Giá tăng gần 800% trong vòng 8 năm
Một trong những tình hình kinh tế vĩ mô đáng lo ngại nhất tại Trung Quốc trong một vài năm gần đây là lạm phát vẫn đang gia tăng chóng mặt và chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân thường tại Trung Quốc, khiến người dân lo lắng và xã hội bất an, thành quả của tăng trưởng kinh tế tại nước này vì thế mà bị hạn chế rất nhiều.
Tình hình căng thẳng thêm tồi tệ khi giá bất động sản tại Trung Quốc không ngừng leo thang bất chấp các biện pháp quyết liệt được chính phủ nước này liên tục ban hành nhằm kiềm chế tăng giá nhà đất.
Theo công ty Soufun Holdings Ltd., giá nhà tại Bắc Kinh đã tăng tới 28% vào tháng 12/2010 so với năm trước đó, trong khi giá tại Thượng Hải cũng tăng 26%, cao hơn rất nhiều tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia (9,7% trong quý I/2011). Ngay cả ở các thành phố hạng hai như Thành Đô, ở miền Trung Trung Quốc, giá một căn nhà cũng gấp khoảng 25 lần thu nhập bình quân mỗi năm của người dân.
Theo một nghiên cứu mới nhất giá nhà đất tại Trung Quốc của các tác giả thuộc Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER), giá nhà ở toàn quốc tại Trung Quốc đã tăng 140% kể từ năm 2007 và Bắc Kinh là một trong những điểm tăng giá nhà đất nóng nhất tại nước này: giá đất ở tại Bắc Kinh đã tăng 788% trong vòng 8 năm (kể từ 2003).
Theo nghiên cứu mới nhất của Viện khoa học xã hội Trung Quốc tại 35 thành phố lớn thì giá nhà mới xây dựng ở các thành phố được khảo sát cao hơn giá trị thực tới 50%. Giá nhà ở Thượng Hải đắt hơn 37%, ở Bắc Kinh là 50%, ở Hàng Châu là 66% và cá biệt ở Phúc Châu đắt hơn tới 70%.
Sự bùng phát quá mức hiện tại của Trung Quốc bắt đầu từ đầu năm 2009, trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi Bắc Kinh thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 586 tỷ USD và việc các ngân hàng quốc doanh cho vay kỷ lục. Chính sách tiền tệ nới lỏng và những khoản đầu tư lớn trong các dự án cấp địa phương đã giúp hồi phục tăng trưởng. Nhưng chính những chính sách này đã gây ra tác động ngược làm tăng giá nhà đất và đưa lạm phát lên mức cao kỷ lục vào đầu năm nay tại Trung Quốc.
Cũng từ năm 2009, đã có những lo lắng về việc giá bất động sản tăng quá nhanh, quá mạnh, ngân hàng cho vay tràn lan và những món nợ khổng lồ của các cấp chính quyền địa phương. Một trong các nỗi lo là bong bóng cuối cùng sẽ vỡ, từ đó dẫn tới một làn sóng nợ khó đòi ở các ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc.
Điều này sẽ dẫn tới một bi kịch khủng hoảng kinh tế tại Trung Quốc giống như đã xảy ra tại Mỹ trong những năm cuối của thập niên trước của thế kỷ 21, ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ nền kinh tế vĩ mô Trung Quốc, mà còn đe dọa khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới vì nước này là động lực mạnh nhất giúp cho kinh tế thế giới trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Ngoài ra, ảnh hưởng xã hội của việc tăng giá nhà là rất rõ nét, đặc biệt là đối với người nghèo đô thị tại Trung Quốc. Với mức thu nhập khả dụng trung bình thấp hơn nhiều lần giá nhà đất, chỉ có 15% dân số đô thị tại Trung Quốc có thể mua nổi nhà để ở. Cùng với tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng mạnh (đạt gần 45% trong năm 2009) .
Tình hình lạm phát tăng cao làm giảm mức thu nhập thực tế, số người dân không có nhà riêng gây ra những áp lực về chất lượng cuộc sống và các bất ổn xã hội tiềm ẩn. Thêm vào đó, số lượng lớn những người trẻ tuổi tại thành phố không thể mua được nhà cũng có nhiều nguy cơ không thể lập gia đình.
Quyết tâm xì hơi quả bóng BĐS
Đầu năm 2011, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tuyên bố rằng Chính phủ sẽ kiểm soát giá nhà ở mức hợp lý và ổn định.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng tuyên bố vào ngày 5/3 rằng Trung Quốc sẽ mạnh tay hơn với các biện pháp kiểm soát thị trường bất động sản để ngăn chặn đầu cơ, tái khẳng định cam kết sẽ giữ giá nhà ở mức hợp lý.
