CafeLand - Trước đề xuất nhà cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội chỉ được bán cho người có hộ khẩu thường trú tại phường, quận có dự án và tốt nhất là dành phục vụ di dân phố cổ, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội,cho rằng Hà Nội muốn giảm gia tăng dân số cơ học khu vực nội đô, phải đồng bộ các giải pháp thực hiện, nhưng không nên lấy hộ khẩu làm tiêu chí để bán nhà.

Theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, giảm gia tăng dân số cơ học ở trong nội đô là cần thiết nhưng cần phân biệt khu vực nội đô Hà Nội lịch sử và nội đô mở rộng. Trên hết, việc đưa ra đề xuất phải dựa trên sự liên quan với các quy định về quyền của con người, trong đó có quyền được chọn nơi ở thích hợp.

Một số chuyên gia khác cho rằng, đề xuất chỉ bán nhà trong các tòa nhà cao tầng ở khu vực nội đô cho người có hộ khẩu thường trú tại phường, quận có dự án sẽ vi phạm quyền tự do cư trú của người dân đã được quy định trong Luật Cư trú.

“Do đó, việc bán nhà không nên lấy hộ khẩu làm tiêu chí mà phải nghiên cứu đồng bộ cả hệ thống tiêu chí và các giải pháp để thực hiện”, ông Nghiêm nhấn mạnh. Ông lấy ví dụ, ở trong khu vực nội đô có những đối tượng được ưu đãi về nhà ở thì cũng phải xem xét để phù hợp với quy định của pháp luật.

"Không nên lấy hộ khẩu làm tiêu chí bán nhà".

Ông cũng cho rằng, Hà Nội muốn giảm gia tăng dân số cơ học cũng không nên thực hiện phương án “cưỡng bức” di dân, đặc biệt trong khu phố cổ. Mặt khác, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ra khỏi thành phố thì người dân sẽ tự nguyện di dời. Chính sách ưu đãi có thể là ưu đãi về giá đất, về quyền lựa chọn khu vực thích hợp với người dân. Khu vực di dời cũng không chỉ giải quyết về chỗ ở mà còn phải để tâm đến việc tạo nguồn thu nhập cho người dân.

Theo ông, việc quy hoạch khu phố cổ đã được đặt ra từ năm 1996, đến 2001 nhưng đến nay việc thực hiện chưa được như kỳ vọng bởi khu phố cổ dù chật chội nhưng giúp người dân có được nguồn thu nhập cao, ổn định. “Do đó, tôi cho rằng, để người dân có thể tự nguyện di dời thì nơi ở mới phải tạo ra thu nhập, tạo điều kiện để người dân được kinh doanh buôn bán, nâng cao chất lượng sống, đảm bảo hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông”, ông Nghiêm đề xuất.

Cũng theo ông, đề xuất không bán nhà cao tầng trong khu vực nội đô cho người ngoại tỉnh đã được Hà Nội nhiều lần đưa ra, nhiều dự án cũng đặt vấn đề chỉ bán cho người có hộ khẩu ở nội đô.

“Tuy nhiên, Luật Nhà ở hiện nay quy định, khi người dân có quyền sở hữu nhà ở thì cũng có quyền chuyển nhượng. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội có hẳn một nghị quyết về phân bố dân cư nhưng nghị quyết đó phải đảm bảo phù hợp với quy định chung. Trường hợp đặc thù thì phải có ý kiến của nhiều ngành chứ không chỉ ý kiến của những người trong ngành xây dựng”, ông Nghiêm cho hay.

Đề xuất nhà cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội không bán cho người ngoại tỉnh đang vấp phải nhiều tranh cãi.

Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, vấn đề cần đặt ra ở đây là trong nội đô có xây dựng nhà cao tầng hay không, việc này cũng phải xem xét cùng với các điều kiện khác. Ví dụ, tổ chức không gian ở Hà Nội hiện nay như thế nào, nội đô phải phân ra các khu vực bảo tồn, khu phố cổ, Hồ Gươm.. phải hạn chế. Còn đối với các khu vực khác như ven Vành đai 2, có thể xem xét vị trí thích hợp, như thế nào là thích hợp thì cần thể hiện trong quy hoạch.

Được biết, Khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội được chia thành 7 khu vực để kiểm soát và quản lý tầng cao, chiều cao xây dựng công trình, gồm khu trung tâm chính trị Ba Đình; khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long; khu phố cổ; khu phố cũ; khu vực Hồ Gươm và phụ cận; khu vực Hồ Tây và phụ cận; khu vực hạn chế phát triển.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.