22/04/2023 9:18 PM
Các tỉnh/thành phố tại Trung Quốc có kế hoạch tăng gần 1/5 chi tiêu cho các dự án xây dựng lớn trong năm nay khi chính quyền Bắc Kinh tiếp tục dựa vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nền kinh tế.

Khoảng 2/3 các khu vực của Trung Quốc đã công bố kế hoạch chi tiêu cho các dự án lớn như cơ sở hạ tầng giao thông, sản xuất năng lượng và khu công nghiệp trong năm nay, tổng cộng lên tới hơn 12.200 tỷ nhân dân tệ, theo phân tích của Bloomberg. Đó là mức tăng 17% so với năm ngoái.

Mặc dù sự phục hồi trong chi tiêu của người tiêu dùng sau khi nới lỏng các chính sách phòng dịch nghiêm ngặt vẫn được dự đoán là động lực tăng trưởng chính trong năm nay, nhưng “vết sẹo” kinh tế do đại dịch gây ra cho thấy sự phục hồi về việc làm và thu nhập có thể diễn ra dần dần.

Phân tích cho thấy chi tiêu đang được hướng tới các lĩnh vực như sản xuất công nghệ cao và năng lượng, nhấn mạnh sự tập trung của Bắc Kinh vào khả năng tự chủ về công nghệ cũng như an ninh năng lượng trước sự cạnh tranh ngày càng tăng và mối quan hệ căng thẳng với Mỹ.

Chi phí cho ngành xây dựng tăng cao

Dữ liệu gần đây cho thấy sự bùng nổ cơ sở hạ tầng có thể đã bắt đầu. Một chỉ số đo lường hoạt động xây dựng đã tăng trong tháng 3 lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ.

Jeremy Stevens, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Standard Bank Group, cho biết do các hộ gia đình thận trọng về triển vọng việc làm và thu nhập nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản xuất vẫn “quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc”. Ông nhận thấy mức đầu tư cố định vào cơ sở hạ tầng tăng 5-10% trong năm nay.

Stevens cho biết: “Ít nhất trong nửa đầu năm nay, đầu tư vào tài sản cố định sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Hy vọng của chính phủ là thúc đẩy sự phục hồi và đến một lúc nào đó, họ có thể trao quyền kiểm soát cho doanh nghiệp tư nhân và tiêu dùng. Tôi nghĩ đó là kế hoạch”.

Việc thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng cũng sẽ giúp nâng cao nhu cầu đối với hàng hóa. Trong kịch bản xây dựng tăng trưởng trên 10% trong năm nay, nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ tăng 1,4 triệu thùng mỗi ngày trong năm, trong khi nhu cầu than sẽ đạt kỷ lục mới và nhu cầu đồng cũng như nhôm sẽ tăng, theo một ước tính gần đây từ Wood Mackenzie.

Mặc dù Trung Quốc muốn cắt giảm sản lượng thép trong năm nay để đáp ứng các mục tiêu về bảo vệ môi trường, nhưng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng vẫn có thể tăng nếu nước này ít phụ thuộc vào thép hơn.

Ví dụ, việc xây dựng các khu công nghiệp chiếm khoảng 1/3 chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Trung Quốc vào năm ngoái và có xu hướng sử dụng ít thép hơn so với các loại cơ sở hạ tầng khác, Stevens cho biết.

Các khu vực có mục tiêu chi tiêu lớn bất thường cho các dự án lớn bao gồm tỉnh Hà Nam, có kế hoạch tăng chi tiêu gần 50% trong năm nay lên 2.000 tỷ nhân dân tệ.

Người phát ngôn của các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam cho biết phần lớn số tiền sẽ được chi cho các dự án “chuyển đổi công nghiệp”, bao gồm hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ cho “sản xuất tiên tiến”. Cơ sở hạ tầng truyền thống, chẳng hạn như đường giao thông và mạng lưới nước, chỉ chiếm 20% chi tiêu.

Chỉ có một tỉnh - Chiết Giang - tuyên bố giảm chi tiêu trong năm nay, dự báo mức giảm 9% xuống còn 1.000 tỷ nhân dân tệ. 10 trong số 31 khu vực hành chính của Trung Quốc đại lục đã không công khai mục tiêu của họ, có nghĩa là có thể mức tăng chi tiêu theo kế hoạch trên toàn quốc cho các dự án lớn có thể thấp hơn 17%.

Theo Ming Ming, nhà kinh tế trưởng tại Citic Securities, tốc độ tăng chi tiêu cho các dự án lớn thường vượt quá tốc độ tăng trưởng đầu tư chung, vì việc được chỉ định là dự án lớn sẽ giúp chính phủ phê duyệt nhanh hơn và hỗ trợ tài chính nhiều hơn.

Kế hoạch cho vay

Các tỉnh, thành phố của Trung Quốc đã được cấp hạn ngạch 3.800 tỷ nhân dân tệ vào năm 2023 để bán trái phiếu đặc biệt được sử dụng chủ yếu để tài trợ cho cơ sở hạ tầng, ít hơn số tiền họ đã bán vào năm ngoái, nghĩa là họ sẽ cần khai thác các nguồn tài trợ khác để đạt được mục tiêu của mình.

Trong khi chính quyền một số khu vực bị cấm vay ngân hàng, các dự án lớn có thể được tài trợ bởi các công ty tư nhân. Theo các nhà phân tích tại China International Capital, nguồn tài trợ từ các ngân hàng chính sách của Trung Quốc, chẳng hạn như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, có thể sẽ tăng trong năm nay.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đang cung cấp nguồn vốn giá rẻ để khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay đối với các dự án xây dựng trong lĩnh vực năng lượng.

Theo Fitch Ratings, các phương tiện tài chính thuộc sở hữu của chính quyền địa phương cũng dự kiến sẽ huy động được một khoản vay khoảng 1.200 tỷ nhân dân tệ thông qua phát hành trái phiếu trong năm nay, phần lớn là để tài trợ cho cơ sở hạ tầng.

Chi tiêu xây dựng có khả năng đẩy nợ chính phủ và doanh nghiệp của Trung Quốc lên cao. Điều đó sẽ làm tăng thêm căng thẳng tài chính đối với chính quyền tại một số địa phương.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tổng nợ chính phủ của Trung Quốc, bao gồm cả nợ của các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương, sẽ tăng khoảng 12 điểm phần trăm lên 123% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay. Nợ doanh nghiệp sẽ tăng 4 điểm phần trăm lên 117% GDP.

Anh Nguyễn (Straitstimes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.