Anh Minh Nhật (45 tuổi, Hà Tĩnh) đang sở hữu một căn nhà ở quận 2, một căn tại quận Gò Vấp và vài mảnh đất tại Bình Dương, Lâm Đồng sau khi trải qua 4 lần mua nhà thất bại.

Căn nhà đầu tiên: gặp chủ nhà “oái oăm”

Vì muốn có chốn an cư để yên tâm lạc nghiệp, nên vừa đặt chân vào TP.HCM sau khi kết hôn, anh Nhật nhanh chóng tìm mua một căn nhà để ở. Khu vực anh tìm mua là quận 12, bởi khi đó (năm 2002), giá một căn nhà cấp 4 rộng gần 40m2 tại đây chỉ dao dộng từ 80-100 triệu đồng/căn.

Sau khi xem qua một vài nơi, anh chốt một căn nhà có vị trí khá đẹp và không gian rộng rãi, yên tĩnh tại phường Đông Hưng Thuận. Anh đặt cọc cho chủ nhà 5 triệu đồng và hẹn ngày mai sẽ mang đủ tiền đến làm hợp đồng.

Thời đó, chưa am hiểu về luật và mua bán nhà đất cũng chưa phức tạp về giấy tờ như bây giờ, nên anh chỉ xác nhận đưa tiền cọc cho chủ nhà bằng “niềm tin”.

Đúng hẹn, anh đến tiến hành giao dịch thì chủ nhà nói căn nhà đã bán cho người khác và có ý không muốn trả tiền cọc cho anh. Đôi co một hồi, chủ nhà cũng chịu “nhả” cho anh 2 triệu đồng. Mặc dù rất bức xúc nhưng anh cũng không làm được gì vì không có giấy tờ chứng minh anh đã đưa tiền. Vậy là căn nhà đầu tiên thất bại.

Anh Nhật mất cọc vì quá tin người. Ảnh minh họa.

Căn nhà thứ hai: mua nhà không sổ

Lần này anh cẩn thận hơn, được một người quen giới thiệu cho một căn nhà hơi xa trung tâm, nhưng nhà mới được sửa sang trông rất đẹp. Diện tích cũng rộng hơn và đặc biệt có khoảng sân đằng trước nhà thoáng mát.

Mặc dù nhà chưa có sổ nhưng anh tin chủ nhà làm công an sẽ giải quyết vấn đề này ổn thỏa. Ba năm đầu, anh rất thoải mái vì tận dụng được khoảng sân trước nhà để buôn bán cây cảnh. Nhưng sau đó căn nhà bắt đầu có vấn đề.

Những mảng sơn tường trong nhà có dấu hiệu bong tróc, thậm chí ngồi ăn cơm một mảnh tường còn rơi trúng vào bát cơm. Hệ thống nước cũng bị rò rỉ và điện thường xuyên bị chập chờn. Vì hoạt động kinh doanh đang tốt, nên anh vẫn cố gắng ở thêm hai năm nữa.

Khoảng cuối năm 2009, anh quyết định rao bán căn nhà, tuy nhiên nhà lại chưa có sổ nên không bán được. Anh năn nỉ chủ nhà cũ mãi người ta mới chịu ký một số giấy tờ và còn mất một khoản tiền cho bên cò đất để họ làm nhanh hơn. Cuối cùng, anh cũng bán được căn nhà với giá hơn 500 triệu đồng.

Ảnh minh họa.

Căn nhà thứ 3: nhà xây trên đất của người đã khuất

Khoảng đầu năm 2010, cầm trong tay 500 triệu đồng từ việc bán nhà và 150 triệu đồng anh tích góp từ kinh doanh trong 6 năm, anh Nhật tìm đến một nơi gần trung tâm hơn.

Tình cờ đi ngang qua đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp, thấy có người rao bán căn nhà cấp 4 mới xây và vị trí cũng thuận tiện cho vợ anh đi làm và con trai đi học, nên anh gọi điện thoại hỏi chủ nhà.

