14/05/2025 2:57 PM
Chính phủ vừa chốt thời điểm khởi công tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trong tháng 12/2025, sau khi ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP để triển khai Nghị quyết số 187/2025/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án này.

Tuyến đường sắt hơn 8 tỷ USD nối ba vùng kinh tế trọng điểm sẽ khởi công trong tháng 12- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Tuyến đường sắt có tổng chiều dài hơn 403 km, đi qua 9 tỉnh, thành phố, dự án kết nối điểm đầu tại ga Lào Cai (nối ga Hà Khẩu Bắc của Trung Quốc) và điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện (Hải Phòng). Dự án được kỳ vọng sẽ trở thành trục giao thông huyết mạch, góp phần thúc đẩy liên kết vùng và mở rộng hành lang kinh tế hai chiều giữa Việt Nam – Trung Quốc.

Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 194.929 tỷ đồng (hơn 8 tỷ USD), tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn này sẽ được triển khai với nhiều chính sách đặc thù tương tự như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản, được Chính phủ yêu cầu khẩn trương lập, trình và tổ chức phê duyệt dự án; đồng thời phối hợp với các địa phương và bộ ngành liên quan để bảo đảm tiến độ cam kết. Thủ tướng cũng sẽ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng thực hiện nhiều thẩm quyền của người quyết định đầu tư, như giao chủ đầu tư, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chấp thuận thiết kế cơ bản (hướng tuyến, nhà ga…) nhằm đẩy nhanh thủ tục cắm mốc, giải phóng mặt bằng.

Các địa phương nơi dự án đi qua sẽ chủ trì việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên cơ sở từng phần do chủ đầu tư bàn giao; đồng thời có thể ứng vốn ngân sách địa phương để triển khai kịp tiến độ. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có quyền quyết định đầu tư hoặc phân cấp cho đơn vị trực thuộc thực hiện các dự án liên quan như di dời hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, viễn thông…) mà không cần lập chủ trương đầu tư mới.

Ngay trong tháng 5 này, dự án phải hoàn tất phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật, chỉ định nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật và kỹ thuật tổng thể. Việc khảo sát, lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật (bao gồm dự toán) phải bắt đầu từ tháng 6, hoàn thành một số gói thầu trong tháng 9. Song song, Việt Nam sẽ phối hợp Trung Quốc đàm phán, ký kết hiệp định xây dựng cầu chung qua biên giới trong tháng 7 và phấn đấu hoàn tất báo cáo nghiên cứu khả thi trong cùng tháng. Báo cáo này sẽ được Hội đồng thẩm định Nhà nước trình Thủ tướng phê duyệt vào tháng 8, để kịp chỉ định thầu, ký hợp đồng thi công và khởi công trong tháng 12/2025.

Dự án cũng gắn với mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD). Các tỉnh, thành được yêu cầu chủ động rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng phụ cận các nhà ga, lập và phê duyệt các dự án khai thác quỹ đất quanh ga đường sắt. Nguồn vốn ngân sách địa phương sẽ được sử dụng để đầu tư tái định cư và phát triển hạ tầng vùng lân cận, đi đôi với đấu giá đất nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách và tái đầu tư cho phát triển đô thị.

Chính phủ đặt mục tiêu hoàn tất toàn bộ dự án, bao gồm cả xây dựng, lắp đặt thiết bị, chậm nhất vào năm 2030. Với quy mô lớn và tầm ảnh hưởng sâu rộng, tuyến đường sắt này không chỉ là công trình giao thông mà còn là đòn bẩy chiến lược thúc đẩy tăng trưởng vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ và hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.