05/12/2012 1:07 PM
Nếu tài sản có nhiều chủ sở hữu thì nhất thiết phải yêu cầu tất cả các chủ sở hữu làm văn bản đồng ý bán để tránh giá cả hoặc tranh chấp mà một trong các đồng sở hữu chủ “lật lọng” sau này.

Lừa đảo trong mua bán hiện nay nhiều đến nỗi khi nói đến rủi ro thì nhiều người nghĩ ngay đến người mua nhà, đất. Thế nhưng, trên thực tế, không chỉ người mua, mà không ít trường hợp, người bán cũng có thể trở thành nạn nhân khi chưa nhận đủ tiền đã vội sang tên chính chủ cho bên mua.

Tin vào đồng nghiệp cũ, năm 2009, ông Tấn, chủ một doanh nghiệp có tiếng ở Quảng Ninh đã nhượng lại cho bà P khách sạn A trên diện tích đất hơn 5.000m2 với giá 20 tỷ đồng, thanh toán làm 3 lần. Theo thỏa thuận, khi nào bà P thanh toán đủ 10 tỷ đồng, thì ông Tấn sẽ làm thủ tục sang tên “sổ đỏ” chính chủ cho bà P, số tiền 10 tỷ đồng còn lại sẽ phải thanh toán hết trong vòng 5 tháng sau.

Mua, bán nhà đất cần thận trọng để tránh thiệt hại.

Thế nhưng, hết hạn 5 tháng như thỏa thuận, bà P không trả được và đến nay, qua nhiều lần đòi, bà P khất nợ rồi chây ỳ, không thanh toán được, thậm chí do kinh doanh thua lỗ nên không còn khả năng trả nợ. Khách sạn A đến nay cũng đóng cửa, bỏ hoang cho cỏ mọc. Đáng nói, vì thỏa thuận chỉ thanh toán ½ là bên bán sẽ sang tên cho bên mua, nên sau khi được ông Tấn sang tên, bà P đã đem “sổ đỏ” nhà đất đi thế chấp vay ngân hàng. Hiện, tuy còn giấy nhận nợ, nhưng “sổ đỏ” đã trao, mà tiền mới nhận một nửa nên ông Tấn lo ngại sẽ “yếu thế” khi kiện ra Tòa đòi nợ.

Và đáng nói là, dẫu có “chắc chắn” Tòa sẽ tuyên bà P phải tiếp tục trả nợ cho ông Tấn, thì cũng chưa biết đến bao giờ ông Tấn mới đòi được nợ, vì nhà, đất nói trên cũng đã bị thế chấp, nên không thể “bắt nợ” bằng cách lấy một phần, như ông Tấn mong muốn.

Những trường hợp như ông Tấn không phải ít. Phần lớn các “nạn nhân” đều vì quá tin tưởng người mua, tiền chưa trao xong, mà “cháo đã múc”, chỉ thanh toán phần nào là giúp bên mua làm thủ tục sang tên chính chủ, đến khi bên mua chây ỳ hoặc làm ăn thua lỗ, không còn khả năng thanh toán thì không đòi được. Theo ông Tấn tính toán, số tiền 10 tỷ đồng, nếu cho vay, hoặc kinh doanh từ năm 2009 đến nay thì ông đã có thể kiếm được ít nhất vài tỷ đồng nữa, trong khi đó, theo của pháp luật, ông chỉ có thể “đòi thêm” bà P số lãi suất “khiêm tốn” theo qui định của Ngân hàng Nhà nước, tính từ thời điểm chậm trả nợ đến khi thanh toán xong.

Từ trường hợp của ông Tấn cho thấy, để tránh bị thiệt hại, người bán nên nhận khoảng 80% giá trị tài sản mình bán ngay khi ký hợp đồng mua bán nhà đất và bàn giao nhà. Và cũng chỉ khi nhận thanh toán đủ 80% giá trị tài sản mới sang tên chính chủ, bàn giao giấy tờ cho bên mua. Để tránh rắc rối, trong hợp đồng mua bán nên ghi rõ mức phạt nếu bên mua chậm trả số tiền còn lại. Ngoài ra, có thể ràng buộc nghĩa vụ thanh toán của người mua bằng cách buộc họ mở tài khoản ở ngân hàng, sau khi người mua sang tên xong thì người bán có thể yêu cầu ngân hàng cho nhận số tiền còn lại ở tài khoản đó.

Còn với người mua, phải đặc biệt chú ý nếu mua nhà của người được ủy quyền (vì rất có thể bị vướng vào các quan hệ nợ nần mà các bên ủy quyền che đậy bằng hợp đồng ủy quyền). Người mua nên đi tìm hiểu cặn kẽ căn nhà, gặp gỡ người ủy quyền, nếu thấy việc ủy quyền “có vấn đề” thì không nên mua. Hiện, không ít trường hợp lừa đảo bán nhà đất “ảo”, nên người mua phải yêu cầu bên bán cho xem bản chính “sổ đỏ”, “sổ hồng” và xin bản photo rồi mang bản photo đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, UBND cấp phường tìm hiểu thông tin, tránh tình trạng giấy tờ giả, hoặc “người giả” đi công chứng, hoặc mua phải nhà, đất đã bị kê biên để thi hành án, hoặc đang thế chấp, bảo lãnh, hoặc vướng quy hoạch…

Nếu tài sản có nhiều chủ sở hữu thì nhất thiết phải yêu cầu tất cả các chủ sở hữu làm văn bản đồng ý bán để tránh giá cả hoặc tranh chấp mà một trong các đồng sở hữu chủ “lật lọng” sau này. Đồng thời, để tránh rắc rối với chuyện tiền nong, người mua nên thanh toán qua tài khoản tại ngân hàng, còn nếu thanh toán trực tiếp thì nhất thiết phải có người làm chứng. Việc tất toán chỉ nên thực hiện khi được giao nhà thực tế và nhận được giấy chứng nhận chủ quyền. Ngoài ra, người mua cũng lưu ý không nên tiếc tiền lệ phí, phí công chứng, sang tên trước bạ mà ghi số tiền mua bán thực tế và ghi trên hợp đồng công chứng khác nhau, vì nếu rủi ro có tranh chấp dẫn đến phải hủy hợp đồng, thì Tòa án chỉ yêu cầu bên bán trả lại cho người mua số tiền đã thanh toán theo hợp đồng công chứng.

  • Thủ tục lập vi bằng khi mua bán đất

    Thủ tục lập vi bằng khi mua bán đất

    Câu hỏi của bạn đọc CafeLand có nội dung:<br/br> Tôi có vấn đề thắc mắc mong được giải đáp. Tôi muốn mua một mảnh đất mà chưa có sổ đỏ. Khi giao nhận tiền, giấy tờ và làm hợp đồng thì tôi có thể ra phường nhờ làm thủ tục và công chứng hay tôi có thể làm vi bằng? Thủ tục và chi phí như thế nào? Xin cảm ơn.

Theo Phương Thảo (PLXH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.