Bắc Kinh đã báo hiệu rằng sẽ có nhiều quy định hơn đối với các doanh nghiệp trong những năm tới. Tuy vậy, các nhà kinh tế cảnh báo giới chức trách cần quản lý cẩn thận tốc độ và cường độ của việc ban hành các quy định để không làm suy yếu nền kinh tế trong năm nay sau khi Covid-19 bùng phát trở lại.
Tờ Nhân dân Nhật báo trên trang nhất hôm thứ Năm dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết nước này sẽ nỗ lực hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội chính đặt ra cho năm nay.
Rất khó để xác định ảnh hưởng trực tiếp của các quy định hạn chế đối với tăng trưởng, khi chúng bao trùm mọi mặt của nền kinh tế, nhất là bất động sản và tỷ lệ nợ xấu.
Kìm hãm độ nóng của bất động sản
Trung Quốc đang gia tăng các hạn chế đối với thị trường bất động sản quá nóng với các biện pháp bao gồm tăng lãi suất thế chấp, tạm dừng đấu giá đất ở một số thành phố lớn, và cấm các quỹ đầu tư tư nhân huy động tiền để đầu tư vào phát triển khu dân cư.
Các nhà hoạch định chính sách đã nhắc lại quan điểm của họ rằng “nhà được xây để ở, không phải để đầu cơ” và tiếp tục kêu gọi ổn định thị trường nhà ở tại cuộc họp Bộ Chính trị tháng Bảy.
Dữ liệu từ cho thấy các hạn chế trên đã ảnh hưởng đến doanh số bán nhà, vốn đã giảm trong hai tháng liên tiếp ở các thành phố cấp 1 của quốc gia này.
Rosealea Yao, một nhà phân tích tại công ty Gavekal, đã hạ thấp dự báo về hoạt động xây dựng tại Trung Quốc kể từ năm nay, với mức giảm khoảng 4% vào năm 2021 so với ước tính tăng trưởng 3% được đưa ra trước đó.
Tập đoàn tài chính toàn cầu Nomura Holdings nhận định việc kiểm soát ngành bất động sản chiếm hơn một nửa nguyên nhân khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc chậm lại, xuống mức 4,7% trong nửa cuối năm 2021 từ mức 12,7% trong sáu tháng đầu năm.
Ngoài việc giảm doanh số bán nhà và tổng vốn đầu tư thấp hơn, các quy định đối với thị trường bất động sản cũng sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất và bán vật liệu xây dựng, đồ nội thất và thiết bị gia dụng cũng như các dịch vụ tài chính cho các khoản vay thế chấp mua nhà.
Lu Ting, nhà kinh tế trưởng của Nomura tại Trung Quốc, cho biết: “Thị trường đã phần nào đánh giá thấp áp lực giảm đối với ngành bất động sản. Tăng trưởng đầu tư và xây dựng trong sáu tháng đến một năm tới có thể chậm lại hoặc thậm chí thu hẹp, điều này sẽ tác động tương đối lớn đến thu nhập của các ngành liên quan và chính quyền địa phương”.
Giảm các khoản vay
Các chính quyền địa phương đã hoãn hoặc làm chậm lại việc bán trái phiếu đặc biệt trong năm nay, một phần do thiếu các dự án tốt và quá trình thẩm định dự án chặt chẽ hơn.
Tốc độ vay chậm lại có nghĩa là nền kinh tế sẽ nhận được ít động lực hơn trong năm nay từ đầu tư cơ sở hạ tầng so với dự kiến ban đầu.
Dữ liệu từ Huachuang Securities cho thấy, đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong tháng 7 tại Trung Quốc đã giảm 10% so với một năm trước đó, mức yếu nhất kể từ đại dịch hồi tháng 2 năm ngoái.
Iris Pang, chuyên gia kinh tế trưởng của Greater China tại ING Group, cho biết sự sụt giảm trong chi tiêu cho cơ sở hạ tầng sẽ kìm hãm tăng trưởng GDP của Trung Quốc khoảng 0,5 điểm phần trăm trong cả năm.
