CafeLand: Ông nhận định thế nào về biến động giá của phân khúc bất động sản cao cấp trong nửa đầu 2019?
Ông Dương Đức Hiển: Sáu tháng đầu năm nay, thị trường đón nhận nhiều “siêu dự án”, những dự án hạng sang cao cấp được đưa ra với mức giá khá cao. Thị trường đang bị sốc giá, nhưng tôi cho rằng trước khi nhìn đến những dự án siêu sang, siêu đắt thì chúng ta hãy nhìn đến giá trị đất của những căn nhà phố nằm trong cùng địa bàn, cùng con phố đó là bao nhiêu.
Hiện nay, quỹ đất ở các quận trung tâm TP.HCM hay Hà Nội đang khan hiếm. Nhà đầu tư muốn có đất thì phải mua lại của tư nhân, mà mua của tư nhân thì riêng số tiền đầu tư cho đất đã quá kinh khủng. Ngoài ra, chưa tính đến chi phí thiết kế dự án, thi công xây dựng, đưa vào triển khai,.. Đó là số tiền quá lớn, dẫn đến việc giá bán bị đội lên. Khi các sản phẩm được tung ra thị trường, nó không thể rẻ được.
Đây là vấn đề xảy ra ở rất nhiều nơi. Ở tất cả các quận trung tâm trên thế giới đều có mức giá cao. Chính vì thế, đó là cơ hội để chúng ta phát triển các đô thị vệ tinh quanh thành phố nhằm giảm tải mật độ giao thông, hạ tầng trong thành phố.
Đối với bất động sản nghỉ dưỡng, ông nhìn nhận thế nào về diễn biến của phân khúc này thời gian vừa qua?
Trước đây, nhiều nhà đầu tư nhìn bất động sản nghỉ dưỡng như một ngôi nhà thứ hai. Tuy nhiên, khái niệm đó đã dần thay đổi. Việc mua một ngôi nhà thứ hai ngày xưa khá xa xỉ, những dự án biệt thự ven biển có giá bán khá cao.
Thời gian gần đây, nếu để lựa chọn giữa việc mua một căn biệt thự biển với giá hơn 1 triệu USD, nhiều nhà đầu tư sẽ quay trở lại mua một căn biệt thự trong thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Nếu tôi mua căn biệt thự đó để ở thì giá trị như nhau nhưng khác biệt nhau một chút về điều kiện, môi trường sống. Còn nếu để kinh doanh thì đôi lúc căn biệt thự ven biển sẽ tốt hơn biệt thự nằm trong quần thể khu đô thị nào đó.
Ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội.
Chính vì thế, thời gian qua chúng ta nhìn thấy sự phát triển rõ rệt của bất động sản phái sinh trên thị trường. Bất động sản phái sinh không có sản phẩm nào xấu chỉ có nguồn cung trên thị trường vào từng thời điểm có nhiều hay ít quá không mà thôi.
Tất nhiên, cũng cần phải lưu ý đến các điều kiện khác. Đó là các chủ đầu tư có quan tâm dự án của họ không, có thực sự chăm chút, quản lý, vận hành để tạo ra nguồn doanh thu và trả đúng cam kết cho nhà đầu tư hay không.
Quay trở lại phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, theo ghi nhận của chúng tôi, thị trường đang có sự phân chia khá linh động về mức giá. Nhiều dự án condotel với mức giá hợp lý, dao động từ 700 triệu đến 1 tỉ đồng/căn đã xuất hiện trên thị trường.
Không khó để nhận ra một bài toán, nếu đầu tư một căn condotel trị giá 1 tỉ đồng tại khu vực phát triển mạnh về du lịch, thì vào mùa cao điểm, giá thuê đạt được có thể lên đến 2 triệu đồng/đêm.
Như vậy, trong một tháng, chủ sở hữu chỉ cần cho thuê 10 ngày là có thể thu về 20 triệu đồng. Trong khi ở các thành phố lớn, suất đầu tư lớn hơn nhiều lần, một căn hộ chung cư giá 2-3 tỉ đồng nhưng tiền thuê cả tháng chỉ thu về 11-15 triệu đồng.
