Dựng cả ki ốt lên bể nước cứu hỏa để cho thuê
Trăm mối bức xúc
Khu tái định cư 5,08ha bao gồm nhiều tòa nhà cao tầng được đánh số từ N11A, N11B cho đến N16, thuộc quản lý của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Năm 2003, hàng trăm hộ dân thuộc diện bị giải tỏa chuyển về đây sinh sống. Trải qua một thời gian dài, nhiều hạng mục của các tòa nhà nay đã hư hỏng, xuống cấp, thậm chí có hạng mục vẫn chưa hoàn thiện. Người dân đã nhiều lần gửi đơn đề nghị nhưng mọi nguyện vọng chính đáng vẫn chưa được đáp ứng.
Ông Nguyễn Văn Hưu – Trưởng ban quản trị tòa nhà N11A cho biết: “Bà con kiến nghị lên UBND phường Dịch Vọng, UBND quận Cầu Giấy cùng Công ty TNHH Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đề nghị giải quyết những tồn tại đã có từ lâu nhưng không được quan tâm. Ví dụ như hệ thống cứu hỏa hiện nay hỏng từ lâu không hoạt động được. Bể chứa nước chung cũng đã nứt vỡ. Người dân đã tự góp tiền khắc phục được một số chỗ, nhưng còn nhiều hạng mục phải đề nghị đơn vị quản lý. Đơn cử như bể phốt, cống rãnh thoát nước của tòa nhà 11 năm chưa được thông hút nên bốc mùi rất khó chịu”.
Cũng theo ông Hưu, khu sinh hoạt chung, vỉa hè tòa nhà đã bị sụt lún, cửa kính khu cầu thang nứt vỡ, tay vịn cầu thang mục nát, nhà xe, mái tôn, máng hứng nước đều bị hư hại. Tất cả những vấn đề này đã được cư dân phản ánh nhiều lần, thế nhưng hầu hết đều bị phớt lờ. Ngoài ra, do buông lỏng quản lý, cầu thang các toà nhà đã bị nhiều người lấn chiếm để mở hàng ăn và bán tạp hóa. Hầu hết khu vực tầng 1 đều bị các ki ốt phủ kín bởi đơn vị quản lý cho tư nhân thuê mướn. Ngày 23-5 vừa qua, UBND quận Cầu Giấy đã ký quyết định công nhận thành lập Ban quản trị tòa nhà N11A. Theo đó Ban quản trị này sẽ đại diện khu dân cư để khai thác, quản lý tòa nhà. “Thế nhưng, dù nghị định đã nói rõ là người dân được khai thác, quản lý và sử dụng 2/3 diện tích, không gian chung như ki-ốt, cửa hàng cho thuê. 1/3 còn lại giao cho đơn vị quản lý tòa nhà khai thác. Tuy nhiên, cho đến nay, Ban quản trị vẫn không được bàn giao bất kỳ việc gì, không có bất kỳ nguồn thu nào để duy trì hoạt động. Chúng tôi đã kiến nghị lên Sở Xây dựng và các cơ quan chức năng từ lâu mà chưa có hồi âm” - ông Hưu nói.
Nguy cơ mất an toàn
Vấn đề an toàn PCCC của người dân ở đây đang rất đáng báo động. Hiện nay, đơn vị quản lý khu tái định cư đã chiếm dụng cả bể nước cứu hỏa của khu dân cư để dựng kiốt cho thuê. Ông Hưu khẳng định: “Giữa 2 toà nhà N11A và N11B có một bể nước ngầm khá rộng với diện tích hơn 150m2. Bể nước này có nhiệm vụ cung cấp nước chữa cháy khi có sự cố về cháy nổ trong các dãy nhà cao tầng. Vậy mà đơn vị quản lý đã cho tư nhân dựng cả gian hàng lên trên đó để kinh doanh rau sạch. Máy bơm chữa cháy được lắp đặt từ cách đây 10 năm, nhưng chưa một lần bảo dưỡng nên hiện giờ chỉ như cục sắt gỉ, không thể hoạt động được”.
Theo quan sát của chúng tôi, căn phòng chứa máy bơm hiện như 1 nhà kho chật kín các đồ dùng phục vụ cho 1 quán ăn. Chiếc máy bơm hoen gỉ bị bàn ghế, thúng mủng, biển quảng cáo… chất chồng đống lên trên. Ngay cả đường ống dẫn nước của bể chứa cũng không có và chắc chắn nếu sự cố xảy ra thì vô phương cứu chữa. Một số cư dân khác của tòa nhà cho hay, vì khu vực này chưa có nơi vui chơi ngoài trời cho trẻ nên người dân đã nhiều lần đề xuất được xây dựng trên mặt bằng diện tích 150m2 của bể nước nhưng chưa được chấp thuận. “Công ty không đồng ý xây dựng sân chơi cho các cháu, nhưng lại xây khu bán hàng cho thuê lên trên bể nước. Điều đó chứng tỏ họ không quan tâm đến mong muốn của người dân mà chỉ nhăm nhăm thu lợi cho mình. Người dân vô cùng bất bình” - ông Hưu nói. Để làm rõ những phản ánh này chúng tôi đã liên lạc nhiều lần với đại diện Ban Giám đốc Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị, đơn vị trực tiếp quản lý khu tái định cư. Tuy nhiên, số điện thoại của lãnh đạo này liên tục “ngoài vùng phủ sóng”. Báo An ninh Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
-
Tác giả “Cha giàu cha nghèo” cảnh báo Airbnb có thể làm sụp đổ thị trường bất động sản
Tác giả cuốn sách nổi tiếng “Cha giàu cha nghèo” Robert Kiyosaki lo lắng rằng sự suy thoái của thị trường cho thuê ngắn hạn, dẫn đầu bởi Airbnb, là tiền đề có thể làm sụp đổ ngành bất động sản Mỹ....
-
3 rủi ro phổ biến nhất khi cho thuê bất động sản
Dưới đây là 3 rủi ro khi cho thuê bất động sản mà mọi nhà đầu tư cần phải hiểu rõ và cách phòng tránh chúng.
-
6 lưu ý khi cho gia đình có trẻ nhỏ thuê nhà
Bên cạnh thiết kế cũng như những tiện ích mà bất động sản sở hữu, người thuê nhà sẽ rất chú trọng đến một yếu tố khác, đó là sự an toàn, đặc biệt là nếu đối tượng thuê là gia đình có trẻ nhỏ....