song hiện nay việc này vẫn đang được “treo” ở đó chờ kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng.
Hàng loạt các dự án khác cư dân cũng căng băng rôn phản đối chủ đầu tư như 99 Trần Bình, Gamuda Garden, Mipec Riverside Long Biên, VP3 Linh Đàm, Capital Garden (Trường Chinh), Golden Silk (Vạn Phúc, Hà Đông), New Horizon (Lĩnh Nam); Parkview Residence (Tố Hữu – Hà Đông), Hồ Gươm Plaza (Vạn Phúc – Hà Đông) song những bức xúc hầu như vẫn còn nguyên vẹn, chưa được giải quyết thấu đáo.
Hiệu quả chưa rõ nhưng hậu quả dễ thấy nhất chính là giá nhà dự án đó xuống, tính thanh khoản thấp, thậm chí bán cắt lỗ từ 200 triệu- 600 triệu đồng/ căn cũng không có người mua. Điển hình như dự án Golden West số 2 Lê Văn Thiêm, sau các cuộc “băng rôn” hiện nhiều chủ nhà rao bán cắt lỗ với mức giá chỉ từ 23 triệu đồng/m2 trong khi họ phải mua từ chủ đầu tư với giá 29-31 triệu đồng/ m2.
Vì đâu nên nỗi?
Có nhiều nguyên do khiến “cuộc chiến” chung cư trở nên căng thẳng, không lối thoát, trong đó có việc những “yêu sách” mà cư dân đưa ra chính chủ đầu tư cũng khó lòng có thể đáp ứng.
Ví dụ, tại Home City Trung Kính, cư dân yêu cầu chủ đầu tư mở lối vào dự án theo đúng hợp đồng song chủ đầu tư không thể thực hiện được do dự án hồ điều hoà chậm tiến độ nên đường 21m chưa biết bao giờ mới có. Thẩm quyền quyết định mở đường thuộc cơ quan nhà nước, ngoài “tầm với” của chủ đầu tư.
Hay như tại một dự án cao cấp khác là Imperia Garden (Thanh Xuân), cư dân yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện sảnh, màu sơn toà nhà phải đúng như hình ảnh phối cảnh 3D mà đơn vị bán hàng quảng cáo. Thậm chí cư dân dự án này có ý kiến đề nghị chủ đầu tư phải lắp cửa sắt trước cửa gỗ ra vào nhà vì cho rằng “nhỡ nhà bên cạnh đi trốn nợ bị xã hội đen đến “hỏi thăm” nhầm thì sao, phải có cửa sắt để khoá vào hàng ngày”??? Nhiều “yêu cầu” khác cũng khá nhỏ nhưng lại gây bức xúc cho cả hai bên như yêu cầu bỏ nẹp vàng tại thang máy vì cho rằng “quê mùa”!!!.
Cũng tại dự án này, phần tiện ích chủ đầu tư cho rằng đang nỗ lực hoàn thiện đủ song cư dân lại yêu cầu cây phải xanh ngay, hoa phải tươi tốt ngay và mọi tiện ích phải đủ ngay trong khi cây cũng phải có thời gian để lớn, hoa cũng cần có thời gian chăm sóc mới có thể đẹp được như mong muốn.
Làm sao để tốt cho cả hai?
Trả lời báo giới, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Quản lý và bảo trì tòa nhà (VBMA) cho biết, khung pháp lý về nhà chung cư hiện chưa hoàn thiện nên không tránh khỏi những mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư trong quá trình “chung sống”.
Để tháo gỡ “nút thắt” này, ngoài việc hoàn thiện hành lang pháp lý và xây dựng những “quy chuẩn” văn minh đô thị mới còn cần sự nỗ lực của chủ đầu tư và chính cư dân.
“Tôi thấy trong các cuộc đấu tranh của cư dân, tư tưởng thắng- thua rất đậm nét thay vì tư duy cùng nhau kiến tạo và xây dựng một môi trường sống văn minh, một không gian sống hài hoà lợi ích của cả hai bên. Chủ đầu tư và cư dân không có những cuộc gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn nên mâu thuẫn vì thế bị đẩy lên đỉnh điểm, trong khi hai bên hoàn toàn có thể bình tĩnh tìm ra giải pháp tốt cho cả hai.”, một CEO giàu kinh nghiệm quản lý, vận hành nhà chung cư cho các khu đô thị lớn chia sẻ kinh nghiệm.