Nhìn chung, tôi cho rằng bất động sản nghỉ dưỡng là một lựa chọn đầu tư đáng chú ý trong thời gian tới. Ngoài sự tính toán cụ thể trên thì bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam còn có lợi thế đường bờ biển hơn 3.000 km. Nguồn tài nguyên này chưa được khai thác xứng tầm.
Bên cạnh đó, du lịch được Nhà nước xác định là một trong những ngành mũi nhọn về phát triển kinh tế. Chính vì thế, thời gian qua, thị trường nghỉ dưỡng bùng nổ các sản phẩm nghỉ dưỡng phái sinh như condotel, hometel, shoptel...
Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư thứ cấp đang “mắc kẹt” ở thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Nhiều khách hàng cũng lỡ “sa chân” vào những dự án không hẹn ngày về, thậm chí lừa đảo. Theo ông, nhà đầu tư “rót tiền” vào phân khúc này cần lưu ý những gì?
Bất động sản du lịch là loại hình khá đặc thù. Do đó, nhà đầu tư khi đổ tiền vào phân khúc này cần chú trọng uy tín của chủ đầu tư. Yếu tố uy tín cần được xem xét ở các tiêu chí như chủ đầu tư là ai, đã có kinh nghiệm phát triển trên thị trường chưa, những sản phẩm đã phát triển trước đó đã thành công chưa… Ngoài ra, nhà đầu tư cần chú trọng đến cả đơn vị vận hành các sản phẩm nghỉ dưỡng.
Một điều quan trọng khác mà tất cả các nhà đầu tư bắt buộc phải quan tâm là tính pháp lý. Pháp lý ở đây không chỉ là pháp lý dự án mà còn là pháp lý của hợp đồng được ký kết giữa nhà đầu tư và đơn vị quản lý vận hành.
Phần lớn các nhà đầu tư nghỉ dưỡng đến từ Hà Nội và TP.HCM, trong khi sản phẩm lại ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… Về bản chất, “nước xa không cứu được lửa gần” nên nếu xảy ra vấn đề thì nhà đầu tư không thể tới ngay được.
Ở một số dự án, sau khi khách mua sản phẩm, đơn vị quản lý sẽ đứng ra ký hợp đồng thuê. Do đó, nhà đầu tư phải quan tâm đến từng chi tiết trong hợp đồng để đảm bảo những gì mà chủ đầu tư, phía đơn vị quản lý cam kết. Tức là những điều khoản được đưa ra trong hợp đồng phải được thực hiện đúng, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.
Xin cảm ơn ông!
-
Phát triển bất động sản nghỉ dưỡng: Đừng nhìn vào bề nổi
CafeLand - Bất động sản ven biển được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho các tập đoàn bất động sản trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển này, đâu đó vẫn còn một nỗi lo rất lớn, bởi nhiều người mới chỉ nhìn vào bề ngoài của sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng.
-
Bao giờ bất động sản nghỉ dưỡng mới “tan băng”?
Mặc dù nguồn cung ghi nhận có tăng nhẹ nhưng thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp. Lượng giao dịch tập trung ở những sản phẩm có giá bán dưới 10 tỷ đồng/căn.
-
Thanh Hoá tăng vốn, dời tiến độ cho một khu thương mại, nghỉ dưỡng
UBND tỉnh Thanh Hóa mới đây đã có quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Khu thương mại dịch vụ, nghỉ dưỡng Hoàng Tuấn tại phường Ninh Hải, thị xã Nghi Sơn.
-
Công suất phòng tại Nha Trang, Phú Quốc tăng vọt 40-50%
Bước sang năm 2024, thị trường lưu trú Việt Nam ghi nhận sự cải thiện công suất phòng rõ rệt qua từng tháng, nhờ đó góp phần cải thiện chỉ số doanh thu trên mỗi phòng sẵn có (RevPar), theo Savills Hotels....