Một chi tiết nhỏ nhìn từ hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam ủng hộ người dân Nhật Bản vượt qua khó khăn sau thảm họa…

Số tiền Eximbank ủng hộ là bằng đồng Yên thay vì một đồng tiền khác - Ảnh: Reuters.

Những ngày này, cả thế giới đang hướng về Nhật Bản với sự chia sẻ sâu sắc với người dân nước này sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3 vừa qua.

Chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang nối vòng tay lớn với tinh thần tương thân tương ái, góp sức hỗ trợ nhân dân Nhật Bản khắc phục khó khăn từ thảm họa.

Ngay sau khi thảm họa xảy ra, Chính phủ Việt Nam đã thông qua khoản hỗ trợ 200.000 USD; các tập đoàn, tổng công ty lớn cũng nhanh chóng chia sẻ như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) ủng hộ 100.000 USD, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Công đoàn Bưu điện Việt Nam ủng hộ 10.000 USD, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ủng hộ 100.000 USD… Nhiều tổ chức, cá nhân khác cũng đang chia sẻ những tấm lòng như thế.

Ngày 18/3, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đã gửi tới nhân dân Nhật Bản hơn 23 triệu Yên Nhật (JPY). Không rõ ngẫu nhiên hay hữu ý, số tiền Eximbank ủng hộ là bằng đồng Yên.

Đành rằng, nghĩa cử là không tính toán, nhưng qua trường hợp này, một câu hỏi nhỏ vẫn xuất hiện: tại sao cứ là đồng USD như một số khoản ủng hộ nói trên, mà không phải là đồng tiền khác?

Có thể, lý do mà Eximbank lựa chọn đồng Yên là bởi người dân Nhật hàng ngày vẫn sử dụng nó để tiêu dùng. Đó là công cụ thanh toán trực tiếp trong giao dịch của họ, thay vì đi vòng qua đồng tiền thứ ba.

Việc lựa chọn đồng USD trong trường hợp này, có vô tình đi theo nếp lệ thuộc vào đồng bạc xanh trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, hay vẫn được gọi là một phần của tình trạng Đô la hóa?

Rộng hơn, lâu nay hoạt động nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn vẫn sử dụng đồng USD trong thanh toán; hay cả chuyện một bà mẹ tất tả “săn” USD ở chợ Hà Trung để gửi con du học ở Singapore, dù bà có thể mua đồng Đô la Singapore tại ngân hàng…

Dĩ nhiên, ở đây có sự ràng buộc các điều khoản quy định đồng tiền thanh toán trong hợp đồng của doanh nghiệp, nhưng vẫn có chỗ đứng của thói quen - một yếu tố khó đong đếm cấu thành sự lệ thuộc vào đồng USD, từ đó tạo thêm áp lực không cần thiết đối với cầu USD trên thị trường, và phía sau là sự phức tạp của vấn đề tỷ giá.

Chiều ngày 18/3, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thay mặt cho cán bộ, công chức lao động của ngành đã đến Đại sứ quán Nhật Bản trao số tiền ủng hộ 150 triệu VND. Cũng như nhiều sự chia sẻ khác, đó là tiền Việt Nam, không nhất thiết là đồng USD.

Có thể những khoản hỗ trợ bằng VND đó sẽ được chuyển đổi sang một ngoại tệ khác trong quá trình sử dụng, nhưng một giả thiết đặt ra: người dân Nhật Bản hoàn toàn có thể sử dụng số tiền bằng VND đó để mua gạo, hàng Việt Nam mà không phải chuyển đổi.

Tại một hội nghị cuối năm 2010, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cũng đề cập đến một hướng đi, rằng trong thời gian tới sẽ nghiên cứu để thí điểm nhập khẩu một số mặt hàng bằng các ngoại tệ như Bảng Anh, Yên Nhật, Euro, thậm chí là Bath Thái…, thay vì lệ thuộc vào đồng USD.

Cần nhắc lại một lần nữa, trong câu chuyện này, việc sử dụng bằng đồng tiền nào hoàn toàn không quan trọng, mà là tấm lòng sẻ chia. Nhưng, một chi tiết nhỏ đó nên chăng cần “để ý” ngay từ ý thức chống Đô la hóa, hay đơn giản chỉ là sự bắt đầu thay đổi thói quen sử dụng đồng USD trong nền kinh tế?
Cafeland.vn - Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland