Không có khách thuê, một tòa nhà đã tận dụng để mở quán ăn - Ảnh: Đình Sơn
Làm quán ăn, nhà trọ
Đi ngang một cao ốc nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) có thể dễ dàng thấy ngay toàn bộ mặt tiền nơi đây được sử dụng làm quán ăn, cà phê. Khoảng 8 năm trước, tòa nhà được một công ty thuộc Bưu điện TP.HCM thuê, tuy nhiên, khoảng hơn 1 năm nay khi khách hàng trả lại mặt bằng, nơi đây gần như đóng cửa vì không có khách thuê mới. Mặt tiền của tòa cao ốc được “tăng gia” làm quán ăn. Được biết, quán ăn này là của bảo vệ tòa nhà. Thay vì lấy tiền lương bảo vệ, người này đã đổi lại bằng cách mượn mặt bằng để mở quán ăn.
Tại quận Bình Thạnh, một tòa cao ốc 7 tầng nằm trên đường Ung Văn Khiêm cũng đã chuyển thành nhà trọ cho sinh viên, công chức thuê với giá thuê khoảng 3-3,5 triệu đồng/phòng. Để "chuyển đổi công năng", tòa nhà được ngăn thành gần 40 phòng diện tích từ 15 - 25 m2 và đã được cho thuê hết.
Theo Công ty Savills VN, thị trường mặt bằng bán lẻ từ đầu năm đến nay giá thuê trung bình giảm nhẹ khoảng 2% so với quý trước. Trong khi đó, trong thời gian tới sẽ có khoảng 1,3 triệu m2 diện tích bán lẻ mới sẽ gia nhập thị trường mà khu vực nội thành chiếm khoảng 57% tổng diện tích bán lẻ tương lai. Thị trường trung tâm thương mại có giá thuê bình quân tiếp tục giảm. Xu hướng giảm giá này do giá thuê thấp của các dự án mới. Ngoài ra, các dự án cũ giảm giá nhằm lấp đầy các vị trí cho thuê còn trống. |
Chủ một tòa nhà mặt tiền đường Cống Quỳnh (Q.1) cho biết đã đưa vào hoạt động từ đầu năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa tìm được khách thuê. Tòa nhà 11 tầng được chào giá thuê khoảng 500 triệu nhưng vẫn bị khách “chê” đắt. Ông này cho biết cũng đã có một số khách hàng liên hệ thuê một phần nhỏ diện tích nhưng ông từ chối bởi tỷ lệ thuê quá nhỏ không đủ bù đắp chi phí quản lý.
Cách đó không xa, tòa nhà văn phòng cho thuê trên đường Lê Lai (Q.1) cũng đã treo biển cho thuê hơn một năm nay nhưng vẫn “ế”. Mặt bằng phía trước đã được tận dụng đặt xe bán hủ tiếu gõ.
Dẫn chúng tôi đi qua những dãy phòng vẫn còn ngổn ngang bàn ghế, chủ một tòa nhà trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình), nói rằng đây là đồ đạc của nhiều công ty phá sản để lại... gán nợ.
Ông Trương An Dương, Trưởng bộ phận nghiên cứu Công ty Savills VN, cho biết chỉ trong 3 tháng đầu năm 2013 tại khu trung tâm đã có 3 tòa nhà hạng C, với 12.900 m2 đóng cửa hoặc chuyển mục đích sử dụng.
Hết ưu đãi là... đi
Bà Nguyễn Thị Nhị, Phó giám đốc Công ty đầu tư và phát triển Đông Hàn, chủ đầu tư tòa nhà Mirae Business Center (đường Tô Hiến Thành, Q.10), với tổng diện tích 16.000 m2, cho biết năm 2008 giá thuê khoảng 420.000 đồng/m2 (20 USD) nhưng không còn chỗ trống thì nay chỉ còn khoảng 8 USD/m2 cho năm đầu, năm sau 10 USD/m2. Nếu khách thuê tiềm năng sẽ miễn phí trang trí nội thất, miễn 2 tháng tiền thuê, cộng thêm nhiều ưu đãi... nhưng cũng chỉ lấp đầy được 75% diện tích.