Chính phủ sẽ "nghiêm trị" những vi phạm trên thị trường BĐS, áp dụng các chính sách thuế và tín dụng khác nhau, và quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương về việc đảm bảo ổn định giá nhà.
|
TQ đang tập trung xây nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp |
Từ đầu năm nay, chính quyền các địa phương cũng đang phải tham gia một cách tích cực nhằm kiềm chế tăng giá nhà đất tại địa phương mình theo yêu cầu của chính phủ. Chính phủ TW đã yêu cầu các chính quyền địa phương đặt ra mục tiêu cụ thể về việc kiềm chế mức tăng giá bất động sản trong năm 2011. Tới cuối tháng 3, khoảng 40 thành phố tại Trung Quốc đã cam kết sẽ ghìm giá nhà ở thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế hàng năm và tăng trưởng thu nhập khả dụng trên đầu người của địa phương.
Biện pháp mạnh
Một loạt các biện pháp đã được thực hiện nhằm kiềm chế việc tăng giá bất động sản, bao gồm cả hạn chế các hộ gia đình tại 35 thành phố lớn không được phép mua căn hộ thứ 2, nâng mức thanh toán trực tiếp tối thiểu khi mua nhà mới, đánh thuế bất động sản tại Trùng Khánh và Thượng Hải, cũng như các chính sách tăng lãi suất cho vay đối với các chủ thầu.
Bắc Kinh đã đề ra một số chính sách khắt khe nhằm kiểm soát giá nhà như: Cấm mua nhà mới đối với những cá nhân, hộ gia đình đã sở hữu hai hoặc nhiều căn hộ; không có giấy phép cư trú hoặc văn bản xác nhận rằng các thành viên gia đình được hưởng an sinh xã hội, hay nộp thuế thu nhập trong năm năm liền.
Mức thanh toán trực tiếp tối thiểu khi mua căn nhà thứ hai của mỗi gia đình tăng và thuế nhà ở được ban hành tại các thành phố Thượng Hải và Đông Kinh. Vào tháng 3, Bắc Kinh và Quảng Châu cũng áp đặt các mức hạn chế lên số lượng giao dịch mua nhà.
Và giá bất động sản đã hạ nhiệt
Những quyết tâm của chính phủ Trung Quốc dường như đang có tác dụng và đã cho những kết quả nhất định. Theo công bố của Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc vào thứ 7, ngày 16/4, giá đất tại các thành phố lớn của nước này chỉ tăng nhẹ trong quý đầu tiên năm 2011, riêng tốc độ tăng giá đất ở đã giảm sau khi chính phủ thực thi các biện pháp nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản.
Theo số liệu mới nhất của cuộc khảo sát giá đất do Viện Khảo sát và Quy hoạch đất đai Trung Quốc, Bộ Đất đai và Tài nguyên, công bố, từ tháng 1 đến tháng 3, giá đất trung bình tại các thành phố lớn của Trung Quốc là 2.945 nhân dân tệ (451USD) cho mỗi mét vuông, chỉ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo kết quả khảo sát, khoảng 60% các thành phố trong diện khảo sát cho thấy tỷ lệ tăng giá đất ở đã chậm hơn so với quý IV/2010. 9 thành phố tăng hơn 5% giá đất ở, trong khi đó tại quý 4/2010 có tới 23 thành phố có giá đất ở tăng trên 5%.
Chặng đường phía trước còn gian nan
Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc đặt ra mục tiêu cấp bách phải kiểm soát giá nhà đất ở mức hợp lý, song cho đến quý I năm 2011, giá nhà vẫn tăng khiến cho giới chuyên gia, những nhà đầu tư và giới chủ thầu nghi ngờ về hiệu quả lâu dài của những biện pháp hiện tại của chính phủ.
Làn sóng dư luận, bất chấp thái độ kiên quyết của chính phủ, vẫn tiếp tục đưa ra những lời bình luận rằng những biện pháp này sẽ chỉ làm giao dịch bất động sản tại Trung Quốc chậm lại, chứ không thể đưa giá nhà đất giảm về mức hợp lý, và rằng người dân nếu chờ đợi sẽ chỉ mất cơ hội của mình hết lần này đến lần khác.
Tuy vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng giá nhà tại Trung Quốc sẽ giảm mạnh trong năm nay, nhưng tất cả các động thái trên sẽ là một hồi chuông cảnh báo cho toàn thị trường bất động sản về sự quyết tâm của chính phủ, và chắc chắn sẽ khiến những nhà đầu cơ phải dè dặt hơn trong hoạt động của mình, đồng thời, thúc đẩy chính quyền địa phương và các nhà đầu tư quan tâm tới quỹ đất và các dự án xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp.