Nhiều dự án nhà ở nằm trơ móng, còn chủ đầu tư đã biến mất
Chủ đầu tư biến mất
Gần 3 năm trở lại đây, trái ngược với sự xuống dốc không phanh của thị trường bất động sản, các vụ việc tranh chấp giữa khách mua căn hộ, nhà đầu tư với doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án về việc chậm bàn giao nhà lại gia tăng. Có tới hàng chục vụ khách hàng đến tận trụ sở doanh nghiệp căng băng rôn, khẩu hiệu đòi căn hộ bởi tiền đã đóng hàng tỷ đồng từ 2-3 năm trước mà dự án mãi vẫn chưa xong móng.
Ghi nhận thực tế này, đại diện Ban Kinh tế Ngân sách (HĐND TP Hà Nội) cho biết, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, có nhiều dự án nhà ở người dân đã đóng góp tiền để mua nhà, song chủ đầu tư không đủ năng lực để thực hiện dự án, một số chủ đầu tư đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự, dẫn đến tâm lý hoang mang, lo lắng của người dân và tạo dư luận xấu trong xã hội. Câu hỏi lớn được đặt ra là ai sẽ đứng ra bảo vệ lợi ích của người dân và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc để xảy ra tình trạng trên.
Trả lời câu hỏi này, UBND TP Hà Nội cho biết, với những nỗ lực thực hiện nhiều nhóm giải pháp đồng bộ, hiện nay, tình hình phát triển nhà ở và thị trường bất động sản Hà Nội đã có những chuyển biến ban đầu khá tích cực. Thống kê sơ bộ, Hà Nội đạt được 4 triệu m2 nhà ở, trong đó nhà dân tự xây khoảng 1,8 triệu m2. Nhiều dự án đang gấp rút hoàn thành, nhiều dự án đã hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội cũng nhìn nhận, thực tế, trên địa bàn, có một vài chủ đầu tư do đầu tư dàn trải tại nhiều dự án, ở nhiều địa phương khác nhau dẫn đến thiếu vốn để triển khai dự án, chưa thực hiện đúng pháp luật về đầu tư xây dựng, vi phạm về quản lý sử dụng đất đai, huy động vốn khi chưa đủ điều kiện... Do đó, dự án bị đình trệ, thậm chí chủ đầu tư phải nhượng lại dự án, một số chủ đầu tư còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chưa hết vi phạm
Để thực hiện dự án, chủ đầu tư phải tuân thủ theo quy định chặt chẽ của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, nhất là các quy định về huy động vốn. UBND TP nhấn mạnh, việc góp tiền để mua nhà ở chỉ được thực hiện sau khi chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng và hoàn thành xong phần móng theo quy định. Trong quá trình thẩm định dự án, UBND TP khẳng định, đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan kiểm tra, xác định rõ các điều kiện theo quy định của pháp luật và quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án.
Dù vậy, một số chủ đầu tư vẫn cố tình vi phạm. Với các trường hợp này, UBND TP đang chỉ đạo các cấp, các ngành kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Sở TN-MT Hà Nội cho biết, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2013, đối với nhóm các dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai, Sở TN-MT đã xử phạt hoặc trình UBND TP xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 122 triệu đồng. Sở TN-MT cũng thừa nhận thực tế, do thị trường bất động sản “đóng băng” kéo dài, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, không vay được vốn từ ngân hàng, cũng như không huy động được vốn từ đối tác đầu tư, từ người mua nhà nên không thực hiện được dự án theo tiến độ. Hệ quả tất yếu là dự án “treo” không biết tới bao giờ mới có thể tái hoạt động trở lại.
Để chấn chỉnh tình trạng chủ đầu tư “bỗng dưng” biến mất, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi người mua nhà, UBND TP cho biết, sẽ siết chặt thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở đang triển khai. Yêu cầu đặt ra với các ngành chức năng là phải phát hiện sớm sai phạm của chủ đầu tư, xử lý nghiêm việc thu hồi dự án. Cùng với đó, TP buộc chủ đầu tư thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (hàng tháng, quý, năm) về tình hình thực hiện dự án. Đặc biệt, chính quyền địa phương (nơi có dự án) phải kiểm soát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án, kịp thời báo cáo thành phố để có biện pháp xử lý, tránh gây bức xúc cho người dân.
Đề cao yếu tố minh bạch, UBND TP chỉ đạo công khai các dự án đủ điều kiện triển khai và thông tin liên quan đến chủ đầu tư để người dân có thông tin khi lựa chọn mua nhà, tránh rơi vào bẫy của những chủ dự án “ma”. Cam kết thực hiện quyết liệt các giải pháp lành mạnh hóa thị trường bất động sản trên địa bàn Hà Nội, UBND TP cũng đặt ra nhiệm vụ tăng cường phổ biến quy định của pháp luật để người dân hiểu rõ, phân biệt các loại hợp đồng mua nhà ở, hợp đồng góp vốn để lựa chọn các hình thức ký hợp đồng đảm bảo quyền lợi khi mua nhà.