Giảm khí thải
Trung Quốc đã đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng và thách thức là trở thành một quốc gia trung hòa carbon vào năm 2060 khi mà nước này thậm chí còn chưa chạm đến đỉnh điểm phát thải.
Trong lộ trình đầu tiên để đạt được mức phát thải ròng bằng 0, Bắc Kinh cam kết tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển công nghệ mới để thu giữ lượng khí thải, cũng như giảm lượng khí thải trên một đơn vị tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Bắc Kinh đã cam kết giảm sản lượng thép, lĩnh vực đóng góp hơn 15% lượng khí thải quốc gia, để giảm thải carbon, khiến sản lượng thép rơi xuống ngưỡng thấp nhất trong 15 tháng vào tháng 07/2021. Sản lượng tháng cũng chạm mốc thấp nhất trong ít nhất 4 tháng.
Các nhà kinh tế cho biết, tốc độ giảm carbon dữ dội có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế nếu nhu cầu về nguyên vật liệu vượt quá nguồn cung.
Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng về thị trường Trung Quốc và Bắc Á tại ngân hàng Standard Chartered ở Hồng Kông, cho biết: “Một số tỉnh tại Trung Quốc đã thống nhất nghiêm ngặt việc cắt giảm lượng khí thải carbon và không cho phép bất kỳ sự linh hoạt nào, điều này có thể gây tổn hại cho các hoạt động kinh tế”.
Ông nói thêm: “Tăng trưởng kinh tế là mục tiêu ngắn hạn, trong khi giảm sản lượng thép là mục tiêu dài hạn. Nếu có xung đột, các nhà hoạch định chính sách nên ưu tiên tăng trưởng kinh tế và việc làm”.
Cải cách công nghệ giáo dục
Trung Quốc đã tiến hành một cuộc cải cách sâu rộng lĩnh vực công nghệ giáo dục trị giá 100 tỷ đô la Mỹ tại quốc gia này. Các công ty giảng dạy chương trình giáo dục hiện bị cấm kiếm lợi nhuận, huy động vốn hoặc niêm yết cổ phiếu.
Các động thái này có liên quan đến các mục tiêu xã hội cơ bản của Bắc Kinh là giảm bất bình đẳng và giảm chi phí giáo dục để khuyến khích các gia đình sinh nhiều con hơn - mặc dù trong ngắn hạn, nó đã dẫn đến những khó khăn trong thị trường vốn và lao động.
Các nhà kinh tế cho rằng tác động đến việc làm và tiêu dùng đối với các công ty công nghệ giáo dục có thể chỉ là tạm thời, vì chi tiêu sụt giảm ở chỗ này lại tăng lên ở chỗ khác.
Zhou Hao, nhà kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi tại Commerzbank AG ở Singapore cho biết: “Sẽ có nhiều việc làm hơn tại các trường công lập sau khi việc làm tại các công ty giáo dục tư nhân giảm đi”.
Các quy định ngành như vậy sẽ gây ra những điều chỉnh cơ cấu trong ngắn hạn, nhưng không có khả năng tác động đến tổng cầu, ông kết luận.
-
Thêm nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc trên bờ vực vỡ nợ
Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc sắp bước sang năm thứ 5, nhưng rắc rối nợ nần của các doanh nghiệp có vẻ vẫn ngày càng chồng chất. Trái phiếu đồng USD của các công ty địa ốc đang bị giảm sâu trên thị trường, việc phát hành nợ mới trở nên...
-
Trung Quốc đẩy mạnh hỗ trợ tỷ giá nhân dân tệ dưới sức ép từ đồng USD
Theo Nikkei Asia Review, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa phát tín hiệu về việc tăng cường hỗ trợ nhân dân tệ để ngăn đà suy yếu nhanh của đồng tiền này sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo giảm lãi suất ít hơn trong năm 2025 khiến ...
-
Thái Lan trở thành điểm nóng của các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc
Người Trung Quốc là những nhà đầu tư nước ngoài có nhiều giao dịch bất động sản nhất tại Thái Lan, chiếm gần 46% tổng số căn hộ chung cư do người nước ngoài đã mua vào năm 2023.