Theo thông tin từ chủ một tòa nhà cho thuê hạng A trên đường Lê Đại Hành (Q.10), hiện giá thuê của tòa nhà đã giảm từ 25 USD/m2 xuống còn 13 USD/m2. Mức giá trên đã “kéo” nhiều khách hàng tìm đến tòa nhà này nhưng chỉ trong năm đầu. Đến năm sau, khách kéo nhau đi khi giá thuê tăng lên khoảng 18 USD/m2. Hết ưu đãi là đi được nhiều công ty thừa nhận bởi theo họ, đây cũng là cách tiết giảm chi phí, nhất là trong bối cảnh ưu đãi dễ kiếm như hiện nay.
Ông Huỳnh Quang Việt, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty G-Office chuyên cho thuê văn phòng ảo tại TP.HCM, cho biết đang có xu hướng chuyển văn phòng sau khi hết ưu đãi. Theo dự báo, giá thuê văn phòng đang điều chỉnh xuống nên khách hàng có xu hướng thuê ngắn hạn bởi kỳ vọng sau một năm giá xuống họ sẽ có được giá thuê tốt hơn. Nếu không thương lượng được giá tốt sẽ chuyển qua tòa nhà khác.
Nhiều dự án bất động sản chờ chuyển nhượng Ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, cho biết nhà đầu tư trong và ngoài nước đang có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tham gia vào thị trường bất động sản khi có thêm ít nhất 7 dự án nữa đang rao bán, tìm kiếm nhà đầu tư mới. Trong đó, khách sạn 5 sao Mövenpick Sài Gòn chào bán 70% cổ phần, dự án khu dân cư Quốc tế với 31.000 m2 (Q.9) chào bán toàn bộ... Ngoài ra còn có các dự án như khu dân cư Hiệp Bình Phước, dự án 9B4-9B8 tại huyện Bình Chánh và tòa nhà văn phòng Capital Tower (Hà Nội) cũng đang nhờ tìm nhà đầu tư mới. Trước đó đã có 4 dự án, trong đó có khách sạn Legend Saigon trên đường Tôn Đức Thắng vừa được Tập đoàn Lotte mua lại và đổi tên khách sạn thành Lotte Legend Saigon. Hàng loạt nhà đầu tư khác cũng đang tìm kiếm các đối tác sang nhượng lại toàn bộ hoặc một phần dự án. Như Công ty PPI đang tìm kiếm đối tác bán hoặc hợp tác đầu tư vào khu đất tại Q.Thủ Đức, Công ty Vạn Phát Hưng cũng rao bán hàng loạt dự án như: bán khu đất rộng 1.200 m2 (Q.7), chuyển nhượng gần 45.000 m2 đất ở Q.9, chuyển nhượng một phần (khoảng 20 ha) tại dự án Nhơn Đức (Nhà Bè)... |
-
Giá thuê văn phòng TP.HCM dự báo tăng mạnh trong năm 2025
Năm 2025, thị trường văn phòng TP.HCM ghi nhận thêm 165.000 m2 nguồn cung mới từ hai dự án ở cả khu vực trung tâm và ngoài trung tâm. Tăng trưởng giá thuê dự báo tăng mạnh 5% trong năm 2025.
-
Thị trường văn phòng Việt Nam hưởng lợi từ tăng trưởng offshoring
Việt Nam được đánh giá là thị trường gia công tốt thứ 7 toàn cầu. Theo Statista, doanh thu thị trường offshoring của nước ta dự kiến đạt 0,84 tỷ USD với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong giai đoạn 2024 – 2028 là 8,78%....
-
Thị trường văn phòng Việt đang bắt kịp với văn phòng quốc tế như thế nào?
Tiệm cận với các xu hướng quốc tế là điều phổ biến và tất yếu đối với các dự án bất động sản Việt Nam, đặc biệt là phân khúc văn phòng hạng A.