CafeLand - Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nhận định trong nửa đầu năm 2019, thị trường bất động sản Hà Nội và TP.HCM mặc dù có sự sụt giảm về nguồn cung và lượng giao dịch nhưng tỷ lệ hấp thụ vẫn ở mức tương đối cao. Giá bất động sản nhà ở có chiều hướng tăng nhẹ. Thị trường vẫn duy trì ở mức ổn định nên không xuất hiện bong bóng bất động sản.

Ông Đính cho biết trong quý 2/2019, cả nước có khoảng 19.000 căn hộ chung cư, 10.000 sản phẩm nhà ở thấp tầng. Phần lớn nguồn cung đến từ các đại dự án của Vingroup. Một số dự án phân phối điển hình là Vinhomes Smart City, Vincity Ocean Park, Imperia Sky Garden, Sunshine City, Roman Plaza.

Nguồn cung căn hộ và nhà ở thấp tầng đều nhiều hơn trong quý 1, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM. Cụ thể, tại Hà Nội có hơn 7.300 căn hộ chung cư và hơn 400 sản phẩm thấp tầng. Tại TP.HCM có hơn 6.500 căn hộ chung cư và gần 700 sản phẩm thấp tầng được đưa ra thị trường.

Trong đó, chiếm lĩnh nguồn cung đưa ra thị trường tại Hà Nội trong quý 2 là phân khúc căn hộ trung cấp có giá từ 25-35 triệu đồng/m2 với hơn 5.700 căn hộ. Lượng giao dịch thành công nhiều nhất cũng ở phân khúc này với hơn 4.200 căn.

Tiếp đó là loại căn hộ bình dân có giá dưới 25 triệu đồng/m2. Trong số 1.000 căn được tung ra thị trường, giao dịch thành công lên đến 900 căn.

Tại TP.HCM, trong quý 2 có khoảng 4.500 căn hộ trung cấp mới được đưa ra thị trường, với giao dịch thành công khoảng 3.400 căn.

Ảnh minh hoạ.

Theo đánh giá của lãnh đạo VARS, điểm khác biệt giữa thị trường bất động sản TP.HCM và Hà Nội là số lượng căn hộ cao cấp đưa ra thị trường. Trong quý 2, TP.HCM chào bán khoảng1.700 căn, trong đó giao dịch thành công khoảng 1.300 căn. Trong khi tại Hà Nội, số lượng căn hộ cao cấp mới đưa ra thị trường chỉ khoảng 500 căn, với giao dịch thành công đạt 300 căn.

Điểm giống nhau của cả hai thị trường này thời gian qua là sự sụt giảm mạnh cả về nguồn cung và lượng giao dịch của thị trường.

“Một trong những nguyên nhân chính của sự sụt giảm là do chính sách giảm tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản”, ông Đính nhận định.

Phó chủ tịch VARS nhìn nhận, mặc dù thị trường bất động sản sáu tháng đầu năm nay có sự sụt giảm về lượng cung và lượng giao dịch so với cùng kỳ năm 2018, nhưng tỷ lệ hấp thụ vẫn ở mức tương đối cao. Điều này cho thấy lực cầu tại hai khu vực này vẫn rất mạnh. Giá bất động sản nhà ở có chiều hướng tăng nhẹ, không nóng sốt. Thị trường vẫn duy trì ở mức ổn định nên không xuất hiện bong bóng bất động sản.

Bên cạnh đó, một số vùng có thị trường bất động sản đã phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh, Bình Dương và Đồng Nai cũng ghi nhận sự giảm tốc về cả nguồn cung mới và lượng giao dịch bởi sự rà soát các dự án từ chính quyền địa phương.

Ở hầu hết các tỉnh thành khác trên cả nước đều ghi nhận sự phát triển của thị trường bất động sản và thu hút các nhà đầu tư bởi các thành phố lớn không còn nhiều cơ hội đầu tư. Chủ đạo vẫn là dòng sản phẩm đất nền, giá cả tăng trưởng ổn định. Trong sáu tháng đầu năm 2019 cũng ghi nhận sự xuất hiện của một số thị trường bất động sản mới như: Hòa Bình, Yên Bái, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận…

Nhận định về tình hình thị trường bất động sản trong sáu tháng cuối năm, VARS lạc quan cho rằng, với thị trường Hà Nội, nguồn cung bất động sản chào bán ra thị trường và lượng giao dịch dự kiến tăng mạnh. Giá bán không có nhiều biến động lớn (dao động quanh mức 5%), tỷ lệ hấp thụ tiếp tục duy trì ở mức cao.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.