Sau một hồi trao đổi, anh chốt mua căn nhà với giá 360 triệu đồng. Khi mới chuyển đến, vợ chồng anh gọi thầy về làm lễ nhập trạch mong gia đình luôn bình an và mọi sự hanh thông.

Căn nhà không có gì để chê, nhưng gia đình anh lại liên tiếp gặp chuyện. Đầu tiên là vợ anh, cưới nhau cho đến giờ cũng gần chục năm, anh chưa bao giờ nghe chị than một tiếng mất ngủ và mệt mỏi. Vậy mà từ ngày chuyển đến căn nhà mới, chỉ trong một tháng chị phải nhập viện đến 3 lần vì suy nhược cơ thể. Chị kể với chồng rằng rất hay bị bóng đè, nên có những buổi tối chị không dám đi ngủ vì sợ. Chị ăn cũng không thấy ngon như trước. Anh Nhật động viên vợ chắc vì công việc áp lực hơn, do chị mới được thăng chức trước khi chuyển nhà.

Tiếp đến, con trai anh cũng thường xuyên bị ốm. Có hôm còn nhập viện trong đêm vì sốt cao. Trong khi đó, công việc kinh doanh của anh cũng không được thuận lợi như trước. Thấy gia đình anh liên tục gặp chuyện, cô hàng xóm qua nhà hỏi thăm. Cô kể căn nhà này được xây mới lại trên mảnh đất của người đã khuất nên nếu tin vào tâm linh, vợ chồng anh nên kêu thầy cúng về làm lễ.

Dù vậy, sau khi làm lễ xong anh vẫn không yên tâm. Anh lại rao bán căn nhà thứ ba. Tuy nhiên, bao nhiêu khách đến xem họ vẫn không mua vì nghe tin nhà này có “ma”. Cuối cùng sau 9 tháng anh cũng bán được căn nhà và chấp nhận lỗ 20 triệu đồng.

Mua nhà ở xã hội qua tay nhưng không được phép bán ngay.

Căn nhà thứ 4: mua nhà ở xã hội “qua tay”

Năm 2012, anh dồn hết số tiền có được 700 triệu đồng mua một căn nhà ở xã hội qua tay tại quận 9. Vừa mua được căn hộ rộng rãi, lại phù hợp với túi tiền anh vợ chồng anh Nhật vui lắm. Tuy nhiên, sau một thời gian anh mới “ngã ngửa” vì căn nhà của mình vướng phải nhiều thủ tục pháp lý.

Anh Nhật cho biết, người chủ cũ mua căn nhà ở xã hội không được phép bán ngay. Do đó, chỉ có thể làm giấy tờ viết tay mua bán căn hộ mà không thực hiện được thủ tục sang tên đổi chủ.

Ở được một thời gian, con trai anh Nhật vào lớp 1, anh ra công an phường xin làm thủ tục đăng ký thường trú để được đi học trường công. Nhưng khi xem xét giấy tờ, cán bộ phường cho biết, giấy tờ của anh không hợp lệ nên không thể làm thủ tục đăng ký thường trú.

Việc mua bán nhà ở xã hội qua tay khi chưa đủ điều kiện là trái quy định của pháp luật. Theo đó, anh Nhật sẽ phải chịu nhiều rủi ro pháp lý, thậm chí là mất trắng.

Và đó là lần thất bại cay đắng nhất của anh.

Bài học kinh nghiệm xương máu

Từ sau lần mua nhà thứ 4 thất bại, vợ chồng anh Nhật quyết định thuê nhà và tích góp thêm tiền để tìm cơ hội tốt hơn. Năm 2013, anh Nhật bắt đầu tìm hiểu mua bán đất nền và may mắn kiếm được kha khá.

Hiện tại, vợ chồng anh Nhật đang ở một căn nhà khang trang tại quận 9 và cho thuê một căn ở quận Gò Vấp. Ngoài ra còn sở hữu chung với em trai nhiều mảnh đất tại Dĩ An (Bình Dương), Nhơn Trạch (Đồng Nai) và Lâm Đồng.

Bảo Minh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.