Khách hàng bức xúc kéo đến công trường nhưng chủ đầu tư luôn tránh mặt
Dự án "Khủng", chi tiền "khiếp"
Trong khi DA trên đã "trùm mền" từ cuối năm 2011 do hết vốn thì CĐT là Công ty cổ phần bất động sản dầu khí Việt Nam (PVC Land) lại rất "hào phóng" chi hàng trăm tỷ đồng cho các nhà thầu mà không cần biết số tiền đó đi về đâu. Đến khi phía thầu mất năng lực tài chính phải ngưng thi công, PVC Land bị chiếm dụng vốn lên tới hàng chục tỷ đồng chưa biết bao giờ mới đòi lại được. Lâu nay thường chỉ có nhà thầu đòi nợ CĐT, còn ở DA này thì ngược lại!
Theo báo cáo, tính đến giữa tháng 8-2014 tổng giá trị đầu tư vào DA (gồm tiền mua đất, tư vấn đầu tư, xây lắp, thiết bị...) hơn 892 tỷ đồng, thế nhưng PVC Land đã thanh toán và cho các nhà thầu "tạm ứng" hơn 909 tỷ! Con số trên trong thực tế cũng chưa chính xác bởi qua tìm hiểu của chúng tôi, chỉ riêng hai công ty "họ dầu khí” (DK) được Tập đoàn DK Việt Nam và Tổng công ty cổ phần xây lắp DK chỉ định thầu thực hiện DA đã nợ CĐT gần 28 tỷ. Đó là Công ty cổ phần đầu tư và xây lắp DK Sài Gòn (PVC-SG) nợ PVC Land gần 13 tỷ và Công ty cổ phần thiết bị nội ngoại thất DK (PVC-Metal) nợ 15 tỷ. Thật khó tin khi PVC-Metal chỉ là nhà thầu phụ được PVC-SG thuê thi công hệ thống cơ điện, thang máy và dù không ký hợp đồng (HĐ) trực tiếp với PVC-Metal nhưng PVC Land vẫn hào phóng cho tạm ứng số tiền "khủng". Để rồi trong khi công việc còn dở dang thì PVC-SG rút êm, "ôm" theo 15 tỷ đồng.
Dự án phải dừng lại giữa chừng do hết vốn thì lãnh đạo PVC Land lại vung tiền cho những việc không đâu. Dù chưa có kế hoạch triển khai khu văn phòng (thuộc DA) nhưng PVC Land vẫn chi 4,2 tỷ đồng cho Công ty cổ phần thiết kế VN Land Design để thực hiện khâu thiết kế. Công việc sau đó buộc phải dừng lại nhưng PVC Land vẫn chưa thu hồi được số tiền trên.
Chi lố, chi dư dường như đã trở thành "bệnh" của CĐT. Trong khi DA PetroVietnam Landmark đang hết vốn thì PVC Land lại móc hầu bao 64 tỷ đồng góp vào một DA khác của Tập đoàn DK tại Q9 và tiếp tục nộp "lố" 7 tỷ so với khoản phải góp. PVC Land đang kiến nghị Tập đoàn DK cho phép rút vốn tại DA này và nhận lại khoản đã góp dư nhưng chưa có kết quả.
Đại diện PVC Land thừa nhận đến nay vẫn chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ đỏ) khu đất 1,9ha làm DA. Thế nhưng PVC Land vẫn thoải mái xây cả chung cư bề thế vào loại nhất nhì Q2 với 4 tòa cao ốc từ 17 đến 21 tầng. Được biết khu đất này trước đây của Công ty cổ phần xây dựng số 14 (CC14), do vốn điều lệ không đủ điều kiện để cấp phép DA, từ đó bộ ba CC14, Công ty cổ phần địa ốc DK (PVL) và Công ty PVPL (C&S) thành lập PVC Land để trở thành chủ đầu tư DA. PVL ký HĐ chuyển nhượng khu đất 1,9ha của CC14.
Trong khi thủ tục sang tên sổ đỏ cho chủ đầu tư DA chưa xong thì PVL lại sốt sắng chi trả toàn bộ 228,6 tỷ đồng cho CC14 (gồm tiền đất và các khoản phát sinh). Đại diện PVC Land cho biết để chuyển quyền sử dụng đất tại DA phải đóng khoảng 37,5 tỷ tiền thuế, đây là trách nhiệm của CC14. PVC Land đã nhiều lần làm việc, đôn đốc nhanh chóng đóng thuế sang tên nhưng họ vẫn tìm cách trì hoãn. Do PVL trực tiếp ký HĐ với CC14 nên PVC Land không có cách nào buộc đơn vị này thực hiện.
Lộ rõ dấu hiệu lừa đảo
Bung tiền chi vô tội vạ thì PVC Land bị cụt vốn và đang trong tình cảnh nợ ngập đầu nên DA đành "giữa đường gãy gánh". Chỉ riêng tại Ngân hàng TMCP Liên Việt (chi nhánh TPHCM), tính đến ngày 13-8-2014 PVC Land nợ cả vốn lẫn lãi hơn 191 tỷ đồng, đành chấp nhận để "lãi chồng lãi". Đến nay, số lãi PVC Land phải trả cho Liên Việt lên tới 117,3 tỷ, trong đó đã thanh toán hơn 62,4 tỷ, còn thiếu gần 55 tỷ. Phía Liên Việt đã khởi kiện PVC Land để thu hồi các khoản nợ trên.
Nhiều khách hàng bức xúc, PVC Land ký HĐ bán nhiều căn hộ cho họ thu tiền rồi mang thế chấp NH, rồi sau đó lại ký HĐ bán tiếp cho nhiều người khác nữa, vừa lừa NH vừa gạt khách hàng. Theo luật sư Hồ Tấn Vinh (Đoàn luật sư TPHCM), sai phạm của CĐT đặc biệt nghiêm trọng, lộ rõ dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đã có nhiều đơn tố cáo PVC Land lừa đảo, đề nghị Cơ quan CSĐT Công an TPHCM làm rõ, xử lý nghiêm theo pháp luật. Bên cạnh đó, có khoảng 80 khách hàng đã ký thanh lý HĐ mua căn hộ tại DA với gần 42,3 tỷ đồng nhưng PVC Land chưa hoàn trả.
Tài liệu chứng cứ thu thập được cho thấy DA PetroVietnam Landmark có nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến một số đơn vị, cá nhân. Ngày 14-4-2014, sau khi chủ trì cuộc họp với CĐT và các sở ngành liên quan, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo: giao Giám đốc Sở Xây dựng (XD) chủ trì cùng Sở Tài nguyên - Môi trường (TN - MT), UBND Q2 và các cơ quan, ban ngành liên quan kiểm tra, hệ thống lại toàn bộ quá trình thẩm định DA, cả quy trình thẩm định hồ sơ để thông qua DA và năng lực, kinh nghiệm quản lý nhà nước của các sở, cơ quan liên quan trong trường hợp này cũng như trách nhiệm trong việc tham mưu, đề xuất xử lý hồ sơ. Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của các sở: XD, TN-MT, UBND Q2... trong việc thiếu kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện DA của CĐT.
Tại cuộc họp với hàng trăm khách hàng sáng 23-8-2014, đại diện CĐT tái khẳng định không còn khả năng tiếp tục DA. PVC Land đã phải "cầu cứu" đến Tập đoàn DK và Tổng công ty xây lắp DK nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm..
-
Dự án hơn 1.110 tỷ đồng của PetroVietnam Landmark: Giữa đường "gãy gánh"
Dự án (DA) gồm khối văn phòng và 4 block chung cư cao cấp với hơn 400 căn hộ (CH) đã được bán hết. Khách hàng nộp hơn 740 tỷ đồng nhưng chờ đợi mỏi mòn gần 4 năm vẫn chưa nhận được CH lý tưởng, trong khi chủ đầu tư (CĐT) hết hứa lại hẹn. Mãi đến sáng 23-8-2014, đại diện CĐT mới chịu thú nhận mất khả năng thực hiện do hết vốn.
-
Giám đốc phân lô bán hàng nghìn nền đất “ma" ở Phú Quốc
Công an Phú Quốc đã bắt giữ nhóm người phân lô, bán nền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
-
Bỏ 17 tỉ đồng mua nhà, nhưng khi nhận bàn giao chỉ biết “chết lặng”
Cách đây 2 năm, một người phụ nữ tên Zhang tại Trung Quốc đã chi 5 triệu nhân dân tệ (hơn 17 tỉ đồng) để mua một căn nhà ở Định Kiều, Hàng Châu. Tuy nhiên, cô đã “chết lặng” khi căn nhà quá khác xa quảng cáo....
-
Bất động sản và những cú lừa ngoạn mục
Thị trường bất động sản (BĐS) được xem là “mỏ vàng” cho các nhà đầu tư. Nhưng mặt trái của thị trường này là sự phức tạp, tính rủi ro cao và là miếng mồi béo bở cho những kẻ đầu cơ, trục lợi. Nhiều người chạy theo cơn sốt của thị trường BĐS, nhưng do...