Tài sản “bốc hơi” 3.700 tỷ đồng theo đà giảm cổ phiếu HPG
Trong phiên giao dịch ngày 23/8, cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) tiếp tục ghi nhận mức giảm 500 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm 1,91%. Đây là phiên giảm thứ 4 liên tiếp của mã cổ phiếu này kể từ sau phiên lao dốc 55,49 điểm của VN-Index ngày 18/8 vừa qua.
Như vậy sau 4 phiên giảm liên tiếp, cổ phiếu Hòa Phát đã giảm 2.450 đồng/cổ phiếu, xuống còn 25.650 đồng/cổ phiếu. Mức giảm này không chỉ khiến các cổ đông thất vọng mà còn khiến khối tài sản của tỷ phú Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát giảm mạnh.
Tài sản của tỷ phú Trần Đình long “bốc hơi” 3.700 tỷ đồng theo đà giảm cổ phiếu HPG
Hiện ông Trần Đình Long đang sở hữu hơn 1,5 tỷ cổ phiếu HPG, chiếm tỷ lệ 26% vốn điều lệ Hòa Phát. Theo đó, giá trị tài sản của vị tỷ phú này giảm khoảng 758 tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày 23/8. Sau 4 phiên giao dịch gần nhất, khối tài sản của ông Long giảm hơn 3.700 tỷ đồng, xuống còn 38.893 tỷ đồng.
Theo thống kê của tạp chí Forbes, tính đến ngày 23/8 (theo giờ Việt Nam), giá trị tài sản ròng của Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long là 2,1 tỷ USD, xếp thứ 1.410 thế giới và thứ 2 trong top 6 tỷ phú USD Việt Nam.
Với khối tài sản này, tỷ phú Trần Đình Long vẫn đang là người giàu thứ hai sàn chứng khoán Việt Nam sau Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng. Trong thời gian gần đây, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tăng mạnh sau khi cổ phiếu VFS của hãng xe điện VinFast được niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ ngày 15/8 vừa qua.
Hồi đầu năm 2022, tạp chí Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới với sự góp mặt của 7 tỷ phú đến từ Việt Nam. Vào thời điểm đó, tổng tài sản của cả 7 tỷ phú được Forbes ước tính khoảng 21,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, trước hàng loạt biến cố và rung lắc trên thị trường chứng khoán, giá trị tài sản của các tỷ phú này từng bốc hơi 9,2 tỷ USD trong năm 2022. Đáng chú ý, tài sản ròng của tỷ phú Trần Đình Long thậm chí rơi xuống dưới ngưỡng 1 tỷ USD hồi đầu tháng 11/2022. Trước đó, vị Chủ tịch Hòa Phát từng nắm giữ 3,2 tỷ USD và là người giàu thứ hai trong danh sách 7 tỷ phú USD tại Việt Nam của Forbes.
Biến động tài sản của ông Trần Đình Long chủ yếu gắn liền với giá trị cổ phiếu HPG trên thị trường chứng khoán. Giai đoạn ngày 11/3 đến 10/11/2022, cổ phiếu này giảm từ 47.600 đồng/cổ phiếu xuống còn 12.100 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm hơn 75%.
Hòa Phát khó cán đích lợi nhuận năm 2023
Không lâu sau khi Hòa Phát công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 với lợi nhuận 1.448 tỷ đồng, nhiều đơn vị phân tích đã đưa ra dự báo kết quả lợi nhuận năm 2023 của nhà sản xuất thép này.
Giá bán giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ hồi phục chậm khiến kết quả kinh doanh của Hòa Phát tiếp tục tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái
Cụ thể, Chứng khoán MBS dự báo lợi nhuận ròng của nhà sản xuất thép này sẽ được cải thiện đáng kể, ước đạt gần 5.600 tỷ đồng trong năm 2023 nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh và tỷ giá ổn định.
Theo MBS, nhu cầu thị trường suy yếu khiến tình hình tiêu thụ sắt thép các loại của Hòa Phát cũng hồi phục khá chậm. Cụ thể, sản lượng bán hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC) và phôi thép trong tháng 7/2023 đạt 555.000 tấn, dù tăng 3% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng vẫn chưa bằng mức sản lượng bán tháng 12 năm ngoái.
Tính chung 7 tháng đầu năm nay, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường 1,9 triệu tấn thép xây dựng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước 1,5 triệu tấn thép HRC, giảm 15% so với sản lượng bán hàng 7 tháng đầu năm ngoái.
Giá bán giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ hồi phục chậm khiến kết quả kinh doanh của công ty tiếp tục tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý 2/2023, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 29.800 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận mặc dù gấp 3,8 lần quý đầu năm, đạt 1.448 tỷ đồng nhưng vẫn giảm 64% so với cùng kỳ năm 2022.
Từ mức lãi khủng 10.351 tỷ đồng đạt được trong quý 3/2021, kết quả kinh doanh của Hòa Phát dần dần đi xuống khi nhu cầu thị trường thép lao dốc. Tới quý 3 và 4/2022, lỗ lần lượt 1.786 tỷ và gần 2.000 tỷ đồng.
Sau nửa đầu năm, Hòa Phát ghi nhận 56.665 tỷ đồng doanh thu, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế hơn 1.830 tỷ đồng, giảm 85%. Ngoài mảng thép đang gặp khó thì các lĩnh vực khác như bất động sản, nông nghiệp, điện máy gia dụng vẫn đang hoạt động tích cực.
Với dự báo giá thép sẽ duy trì ở nền thấp, MBS dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát trong năm nay có thể đạt lần lượt 117.900 tỷ đồng và 5.590 tỷ đồng, kém xa muc tiêu mà doanh nghiệp này đề ra hồi đầu năm là 150.000 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 8.000 tỷ đồng.
-
Doanh nghiệp của vị tỷ phú vừa trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán đang kinh doanh ra sao?
Thị trường gần đây xôn xao thông tin ông Trần Đình Long trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam khi cổ phiếu HPG có chuỗi tăng tốt. Vậy tình hình kinh doanh của Hòa Phát hiện đang ra sao?
-
Tỷ phú Trần Đình Long “soán ngôi” Chủ tịch Vingroup, trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán
Tính theo giá trị cổ phiếu đang nắm giữ, tài sản của Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long đang dẫn đầu các tỷ phú trên sàn chứng khoán với hơn 38.000 tỷ đồng.
-
Hãng thép 50 năm tuổi tại miền Nam huy động thêm vốn từ cổ đông để xây nhà máy tại Đồng Nai
Doanh nghiệp này sẽ dùng toàn bộ nguồn tiền mới để đầu tư dự án sản xuất thép cán xây dựng, bổ sung công đoạn luyện phôi thép công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 - Nhơn Phú, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai....
-
Một “ông lớn” ngành thép bất ngờ được dự báo lợi nhuận tăng tới 1.600% trong năm 2024
Năm 2024, doanh nghiệp này được dự báo lợi nhuận tăng cao tới 1.600% nhờ mức nền thấp năm ngoái, đạt mức 510 tỷ đồng.
-
Các nhà sản xuất thép lớn trong nước có thể giành thêm thị phần nhờ vụ điều tra bán phá giá thép Trung Quốc
Năm 2025, MBS cho rằng thị phần của các doanh nghiệp thép lớn trong nước có thể cải thiện nhờ sự đóng góp của thuế. chống bán phá giá.