CafeLand - Đó là cảnh báo của ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trước tình trạng phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản tại các tỉnh vùng ven thành phố Hà Nội, nơi xuất hiện những cơn sóng nhà đất thời gian gần đây.

Nhộn nhịp phía bắc

Báo cáo của VARS cho thấy, quý 3-2018 tiếp tục ghi nhận sự sự sôi động của thị trường bất động sản phía bắc gồm các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh… Nguyên nhân được cho là do giá đất ở Hà Nội đẩy lên mức cao.

Cụ thể ở Thái Nguyên, mặc dù không có dự án mới xuất hiện so với quý 2, nhưng các dự án đô thị được mở bán liên tục trong quý. Lượng giao dịch trong quý 3 đạt khoảng 828 sản phẩm, mức giá được duy trì không tăng so với quý 2, dao động từ 8-14 triệu đồng/m2.

Ngoài sản phẩm đất nền, tại Thái Nguyên hiện có 4 dự án chung cư đã triển khai trong quý 3 như: TBCo Riverside, Green Pearl, Tecco Complex và TNG. Các dự án này sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 2000 căn hộ với giá bán dự kiến 11-13 triệuđồng/m2.

Trong khi đó, tại Quảng Ninh, nguồn cung tiếp tục tăng cả về số lượng lẫn chủng loại, nổi bật là các dự án: Bervely Hill (160 căn), Green Bay Garden (833 căn). Lượng giao dịch chung cư trong quý khoảng 200 căn, đất nền 500 căn (chủ yếu là nhà liền kề, biệt thự shop house). Lượng giao dịch tập trung ở 2 thành phố Hạ Long và Móng Cái.

Trong quý 3, giá đất ở thành phố Hạ Long tăng khoảng 5%, ở một số vùng khác tăng khoảng 10%.

Tình hình bất động sản tại Vĩnh Phúc cũng ghi nhận sự sôi động trong quý 3. Tại thành phố Vĩnh Yên có 3 dự án đô thị với gần 2000 sản phẩm đất nền được chào bán. TP. Phúc Yên cũng có 3 dự án được chào bán trong quý (dự án Xuân Hòa, Xây Lắp Hà Nội, dự án TMS) cung cấp ra thị trường hơn 1000 nền đất. Lượng giao dịch cho các đợt mở bán trong quý đạt khoảng 200 nền. Giá giao dịch khoảng 13 triệu đồng/m2, tăng khoảng 5-8% so với quý trước.

Thị trường bất động sản các tỉnh phía Bắc ghi nhận sự sôi động thời gian gần đây.

Đối với tỉnh Hưng Yên, ngoài khu đô thị Ecopark cũng có một số dự án đất nền xuất hiện ở Phố Nối, thị trấn Bần, huyện Mỹ Hào được chào bán ra thị trường với khoảng 1000 sản phẩm. Giá bán tại các dự án này dao động từ 18-20 triệu đồng/m2, không tăng so với quý trước.

Khu vực ít ghi nhận sự phát triển của bất động sản như Lạng Sơn hiện cũng đang có những bước tiến mạnh mẽ với sự ra đời của hàng loạt các dự án mới. Cụ thể, tháng 8/2018 ghi nhận sự ra mắt dự án Vinpearl Lạng sơn, Vincom, nhà phố Shophouse. Các dự án đất nền tập trung đông ở khu trung tâm thành phố có giá dao động từ 7– 15 triệu đồng/m2.

VARS cho biết, hiện tại có 4 dự án đang triển khai tại Lạng Sơn. Chẳng hạn như dự án của Công ty cổ phần quốc tế Lạng Sơn, ngoài các chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp đã tập trung đầu tư phần hạ tầng và khu căn hộ thương mại, hoàn thành trên 80% giá trị xây lắp của khu nhà thương mại, với tổng giá trị khoảng 500 tỉ đồng.

Dự án Nam Hoàng Đồng I có quy mô 57 ha tại thành phố Lạng Sơn đang được triển khai xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật như san nền, đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống cấp điện hạ thế, chiếu sáng.

Trong khi đó tại Bắc Giang, hiện đang có 22 dự án đô thị được triển khai đồng bộ tại một số thành phố, thị xã, với lượng cung mới cho thị trường này khoảng 3.000 căn hộ và 600 căn đất nền.

Ông Nguyễn Văn Đính cho biết, lượng hấp thụ của 2 dòng sản phẩm này đều đạt khoảng 60% số lượng mở bán từng đợt, với lượng căn hộ đạt trên 1.000 giao dịch thành công, đất nền đạt trên 400 giao dịch thành công. Giá bán căn hộ có chất lượng tốt ở Bắc Giang dao động từ 12-18 triệu đồng/m2, đất nền có giá dao động từ 4,5-15 triệu đồng/m2.

Đối với thị trường Bắc Ninh, giới kinh doanh địa ốc đánh giá rằng đây là một trong những thị trường sôi động nhất khu vực phía Bắc khi trong quý 3 đã chứng kiến chào hàng sôi động từ 43 dự án (bao gồm cá nhà đất và căn hộ), tăng gấp đôi lượng dự án so với quý 1-2018. Trong đó phải kể đến các tên tuổi của làng phát triển bất động sản như: Vinhomes, HUD, FLC, Him Lam,…

“Thực tế này cho thấy, sẽ xuất hiện sự cạnh tranh mạnh tại thị trường bất động sản khu vực này do nguồn cung sản phẩm tăng rất mạnh. Chắc chắn những dự án có sản phẩm chất lượng tốt và giá bán thấp, tổng giá trị giao dịch nhỏ sẽ chiếm ưu thế”, ông Đính nhận xét.

Ghi nhận từ các sàn giao dịch bất động sản khu vực, VARS cho biết có khoảng 1.000 sản phẩm căn hộ và khoảng 500 sản phẩm đất nền được giao dịch thành công trong quý 3-2018.

Ông Đính cho biết, giá bất động sản được chào bán lần đầu tại các dự án trong quý 3 không thay đổi so với quý 2. Tuy nhiên các giao dịch thứ cấp (mua đi bán lại) cũng tăng khoảng 20%.

Rục rịch miền Trung

Cùng với thị trường phía bắc, khu vực miền Trung, bắt đầu từ Thanh Hoá, Nghệ An, hay những tỉnh trước giờ chưa nghe nói phát triển bất động sản như Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên nay cũng đã bắt đầu thu hút đầu tư với nhiều tên tuổi lớn tham gia vào các thị trường này.

Tuy nhiên, đại diện Hội môi giới cho rằng, phải có sự cảnh báo đối với một số địa phương còn “non trẻ”. “Nếu như có sự phát triển quá nhanh ở những thị trường này có thể dẫn đến thừa hàng hoá, nguồn cung, đến thời kỳ cần phân bổ sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Đính nhấn mạnh.

Lấy ví dụ từ thị trường 3 vùng lên đặc khu như Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong, ông Đính cho biết sau một loạt chính sách từ Chính phủ, từ sự sôi động náo nhiệt về giá đất, hiện tại các thị trường khu vực này đã quay trở lại trầm lắng.

“Vân Đồn không có bất cứ giao dịch nào vào quý 3, nhiều sản phẩm đã chào bán trước đây nhưng không bán được, không ai mua. Phú Quốc cũng vậy, những khu vực dân cư cũ trước đây có giao dịch mạnh nhất, lớn nhất thì bây giờ gần như trầm lắng. Duy chỉ có các dự án được đầu tư xây dựng đúng quy hoạch, được cấp phép đúng quy trình, thủ tục pháp lý vẫn có giao dịch nhưng không mạnh”, ông Đính nói.

Dự báo chung về thị trường bất động sản từ nay đến cuối 2018, ông Đính cho rằng, thị trường cả nước sẽ đón nhận nhiều lượng hàng hóa mới từ các dự án. Đồng thời lượng giao dịch cũng được dự báo sẽ tăng mạnh nhất trong năm và nhiều hơn so với quý 4-2017. Giá cả hàng hóa cũng sẽ không biến động nhiều, dự báo tăng so với quý 3-2018 khoảng từ 0,5% đến 1%.

  • Đất Hưng Yên dậy sóng

    Đất Hưng Yên dậy sóng

    CafeLand - Lâu nay, Hưng Yên không phải là khu vực được chú ý trên bản đồ địa ốc. Thế nhưng vài năm trở lại đây, quỹ đất Hà Nội ngày càng khan hiếm, giá đất bị đẩy lên cao khiến các nhà đầu tư dịch chuyển về các tỉnh lân cận tìm nguồn đất mới. Thực tế này đã giúp cho phân khúc đất nền tỉnh lẻ, trong đó có Hưng Yên trở nên sôi động.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.